Trong tháng cô hồn, thị trường vàng mã tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong, Đài Loan trở nên vô cùng sôi động với các mặt hàng đa dạng.
Hồ hởi tiếp một khách hàng, ông To Chiu-sung giơ cao một tòa biệt thự 3 tầng, 16 phòng lắp đặt điều hòa đầy đủ cao khoảng 20cm bằng giấy để giới thiệu.
"Còn đây là những căn hộ chia nhỏ, năm nay được khách mua nhiều nhất", chủ sở hữu 65 tuổi của Chun Shing Hong - cửa hàng vàng mã ở Sai Ying Pun đã có thâm niên 35 năm cho biết.
Những cửa hàng bán đồ vàng mã trong tuần lễ trước rằm tháng bảy tại con phố nhỏ ở Hong Kong trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Theo niềm tin của người châu Á, tháng cô hồn là quãng thời gian địa ngục mở cửa, cho phép các linh hồn lang thang trên nhân gian.
Thị trường vàng mã Trung Quốc đặc biệt sôi động trong tháng Bảy Âm lịch - Ảnh: SCMP |
Theo truyền thống, những tín đồ sẽ đốt vàng mã và tiền âm phủ, thực hiện nghi lễ cúng kiếng thức ăn cho những vong linh lang thang, hy vọng được phù hộ. Tại Trung Quốc, nhiều gia đình cũng đặt mâm bánh ngọt trên vỉa hè trong ngày rằm tháng Bảy.
Nếu thực tế đang có hơn 200.000 người Hong Kong sống trong các căn hộ nhỏ, theo điều tra dân số năm 2016 thì loại nhà ở này cũng đang được gửi rất nhiều tới âm phủ cho người thu nhập thấp.
Tương tự như giá căn hộ nhỏ, một mô hình bằng giấy của loại nhà này chỉ ở mức HK $ 48 (6 USD) - một nửa giá so với mô hình biệt thự ba tầng.
"Loại này cũng nhỏ hơn nên dễ đốt và cháy nhanh hơn", ông To nói. Ngoài ra, nghệ nhân làm vàng mã gia truyền này cũng tiết lộ nguyên nhân khiến ông muốn làm mô hình này là ước mơ phản ánh văn hóa thực của Hong Kong với khách du lịch nước ngoài và nguyên tắc “trần sao âm vậy” cổ truyền của người Hoa.
Nhưng các tín đồ cũng có nhiều lựa chọn sang trọng hơn và độc đáo hơn. Trong số đó, một biệt thự sơn trắng với mặt trước và sân sau, trường đua ngựa Happy Valley, một chiếc du thuyền sang trọng và một chiếc xe máy lấp lánh nằm trong bộ “triệu phú” đặc biệt gây chú ý.
Theo ông To, một số gia đình sẽ đến thăm tổ tiên và các thân nhân đã khuất trong nghĩa trang và đền thờ vào dịp này.
"Để thể hiện tình cảm và tôn trọng đối với tổ tiên của bạn, nhiều người sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho vàng mã, đặc biệt là những đồ xa xỉ".
Một bộ sưu tập dầu gió, điện thoại thông minh kẹp thẻ tín dụng và xe máy đời mới trong cửa hiệu vàng mã của ông To - Ảnh: SCMP |
Cửa hàng của ông To thậm chí có cả máy bay phản lực riêng, xe thể thao, điện thoại thông minh và máy tính xách tay. Các mặt hàng phổ biến hơn là quần áo và giày dép, chó mèo và tiền giấy.
Ông cho biết cửa hàng của mình tiếp gần 200 khách mỗi ngày trong tháng 7 âm lịch, gấp đôi so với hầu hết thời gian còn lại của năm.
Người tới mua sắm chủ yếu là các bà nội trợ trung niên và người cao tuổi, nhìn ngắm và chọn lựa các sản phẩm hết sức tỉ mỉ, hỏi han nhiều loại mặt hàng. Ở Bắc Kinh – một thành phố công nghiệp phát triển vượt bậc, lối sống hiện đại đã không thể lấn át truyền thống xa xưa.
Theo khảo sát của trang SCMP, khoản chi trung bình của một gia đình trong tháng Bảy Âm lịch dành cho vàng mã là khoảng 2.000 USD (23 triệu đồng). Những dịp lễ nhỏ khác trong năm, khách hàng thường chi tiêu khoảng 2-300 nghìn đồng.
"Nhiều khách hàng đến đặt tôi làm cả ngân hàng, sân khấu nhà hát hoặc bất cứ điều gì người thân quá cố từng yêu thích. Công việc thật sự thú vị và không có bất cứ rào cản nào”.
Trong những năm gần đây, thị trường vàng mã Trung Quốc thậm chí xuất hiện nhiều mặt hàng mới khá độc đáo như thức ăn thực dưỡng, bánh ngọt hoặc thẻ tín dụng ngân hàng.
Thu Phương(Theo SCMP)