Do thiếu tiền tiêu xài và trả nợ, Phương đã đột nhập vào một ngôi nhà trộm 5 con heo đất chứa tiền tiết kiệm, máy tính bảng, nhiều điện thoại và một chiếc nhẫn vàng, tổng giá trị ước tính khoảng 175 triệu đồng.
Báo Người Đưa Tin thông tin, ngày 16/6, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự phúc thẩm đối với bị cáo Lê Văn Phương về tội Trộm cắp tài sản.
Trước đó, TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) đã tuyên phạt Phương 4 năm tù về tội danh trên. Không đồng tình với bản án của tòa, VKSND quận Thủ Đức kháng nghị bản án theo hướng tăng hình phạt đối với Phương.
Bị cáo Phương tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: Người Đưa Tin |
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS giữ quyền công tố đề nghị giữ nguyên y án sơ thẩm. Tuy nhiên, sau khi nghị án, HĐXX xem xét thấy kháng nghị của VKS quận Thủ Đức là có căn cứ nên chấp nhận kháng nghị, tuyên tăng hình phạt đối với Phương từ 4 năm tù lên 5 năm tù về tội Trộm cắp tài sản.
Báo Tri thức trực tuyến trích dẫn cáo trạng thể hiện, rạng sáng 7/8/2016, do thiếu tiền tiêu xài và trả nợ, Phương nảy sinh ý định trộm cắp. Anh ta rảo quanh các tuyến đường lớn tại quận Thủ Đức (TP.HCM) tìm các ngôi nhà không khóa cửa cẩn thận để đột nhập.
Khi đến phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, Phương phát hiện nhà của anh Nguyễn Thanh Bình (56 tuổi) có tường rào khá thấp nên quyết định ra tay.
Sau khi leo lên tầng hai của ngôi nhà, Phương lấy đi 5 con heo đất chứa tiền tiết kiệm, máy tính bảng, nhiều điện thoại và một chiếc nhẫn vàng, tổng giá trị ước tính khoảng 175 triệu đồng.
Sáng sớm cùng ngày, phát hiện nhà mình bị trộm đột nhập, anh Bình đã báo công an. Sau 2 ngày gây án, Phương bị lực lượng chức năng bắt giữ khi đang lẩn trốn ở Nha Trang.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)