(ĐSPL) - Tình hình chính trị - xã hội thế giới năm 2016 xuất hiện những diễn biến bất ngờ và vô cùng phức tạp, khó lường. Song, trật tự thế giới đa cực được thể hiện ngày càng rõ.
Nhìn lại tình hình năm qua sẽ là tiền đề để thế giới hy vọng hơn về một năm 2017 với những diễn biến khởi sắc và phát triển tích cực.
GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, chuyên viên cao cấp của Viện nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: Quan hệ Nga – Mỹ - phương Tây lên “nấc thang” mới
2016 là một năm đầy biến động với mối quan hệ Nga – Mỹ nói riêng hay mối quan hệ Nga – phương Tây nói chung. Dưới góc độ chuyên gia nghiên cứu, ông có thể đưa ra bức tranh toàn cảnh mối quan hệ này?
GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn: Xuyên suốt 71 năm qua (1945-2016), quan hệ Liên Xô (cũ) – Mỹ, nay là Nga và Mỹ, là mối quan hệ luôn đối nghịch, cạnh tranh, có cả đối đầu và đối thoại đan xen phức tạp. Mối quan hệ này luôn bất ổn, thường xuyên căng thẳng, thậm chí đã có lúc bên bờ vực của chiến tranh. Quan hệ đó không có niềm tin chiến lược lẫn nhau.
Nếu có hợp tác hay nhượng bộ nhau chỉ là tạm thời và là các giải pháp tình thế. Quan hệ Nga – phương Tây năm 2016 cũng không thể nằm ngoài quỹ đạo nêu ở trên. Tuy nhiên, gam màu trong quan hệ Nga - Mỹ - EU – NATO đã có thể có những bước chuyển biến theo hướng từ màu tối sang gam màu ít tối hơn, đâu đó đang lộ dần những mảng sáng mang dấu hiệu lạc quan.
Vậy những nét chính trong mối quan hệ đó là gì, thưa ông?
GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn: Năm 2015 chuyển cho năm 2016 một di sản nặng nề về quan hệ chính trị quốc tế giữa Nga – phương Tây. Đó là căng thẳng xoay quanh các vấn đề quốc tế liên quan đến cả hai phía. Một là, vấn đề Ukraine với cuộc khủng hoảng miền Đông.
Sóng gió nổi lên 2014 và đến cuối năm 2016, vấn đề Ukraine đã bị “chìm xuồng”, dịu đi và ít được nhắc nhiều trên truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, để giải quyết nó vẫn còn là nhiệm vụ nặng nề, dai dẳng và chắc chắn còn phải mất nhiều năm nữa để tìm ra một thỏa thuận chung mà các bên chấp nhận được.
Nhưng có thể thấy, tình hình tại đây đang giảm dần những căng thẳng, dần đi vào thế ổn định, kiến tạo một Ukraine trong bối cảnh quốc tế mới. Hai là, cuộc chiến ở Syria cùng các bên liên quan. Có thể nhận thấy cuộc chiến tại một quốc gia Trung Đông như Syria đã có thể làm đảo lộn trật tự thế giới được hình thành kể từ khi Liên Xô tan rã.
Hai siêu cường quân sự là Mỹ và Nga đã có sự đảo chiều trong chính sách, nhưng đó là sự đảo chiều có chủ đích, trong khi châu Âu và Trung Đông đang phải đối mặt một chu kỳ bất ổn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc nội chiến tại Syria đã ảnh hưởng sâu sắc đến vị thế và chính sách đối ngoại của các cường quốc thế giới cũng như khu vực Trung Đông.
Theo ông, những căng thẳng đó có được giải quyết trong năm tới?
GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn: Càng về cuối năm 2016 càng có những bước chuyển biến tích cực, mang dấu hiệu lạc quan cho triển vọng trong quan hệ Nga - Mỹ - EU – NATO, đặc biệt rất có thể Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ có bước tiến về phía Nga – điều mà Moscow rất mong đợi. Nga – Mỹ từ trước đến nay luôn “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, nhưng sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Washington có thể sẽ không còn đứng đầu trong danh sách những đối thủ chính thức của Nga.
Trước mắt, có lẽ sẽ có một sự nồng ấm giữa Washington và Moscow lần đầu tiên trong vòng 15 năm. Và “chuyện tình” Trump - Putin có thể còn tiếp diễn trong một khoảng thời gian nữa.
TS. Trần Việt Thái - Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao: ASEAN tạo dấu ấn trong quan hệ với các cường quốc
Theo giới quan sát, khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm qua là một không gian vừa hợp tác vừa có xung đột. Ông có đồng ý với nhận định đó, thưa TS. Trần Việt Thái?
TS. Trần Việt Thái: Năm 2016, khu vực châu Á – Thái Bình Dương chứng kiến nhiều sự thay đổi nhanh chóng và bất ngờ. Những vấn đề nổi bật bao trùm, chi phối các mối quan hệ địa chính trị xung quanh khu vực này là tình hình Biển Đông, sự trỗi dậy của Trung Quốc, chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ và quá trình tìm kiếm lợi ích của các nước lớn tại khu vực.
Sáu tháng đầu năm 2016, Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các khía cạnh, từ kinh tế, thương mại, xã hội, chính trị, an ninh và quốc phòng, đối ngoại. Bắc Kinh đã từ bỏ “giấu mình chờ thời” để thực hiện chiến lược vươn ra bên ngoài, “nỗ lực lập công”.
Với chiến lược mạnh mẽ cùng tham vọng trở thành cường quốc biển trên phạm vi toàn cầu, Bắc Kinh muốn vươn lên từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sức mạnh an ninh, quân sự và chính trị của Trung Quốc trong năm qua là mối quan ngại sâu sắc với nhiều quốc gia châu Á.
Đặc biệt, sự gia tăng áp lực của Trung Quốc ở Biển Đông đã biến khu vực này thành một điểm nóng trên bản đồ chính trị thế giới. Bắc Kinh đã tiến hành nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu chiến lược thông qua những hành động bành trướng và tuyên bố trắng trợn, đe dọa an ninh khu vực.
Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì thực hiện chiến lược “tái cân bằng”, “xoay trục” sang châu Á, nhằm duy trì trật tự ở khu vực, củng cố ảnh hưởng của Mỹ và một phần kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong năm 2016, chính sách xoay trục sang châu Á của ông Barack Obama tiếp tục đạt được nhiều thành tích đáng kể với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông có thể phân tích rõ hơn về điều này?
TS. Trần Việt Thái: Tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Nhật Bản, thắt chặt quan hệ đồng minh. Đáng chú ý, ông Barack Obama trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đến đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các nạn nhân Nhật Bản trong vụ ném bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki cách đó 71 năm.
Với Hàn Quốc, Mỹ được phép triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), giúp quan hệ đồng minh thân thiết giữa hai nước được nâng lên một nấc thang mới.
Tàu nạo vét, bồi lấp trái phép của Trung Quốc ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: EPA) |
Thêm vào đó, quan hệ của Mỹ với các nước ASEAN đặc biệt có nhiều khởi sắc trong năm 2016. Tháng 2/2016, hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ đã ra tuyên bố chung gồm 17 điểm rất tích cực, nói cả về vấn đề an toàn và an ninh hàng hải, cụ thể, hai bên cùng cam kết duy trì hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải.
Nga trong năm qua đã chú ý hơn tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương với việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc, đồng thời Moscow cũng đẩy mạnh quan hệ với ASEAN thông qua Hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN ở Sochi diễn ra hồi tháng 5/2016 để đánh dấu chặng đường 20 năm Nga và ASEAN khởi động, duy trì đối tác đối thoại.
Nhìn lại năm 2016, ASEAN đã xử lý rất thành công quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Nga và các nước lớn khác, ngoài ra có thể thấy ASEAN đang ở một vị thế rất có lợi. Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, khi ông Trump đắc cử, chiến lược “xoay trục châu Á” có nguy cơ bị gạt sang một bên. Nhưng nếu ông Trump từ bỏ chiến lược này, có thể ông ấy sẽ tiếp tục xây dựng một chiến lược khác, tên gọi khác nhưng nội hàm nhiều khả năng sẽ có những điểm tương đồng với ông Barack Obama.
Bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng
Thưa ông, năm qua bán đảo Triều Tiên có những diễn biến gì đáng chú ý?
TS. Trần Việt Thái: Năm 2016, bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn ở thực địa. Việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa, thực hiện các cuộc tập trận cùng với lời lẽ “đe dọa” của các bên cho thấy tình hình diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn.
Các di sản từ thời Chiến tranh Lạnh đã dần được giải quyết và tới nay chỉ còn lại vấn đề Triều Tiên. Cụ thể, vấn đề hạt nhân Iran đã được giải quyết, Mỹ đã bình thường hóa quan hệ với Cuba và Myanmar, quan hệ Mỹ - Lào, Mỹ -Việt đã có những bước tiến tích cực... duy chỉ có vấn đề Triều Tiên còn tồn tại.
Gần đây nhất, Liên Hợp Quốc tiếp tục đưa ra biện pháp trừng phạt với Bình Nhưỡng. Nhưng có thể thấy, Triều Tiên là đất nước có sức chịu đựng rất giỏi, có khả năng đề kháng, tự lực, tự cường. Thực địa căng thẳng, quan hệ bị siết chặt, cấm vận mà họ vẫn có thể tồn tại.
Tương quan lực lượng trên bán đảo Triều Tiên cũng đang thay đổi theo hướng bất lợi cho Triều Tiên, nhất là sau khi Mỹ triển khai THAAD cùng với việc Nhật Bản, Hàn Quốc cùng áp dụng biện pháp trừng phạt đơn phương với Triều Tiên.
Thậm chí, chính sách của Trung Quốc với Triều Tiên cho thấy quan hệ giữa hai bên không còn tốt đẹp như trước. Quan hệ địa chính trị đang thay đổi, nếu các bên không xử lý khéo léo thì sẽ rất nguy hiểm. Bán đảo Triều Tiên có diện tích nhỏ, dân số đông đúc nhưng vũ khí và quân đội lại nhiều. Trên một đất nước nhỏ hẹp, việc quá nhiều vũ khí là không tốt, đặc biệt nếu là vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc chủ động "giảm tông" trên biển Đông?
Sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Bắc Kinh dường như yên ắng hơn ở Biển Đông. Theo ông, Trung Quốc đang dần từ bỏ tham vọng hay chỉ làm dịu tình hình, sau đó còn lấn át hơn?
TS. Trần Việt Thái: Đáng chú ý nhất trong năm 2016 là phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực về vụ kiện Biển Đông. Ngày 12/7, PCA tuyên bố Trung Quốc không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông, đồng thời phủ nhận yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra ở vùng biển này.
Sau đó, Trung Quốc lớn tiếng phản đối phán quyết trên và tiếp tục bành trướng, bồi đắp trái phép các đá ở Biển Đông thành đảo nhân tạo và ngang nhiên xây dựng những cơ sở quân sự trên đó. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Bắc Kinh đã có một số điều chỉnh về sách lược, khiến Biển Đông trở nên yên ắng hơn.
Bắc Kinh không muốn làm rầm rĩ lên bởi phán quyết của tòa quá rõ ràng, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý ở vùng biển này, nên việc làm đó chỉ bất lợi cho họ. Về vấn đề nội bộ, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho Đại hội XIX đảng Cộng sản Trung Quốc, do vậy xử lý “êm” vấn đề Biển Đông sẽ có lợi cho Bắc Kinh.
Trung Quốc đã chủ động giảm tông, giảm căng thẳng để quan hệ với ASEAN. Đó là động cơ, tính toán riêng khôn khéo của Trung Quốc. Đó chỉ là chiến thuật tạm thời, mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là không đổi.
Như vậy, vấn đề Biển Đông sẽ vẫn tiếp tục biến chuyển phức tạp, thưa ông?
TS. Trần Việt Thái: Biển Đông trong năm 2016 có bước thay đổi về chất, đó không chỉ là tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa một vài nước Đông Nam Á với Bắc Kinh mà đã trở thành vấn đề an ninh khu vực giữa Trung Quốc và ASEAN với tư cách là một khối.
Biển Đông trở thành vấn đề quản trị toàn cầu, là tâm điểm cạnh tranh giữa các nước lớn, nơi mà một bên Trung Quốc muốn phá bỏ trật tự cũ để xây dựng trật tự mới, còn một bên là Mỹ muốn duy trì trật tự mà Washington và các nước trong khu vực đã xây dựng trong hơn 70 năm qua.
Do vậy, tình hình hiện nay diễn biến rất khó lường. Sự ổn định này chỉ là ngắn hạn và tạm thời, quan trọng là chúng ta phải tỉnh táo để xử lý cho phù hợp. Tuy bị căng thẳng Biển Đông chi phối nhưng quan hệ Trung Quốc – ASEAN trong năm 2016 vẫn có nhiều bước tiến đáng kể, đặc biệt, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã xử lý rất khéo léo quan hệ với Trung Quốc.
Vì vậy, quan hệ kinh tế Trung Quốc-ASEAN vẫn tiếp tục phát triển, trong khi các vấn đề chính trị nhạy cảm đã được xử lý tốt, góp phần quan trọng vào hòa bình, ổn định của khu vực. Trong năm qua, Việt Nam xử lý thành công quan hệ láng giềng và quan hệ với các nước lớn, bắt nhịp chung với xu thế của khu vực, vừa giữ được hòa bình, ổn định, góp phần làm dịu căng thẳng ở Biển Đông, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mà Đại hội XII đề ra.
DANH TUYÊN – PHƯƠNG ANH