Độ ẩm không khí cao khiến cho mọi thứ "đổ mồ hôi". Trần nhà, tường nhà hay bất cứ vật dụng nào đều bị đọng nước. Một trong những nỗi khổ của các gia đình vào ngày nồm chính là tủ quần áo kê sát tường bị ẩm, mốc nghiêm trọng. Tủ bị mốc không chỉ mất thẩm mỹ, làm hỏng quần áo bên trong, gây ra mùi hôi khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Để tủ quần áo không bị ẩm mốc khi trời nồm, bạn hãy áp dụng đồng thời những giải pháp sau:
Đóng kín cửa nhà
Cách chống ẩm mốc tủ quần áo khi trời nồm đầu tiên và quan trọng nhất là đóng kín các cửa nhà, cửa sổ xung quanh vào để hạn chế thấp nhất gió ẩm lùa vào nhà.
Việc giữ cho không khí trong nhà khô ráo những ngày nồm cũng giúp hơi nước ít xâm nhập vào tủ quần áo, từ đó giúp cho bề mặt cũng như xung quanh tủ khô ráo, các món đồ bên trong không bị mốc hay có mùi hôi.
Không kê tủ sát tường
Những ngày trời nồm, hiện tượng đọng nước không chỉ xảy ra ở sàn nhà mà còn xuất hiện cả trên tường lẫn trần nhà. Do đó, khi kê tủ bạn, nên kê cách tường một đoạn để tránh tình trạng nước đọng trên tường ngấm vào tủ, tạo môi trường để nấm cũng như vi khuẩn phát triển. Đây là một lưu ý quan trọng giúp chống ẩm mốc tủ quần áo khi trời nồm.
Xử lý tủ quần áo bị mốc
Đầu tiên, bạn cần lấy toàn bộ quần áo bên trong tủ ra. Hãy lấy một chiếc khăn mềm, có thể thấm giấm hoặc chanh và lau toàn bộ các vết mốc ở tủ. Nếu tình trạng mốc ở tủ nghiêm trọng, giấm và chanh không làm sạch được, bạn có thể dùng các dung dịch tẩy mốc chuyên dụng. Sau khi lau sạch, bạn chỉ cần để tủ khô tự nhiên là có thể sử dụng.
Nếu vết mốc đã bám chặt, thậm chí tạo thành nấm cứng, cách duy nhất để xử lý vấn đề này là dùng giấy nhám chà cho hết lớp mốc và quét lại hơn hoặc đánh bóng cả tủ.
Chống ẩm cho tủ quần áo
Bạn có thể cho một vài túi chè khô hoặc bã cà phê khô vào các góc tủ, treo trên các thanh treo quần áo để hút bớt độ ẩm trong tủ. Ngoài ra, trà và cà phê đều có tác dụng khử mùi hôi rất tốt. Nó sẽ giúp tủ quần áo không có mùi khó chịu.
Bạn cũng có thể sử dụng các túi chống ẩm chuyên dụng để đặt ở các góc, các tầng của tủ giúp giảm độ ẩm trong tủ để quần áo được bảo quản tốt hơn, ngăn chặn nấm mốc xuất hiện.
Ở các cạnh tủ, nơi tiếp xúc gần với bề mặt tường, hãy dùng giấy báo hoặc bìa cứng để lót giúp ngăn độ ẩm ở tường xâm nhập vào tủ. Thỉnh thoảng nên thay giấy mới để duy trì khả năng hút ẩm.
Phải đảm bảo quần áo đã khô hoàn toàn rồi mới được đem cất vào tủ.
Một số nguyên liệu nên cho vào tủ để hút ẩm
Lá trà:
Lá trà có tác dụng hút ẩm và mùi rất hiệu quả. Bạn cho lá trà vào túi vải xô hoặc dùng giấy báo gói lại, đặt vào các góc tủ, cách này hiệu quả lại không có gây khó chịu.
Bã cà phê:
Bã cà phê có tác dụng vừa hút ẩm vừa khử mùi, bạn có thể sử dụng cho tủ lạnh cũng rất tốt.
Cà phê sau khi dùng xong bạn đem phơi khô bã, cho vào túi vải xô hoặc cho vào tất buộc chặt lại.
Than hoạt tính:
Than hoạt tính có tác dụng hút ẩm, khử mùi rất tốt tuy nhiên nếu không muốn làm bẩn quần áo bạn nên cho vào hộp hoặc bọc cẩn thận trong giấy báo.
Báo:
Để quần áo không bị ẩm mốc, bạn có thể trải một lớp báo ở đáy tủ, hoặc có thể dán ở mặt trong tủ, báo có tác dụng hút ẩm, khử mùi và xua đuổi côn trùng.
- Một số người có thói quen dùng băng phiến để hút ẩm cho tủ quần áo, tuy nhiên mùi của băng khiến sẽ khiến bạn khó chịu.
Có trường hợp vì dùng băn phiến dẫn đến tình trạng mệt mỏi, uể oải, chóng mặt, đau đầu, nôn mửa, không tốt cho phụ nữ có thai. Nếu muốn sử dụng bạn nên cân nhắc thật kĩ trước khi sử dụng.
Thùy Dung(T/h)