Người xưa thường nói “hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh”. Trọng dụng nhân tài và khơi dậy cao nhất sức sáng tạo từ mỗi người Việt là yêu cầu cấp bách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới. Xung quanh vấn đề này, PV ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ĐBQH khóa XIII Lê Như Tiến- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Tài năng không được phát huy và trọng dụng đúng lúc, đúng chỗ sẽ bị mai một, tàn lụi nhanh chóng. |
Nhân tài phải gắn với sáng tạo, đột phá
PV: Ông đánh giá như thế nào về các công trình khoa học được vinh danh trong thời gian qua?
ĐBQH Lê Như Tiến: Nhân tài bao giờ cũng phải gắn với sáng tạo, đột phá. Nhân tài tạo nên giá trị gia tăng cho xã hội và tạo nên giá trị mới. Theo quan điểm của tôi, việc bồi đắp cho nhân tài chính là vun đắp cho sự phát triển của toàn xã hội. Việc tôn vinh những sáng tạo khoa học công nghệ càng khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của mỗi người Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, chúng ta có rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và nhiều nhân tài đã được vinh danh. Điều đáng nói, những đóng góp thiết thực, hiệu quả của các công trình, giải pháp khoa học - công nghệ đã được ứng dụng vào thực tiễn. Đồng thời, tạo động lực để đẩy mạnh phong trào sáng tạo, nghiên cứu khoa học trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; phát huy năng lực sáng tạo của người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tôi thấy rằng, nếu là nhân tài thì phải đem lại hiệu ứng xã hội, sức lan tỏa xã hội và giá trị gia tăng cho xã hội. Một đề tài khoa học của họ không chỉ giá trị với một số người mà có giá trị với cả cộng đồng. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế đang tồn tại, có không ít đề tài khoa học... chỉ cất vào tủ, không có giá trị trong thực tiễn.
Nhân tài phải gắn với hiệu quả xã hội, các đề tài nghiên cứu không thể nằm “trên trời”, mang cất tủ hay cho vào thư viện mà phải gắn với xã hội, đời sống, gắn với nhân sinh. Chúng ta có rất nhiều tiến sĩ, giáo sư nhưng thử hỏi có bao nhiêu người trong số đó mang lại hiệu quả thực sự như các tiền bối Trần Đại Nghĩa, Lương Đình Của, Đặng Văn Ngữ... trước đây. Họ cống hiến thực sự cho sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ, xây dựng đất nước.
Trong thời đại mới, cách nhìn của chúng ta về nhân tài phải đánh giá ở góc độ phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, phụng sự cộng đồng. Bác Hồ từng nói, nhân tài phải có hữu ích cho đất nước, đem lại lợi ích cho nhân dân, đất nước.
PV: Vậy làm thế nào để “khơi dậy cao nhất sức sáng tạo từ mỗi người Việt” như lời Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh khi dự, phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020, thưa ông?
ĐBQH Lê Như Tiến: Một trong những nguyên nhân không sử dụng được người tài, không khơi dậy được sức sáng tạo là “bệnh hẹp hòi”. Đó là một kẻ địch đáng sợ cùng với các căn bệnh khác như quan liêu, tham ô, tham nhũng, chủ quan, ích kỷ, cục bộ địa phương, bè phái và chia rẽ.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, sử dụng nhân tài chính là tạo ra môi trường làm việc có sức cạnh tranh cao. Thử hỏi, vì sao nhiều nhân tài “dứt áo ra đi”, thậm chí họ ra nước ngoài định cư “một đi không trở lại”? Đó là khi nhân tài bị “đặt nhầm chỗ”, tài năng không được phát huy và trọng dụng đúng lúc, đúng chỗ sẽ bị mai một, tàn lụi nhanh chóng. Nếu tạo cho họ một môi trường làm việc cởi mở, thỏa sức sáng tạo, cống hiến chắc hẳn sẽ “níu” được nhân tài ở lại.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng từ "khéo" để diễn đạt công việc này. Phải khéo dùng cán bộ, vì việc mà đặt người chứ không phải vì người mà đặt việc. Trọng dụng nhân tài bằng thực chất chứ không phải vật chất, tạo cơ hội để họ thăng tiến bằng trí tuệ là điều vô cùng quan trọng. Theo đó, cần mạnh dạn bố trí, sử dụng những người đã được đào tạo cơ bản vào thực tiễn công tác để bồi dưỡng, rèn luyện, sàng lọc, qua đó phát hiện nhân tài, loại bỏ những người thoái hoá biến chất.
Cần dỡ bỏ các rào cản để “chiêu hiền đãi sĩ"
PV: Nói như vậy, lựa chọn nhân tài không phải “chỉ mặt đặt tên” mà phải có môi trường cạnh tranh, thưa ông?
ĐBQH Lê Như Tiến: Lựa chọn nhân tài không phải là một người “cấp trên” chỉ định “chỗ ngồi” cho họ mà phải qua thử thách trong môi trường khắc nghiệt như các nước đã làm (phỏng vấn, đưa ra những chương trình hành động thiết thực, chứng minh bằng những việc làm thực tế- PV). Muốn chọn được nhân tài thì phải đưa ra nhiều tiêu chí để “so bó đũa chọn cột cờ”. Thời phong kiến, các “quan” phải thi chứ không phải “cử”, nhiều người để chọn ra một người xứng đáng. Nếu ứng cử vào một vị trí, anh sẽ làm như thế nào để phát huy hết năng lực của mình. Ví dụ, vào sở TN&MT, anh sẽ làm gì với tài nguyên, môi trường? Vào sở Tài chính, anh phải làm sao để có những đề tài vừa phát triển vừa nuôi dưỡng nguồn thu, tạo nguồn thu lớn cho xã hội...
Phải có các đề án, đề tài gắn với vị trí việc làm. Vị trí nào thì có những đề tài, chương trình hành động tương ứng với vị trí đó. Ví dụ, vị trí kế toán trưởng khác với chuyên viên tổng hợp, chuyên viên pháp lý. Mỗi vị trí việc làm phải có yêu cầu riêng thì mới tìm được nhân tài.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, công tác nhân sự là tiền đề và vận mệnh đất nước. Vậy làm sao để lựa chọn được người có đức có tài và đặt nhân tài vào đúng môi trường để phát huy năng lực, thưa ông?
ĐBQH Lê Như Tiến: Công tác cán bộ rất hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục vì mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những người tài mới. Theo tôi, muốn tìm, chọn được nhân tài, trước hết phải thực hiện tốt công tác đào tạo, tuyển chọn và trọng dụng cán bộ, sử dụng nhân tài cho đất nước, một khâu quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng.
Bên cạnh đó, để đánh giá đúng cán bộ, trước hết phải cụ thể hóa tiêu chuẩn đối với từng chức danh cán bộ. Đây là căn cứ, là tiêu chí rất quan trọng để các cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành nhận xét, đánh giá cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ là chìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới. Có như thế thì người mới có tài, tài mới có dụng. Chỉ khi biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực.
Thực tế trong nhiều cơ quan Nhà nước, tinh thần "chiêu hiền đãi sĩ" cũng được đề cập rất nhiều nhưng để dụng người tài vào những vị trí quan trọng thì vẫn phải kèm theo những tiêu chí như phải là đảng viên, phải có trong danh sách quy hoạch cán bộ, phải đủ bằng cấp lý luận chính trị... đã cản trở nhiều người có tài phát huy năng lực và sức cống hiến của họ cho đất nước.
Đã tới lúc phải dỡ bỏ các rào cản để người tài có thể tham gia giữ những chức vụ quan trọng ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.
PV: Để trọng dụng nhân tài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, theo ông cần làm tốt những điều gì?
ĐBQH Lê Như Tiến: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, sự hưng thịnh của một đất nước luôn gắn liền với quá trình trọng dụng đãi ngộ và sử dụng người tài cho sự phát triển bởi mọi việc thành hay bại đều do cán bộ mà nên. Việc sử dụng nhân tài là công việc rất hệ trọng, phải hết sức công tâm, khách quan, chặt chẽ, kỹ lưỡng, tuân thủ nguyên tắc giao đúng người, đúng việc.
Sử dụng nhân tài vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, nếu dùng đúng thì sẽ phát huy năng lực sáng tạo. Trọng dụng nhân tài không phải chỉ chú trọng đến vật chất (cấp cho cái xe, cái nhà, trao cho họ một ít tiền-PV) mà phải tạo cơ hội cũng như môi trường làm việc cho họ. Ở môi trường đó, họ có thể phát huy hết khả năng. Nếu đưa nhân tài vào môi trường chỉ “đấu đá”, môi trường “5C, 6 ệ” (tức là “con cháu các cụ cả”, “tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại lệ, đồ đệ, trí tuệ”-PV) thì họ sẽ luôn luôn bị lép vế sau “5C, 6 ệ”, không thể toàn tâm toàn ý để làm việc.
Nhân tài cần một môi trường để làm việc, điều kiện làm việc để họ thỏa sức sáng tạo. Tuy nhiên, thời gian qua chúng ta chưa làm được điều đó nhiều mà đôi khi nhân tài về một nơi nào đó lại bị lép vế, bị o ép bởi nhiều áp lực khác từ “con cháu các cụ cả”. Nếu một môi trường làm việc mà không coi trí tuệ là tiêu chí số 1 thì rõ ràng dẫn đến hậu quả “5đ- đố điều đi đâu được” và không “thay máu” được chất xám, khiến cho nhân tài chán nản. Nếu không có môi trường phù hợp, cạnh tranh lành mạnh thì nhân tài sẽ bị thui chột.
PV: Xin cảm ơn ông!
Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí in Đời sống & Pháp luật số 140