Tròn 6 tháng xung đột Nga-Ukraine: Thế giới chênh vênh trên lưỡi dao cạo
Tròn 6 tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cuộc sống vô số người và trật tự thế giới đã bị thay đổi nhưng xung đột dường như vẫn chỉ ở khúc dạo đầu.
Ngày 24/8/2022 là dịp kỷ niệm 31 năm Ngày Độc lập Ukraine, đồng thời cũng là mốc thời gian nửa năm Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này.
Sáu tháng trôi qua, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine ở vùng Donetsk và những nơi khác vẫn tiếp diễn, báo động tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye vẫn chưa được dỡ bỏ, một cuộc tranh cãi gay gắt về cái chết của nhà triết học nổi tiếng người Nga Alexander Dugin,...
Trong khi đó, những con tàu chở ngũ cốc liên tục rời các cảng của Ukraine dường như không đủ để mang theo kỳ vọng và niềm tin của người dân về một hiệp ước ngừng bắn và hòa bình, chứ chưa nói đến việc bù đắp cho cái giá quá đắt mà cả thế giới đã phải trả cho cuộc xung đột này.
Hãng tin Bloomberg cho rằng sáu tháng qua đã "thay đổi vô số cuộc đời và trật tự thế giới".
Tờ Washington Post bình luận: "Nửa năm diễn ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, thế giới như đứng trên lưỡi dao cạo nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy đây mới chỉ là một khúc dạo đầu".
Căng thẳng không ngừng leo thang
Xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn đang tiếp diễn và cả hai bên đều cho rằng đối phương sẽ tung ra một "hành động khiêu khích" mới vào thời điểm ngày 24/8.
Theo Đài truyền hình TSN của Ukraine và các phương tiện truyền thông khác, vì lý do an ninh, chính quyền thành phố Kiev đã hủy bỏ tất cả các sự kiện tập thể từ ngày 22/8 đến ngày 25/8. Các nhân viên chính phủ cũng được yêu cầu làm việc tại nhà trong tuần này.
Trên trang web NSN của Nga ngày 22/8 cho biết, từ 19h ngày 23/8 đến 7h ngày 25/8, khu vực Kharkiv sẽ áp dụng các biện pháp giới nghiêm, Công ty Đường sắt Ukraine cũng đã hủy chuyến tàu đến khu vực này.
Theo tờ Độc lập của Nga, tuần này rất quan trọng đối với Ukraine và Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết Kiev đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm Ngày Độc lập. Một quan chức cấp cao của Ukraine gần đây đã tuyên bố rằng "không thể loại trừ" một cuộc tấn công mới vào Crimea trong thời gian này.
Bên cạnh đó, hội nghị thượng đỉnh trực tuyến "Nền tảng Crimea" dự kiến tổ chức vào ngày 23/8 sẽ có sự tham dự của đại diện hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có tổng thư ký NATO. Kiev có thể được phép sử dụng vũ khí NATO để tăng cường quân sự chống lại các hành động khiếu khích nhắm vào Crimea.
Trước đó, vào Ngày Quốc kỳ Nga hôm 22/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong một bài phát biểu: "Quốc kỳ tượng trưng cho sự tôn trọng đối với lịch sử kéo dài hàng thế kỷ của Nga, cho niềm tin của chúng tôi vào các giá trị truyền thống mà chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ: sự thật và công lý, đoàn kết và lòng nhân hậu. Những thành tựu và chiến thắng của tổ tiên chúng ta đã truyền cảm hứng để chúng ta tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không cho phép sự bá quyền của nước ngoài. Mong muốn được sống theo ý mình, chọn con đường của mình và kiên trì với nó đã ăn vào máu của người dân Nga".
Cũng trong ngày 22/8, một lá cờ Nga rộng 200m2 đã được cắm trên nhà máy thép Mariupol, nơi xảy ra giao tranh ác liệt. Theo một quan chức của Đảng Nước Nga Thống nhất, động thái này nhằm tuyên bố rằng cuộc sống ở "khu vực được giải phóng Donbass" về cơ bản đã đi đúng hướng và "tương lai sẽ tốt đẹp hơn".
Nga cũng đang xây dựng cuộc sống hòa bình tại các "vùng giải phóng" ở Kherson, Zaporozhye và Kharkiv. Giờ đây, cư dân địa phương đang chuẩn bị cho khai giảng năm học, hộ chiếu Nga đã được cấp đầy đủ, truyền hình kỹ thuật số được bật và các dịch vụ thuyền phà ở Mariupol cũng được đưa vào hoạt động.
Hãng RIA Novosti hôm 22/8, cho biết công tác chuẩn bị cho việc thành lập tòa án đầu tiên xét xử các tù nhân thuộc Tiểu đoàn Azov ở Mariupol đã gần hoàn tất. Tổng thống Zelensky nói rằng nếu Nga xử các tù nhân chiến tranh Ukraine ở Mariupol, thì Kiev và Moscow "sẽ không còn khả năng đàm phán nữa".
Cuộc chiến truyền thông của hai bên cũng không kém phần căng thẳng. Theo Hãng thông tấn Nhà nước Ukraine, ngày 22/8, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine đã liệt kê những tổn thất của quân đội Nga trong 6 tháng qua trên mạng xã hội, đáng chú ý là con số tổn thất hơn 45.400 quân.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cũng liệt kê kết quả tiêu diệt 267 máy bay Ukraine, 148 máy bay trực thăng và 1.790 máy bay không người lái kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu.
Cuộc chiến mới ở khúc dạo đầu
Hãng thông tấn AFP ngày 22/8 cho biết, sáu tháng trước, quân đội Nga đã phát động một chiến dịch quân sự chống lại Ukraine mà họ hy vọng là một "cuộc chiến chớp nhoáng". Tuy nhiên, bây giờ nó đã trở thành một "cuộc chiến tranh tiêu hao" mà không rõ bao giờ kết thúc.
Đài truyền hình France24 cho hay, nửa năm qua, cả Nga và Ukraine đều bị thương vong và tổn thất vật chất nghiêm trọng nhưng cả hai bên "dường như không nghĩ đến việc ngừng bắn".
Tờ Washington Post cho rằng "thế giới đang đứng chênh vênh trên lưỡi dao cạo" giữa cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga. Cụ thể, một nửa dự trữ ngoại hối của nước này bị đóng băng, hàng trăm công ty phương Tây rút khỏi thị trường Nga và các mặt hàng xuất khẩu dầu khí chủ chốt hiện đang được bán giảm giá.
Tuy nhiên, sự lạc quan của phương Tây có thể sẽ sớm suy yếu. Ở châu Âu, viễn cảnh "ảm đạm nhưng chắc chắn" về một mùa đông đang đến gần cùng chi phí năng lượng tăng cao đặt ra câu hỏi về việc "liệu phương Tây có thể hỗ trợ Ukraine hành động quân sự hay không?".
Trong khi đó, đã xuất hiện mối lo ngại đặc biệt về việc phạm vi rủi ro sẽ tiếp tục mở rộng. Từ các cuộc tấn công phá hoại vào các khu vực dân sự, đến các âm mưu ám sát và phá hoại xuyên biên giới, cho đến mối đe dọa tính toán sai hạt nhân luôn hiện hữu.
"Chúng tôi vẫn cảm thấy rằng đây chỉ là khúc dạo đầu của một cuộc chiến đã kéo dài 6 tháng", Washington Post bình luận.
"Ngay cả sau sáu tháng chiến tranh, phương Tây không có gì đáng kể để đảm bảo cung cấp cho Ukraine về mặt an ninh vĩnh viễn", tờ báo Mỹ nhận định thêm. Những lời đe dọa của Mỹ đã thất bại và sự gia tăng hiện diện quân sự của NATO ở Đông Âu đã không thể ngăn cản Nga.
Bài báo cho rằng các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine sẽ bị "kéo dài" và kết quả của cuộc chiến phụ thuộc vào việc các nước phương Tây có thể giữ được vũ khí và hỗ trợ tài chính trong bao lâu.
Hàng tỷ người bị ảnh hưởng
Theo hãng Bloomberg, sáu tháng qua đã thay đổi cuộc sống của hàng tỷ người và trật tự thế giới, thậm chí tương lai sáu tháng tới cũng khó mà đoán định được.
Hiện tại, quốc tế có nhiều dự đoán khác nhau về viễn cảnh xung đột Nga-Ukraine nhưng đều có sự đồng thuận rằng xung đột này đã gây ra "mối đe dọa hủy diệt" đối với nền kinh tế thế giới.
Hãng tin AP ngày 21/8 phân tích, hơn hai năm sau khi đại dịch COVID-19 tàn phá thương mại toàn cầu, xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến nền kinh tế thế giới trở nên "tồi tệ hơn".
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo kinh tế toàn cầu vào tháng trước, cũng là lần thứ tư trong năm tổ chức này đưa ra hành động tương tự.
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cho biết giá lương thực và năng lượng tăng đang đẩy 71 triệu người vào cảnh nghèo đói trên khắp thế giới. Các quốc gia ở Balkan và châu Phi cận Sahara đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi châu Âu vốn phụ thuộc vào dầu khí của Nga trong nhiều năm, đang trên bờ vực suy thoái.
CNN cho hay, Tổng thống Zelensky muốn xung đột Nga Ukraine kết thúc trước Giáng sinh nhưng người dân châu Âu còn kỳ vọng vào điều đó nhiều hơn cả ông. Bởi trong những tháng tới khi mùa đông đến gần, nhiều người châu Âu sẽ phải "lựa chọn giữa sưởi ấm và thức ăn". Khi đó, chính phủ của họ cũng "khó biện minh" cho việc chi tiền và sức lực để hỗ trợ một đất nước xa xôi.
DOISONGPHAPLUAT.COM |