(ĐSPL) - Mặc dù đã 78 tuổi nhưng hơn 10 năm qua, cụ Đinh Thị Quý vẫn ngày ngày cần mẫn, đưa từng nhát chổi làm sạch khu vực phố Nguyễn An Ninh, Tương Mai (Hà Nội). Đặc biệt hơn, dù không ai trả công nhưng cụ lại luôn coi đó là trách nhiệm của mình.
Chờ hàng giờ để nhắc người dân không vứt rác bừa bãi
Những ngày cuối tháng Tám, chúng tôi tìm đến ngõ 35 đường Nguyễn An Ninh (Tương Mai, Hà Nội) để tìm gặp cụ Đinh Thị Quý, người đã quét rác không công hơn 10 năm ở Hà Nội. Mới chỉ vào đến đầu ngõ, hỏi thăm tên cụ, người dân nơi đây ai cũng biết. Cụ nổi tiếng không chỉ về tấm lòng nhân hậu mà còn vì suốt ngày “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Những ngày đầu, nhiều người còn gọi cụ là “bà lão khùng”.
Trò chuyện với PV, “bà lão khùng” bảo, với cụ, những việc cụ đã làm suốt thời gian qua chỉ là chuyện rất đỗi bình thường, giống như tập thể dục mỗi buổi chiều.
Dù mưa hay nắng, cụ Quý vẫn đi quét rác để đường phố sạch đẹp. Ảnh: Kiến thức. |
Cụ Quý kể lại: “Trước đây, trên đường phố có những đống rác rất to, không ai đụng chạm đến. Dù nó có bốc mùi khó chịu đến mấy, họ cũng mặc kệ. Và người dân thì vứt rác bừa bãi lắm. Tôi nhìn thấy bèn nói với những người cao tuổi tại đây, đường đẹp như thế này mà lại để những đống rác như vậy, chúng ta nên thay đổi để đường phố sạch hơn. Nghe tôi nói, ai cũng bảo việc này rất khó. Rồi tôi mạnh dạn đề nghị để tôi thử làm xem sao. Ngay ngày hôm sau, tôi lấy chổi đi quét rác, gom lại từng đống để khi nào xe rác đi qua thì bỏ vào”.
Ban đầu, thấy cụ làm vậy, nhiều người bàn tán, có người khen có người chê. Thậm chí thấy cụ tự nhiên cầm chổi quét đường, có người lại thì thầm, cụ bị điên, tâm thần, hơi đâu mà đi vơ việc thiên hạ vào người. Rồi cái việc cụ ngồi hàng tháng trời, canh để không cho người dân vứt rác bừa bãi cũng bị nhiều người ghét nhưng cụ không để bụng. Cụ bảo: “Tôi chỉ cười và bảo với họ, nếu ai cũng nghĩ như vậy và không hành động thì cả khu phố đều phải ngửi mùi rác bốc lên. Những ngày đầu, tôi phải đứng ở chỗ mọi người hay vứt rác để “canh”, thấy ai đi qua vứt rác là tôi lại nói với họ, phải bỏ rác đúng nơi quy định vì tôi đã dọn dẹp sạch sẽ rồi. Có những hôm, ăn tối xong, tôi lại ra đứng đó vì có những nhà vứt rác rất muộn. Tôi nhắc họ nên giữ gìn vệ sinh chung, để đường phố đẹp hơn. Dần dần, họ quen và thành nếp. Giờ thì ai cũng đi đổ rác đúng giờ, không vứt bừa bãi ra đường nữa”.
Đến nay, cụ Quý đã làm công việc này hơn 10 năm. Cứ thế, bất kể mưa nắng, ngày nào cũng hai lần cụ cầm chổi xuống đường quét rác. Cụ coi việc dọn vệ sinh khu phố là công việc thường ngày, bắt đầu từ 14h30, cụ đi quét đường, gom rác lại để xe rác đi qua họ bỏ vào. Đến khoảng 16h15, cụ lại đi khắp các ngõ nhỏ gõ kẻng thông báo cho người dân biết sắp đến giờ xe rác đi qua để họ còn kịp mang xuống. “Đồ nghề” của cụ chỉ đơn giản là một chiếc chổi và cái bao tải nhỏ đựng rác.
“Vì ở đây, sinh viên hoặc người lao động thuê cũng nhiều, có người ở tận trên tầng 5, nếu không có tiếng kẻng, họ mang rác xuống đến nơi là xe đi mất rồi, tiện tay lại vứt rác ra đường ngay. Ngày nắng cũng như ngày mưa, tôi đều đi làm, trừ những ngày mưa quá to không thể quét rác được thì phải chịu. Nhưng sau khi tạnh mưa là tôi lại có thể tiếp tục được công việc”, cụ Quý tâm sự.
Bỏ tiền túi thuê người dọn rác nặng trên đường
Nói đến đây, bỗng dưng cụ nắm lấy tay chúng tôi bảo: “Nào, chúng ta cùng ra đường xem từ đầu ngõ 35 vào đến cuối ngõ có sạch sẽ không nào. Có những hôm, tôi phải dậy từ 5h30 sáng để quét một lượt, cho đám nhỏ đi học có con đường sạch đấy, cô chú ạ”.
Quả thực, con phố nhỏ Nguyễn An Ninh rất sạch. Cụ chỉ cho tôi những ngõ sâu thường đi gõ kẻng để người dân biết giờ đổ rác. Đi đường hễ thấy có túi nylon hay tờ giấy nào rơi ra là cụ nhanh tay nhặt, vo tròn chúng lại rồi đem đến nơi vứt rác.
Cụ Quý luôn chân luôn tay gom rác trên đường phố. Ảnh: Kiến thức. |
“Cũng may là trời phú cho tôi sức khỏe tốt. Hôm nào mệt quá hay nhà có công việc thì tôi mới nghỉ, không thấy tiếng chổi quét hay tiếng kẻng là người dân trong khu phố biết ngay. Hôm sau, tôi đi làm, ai cũng hỏi: “Hôm qua bà đi đâu mà không gõ kẻng, không quét đường”. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì giờ đây mọi người không còn thành kiến với việc làm của mình nữa. Mọi người ai cũng tôn trọng, quý mến. Những đứa trẻ ở xóm mỗi khi nhìn thấy tôi đi gõ kẻng thường nói “bà ơi để con đi gõ kẻng hộ bà””, cụ Quý xúc động nói.
Không chỉ quét rác, dọn rác cho con đường thêm sạch đẹp, nhiều lần cụ Quý còn phải chi tiền ra để thuê người dọn rác nặng, đó là vật liệu xây dựng, phế thải, gạch ngói mà một số nhà tiện hất ngay ra đường. “Những đống vật liệu xây dựng, hay rác nặng quá mình không mang đi được thì phải thuê những người có sức khỏe hơn. Rất nhiều người trong khu phố thấy tôi làm thì đưa cho tôi chai lọ, bìa các - tông rồi bảo: “Cụ cầm bán lấy tiền mua chổi, thuê người dọn rác nặng nhé”. Số tiền ấy nếu còn dư, tôi lại mua nước cho những người đến chở rác, họ cũng vất vả lắm”, cụ Quý bày tỏ.
Nhiều người trong tổ 24 còn nói với PV, hơn 10 năm qua, người dân phố Nguyễn An Ninh đã quá quen thuộc với hình ảnh bà lão mặc bộ quần áo bạc màu, ngày ngày dọn dẹp sạch sẽ đường phố, sau đó lại cầm kẻng đi khắp các ngõ nhỏ để báo cho mọi người biết giờ đổ rác. Một ngày không nghe thấy tiếng chổi hay tiếng kẻng là họ thấy thiếu, lại đưa mắt tìm hoặc hỏi nhau “bà Quý hôm nay đi đâu nhỉ?”.
Ông Chỉnh (tổ 24, Nguyễn An Ninh, Tương Mai) tâm tư: “Bà Quý đã quét sạch con đường này hơn 10 năm rồi. Chúng tôi rất nể phục việc làm của bà. Bất kể mưa nắng bà đều ra đường dọn rác. Mùa đông, nhiều buổi sáng, 5h đã nghe thấy tiếng chổi của bà ấy rồi. Nhà tôi ngay gần khu tập kết rác, trước đây thường xuyên phải ngửi mùi hôi thối, rất khó chịu. Nhưng bây giờ thì hết rồi, cứ xe rác đi qua là sạch sẽ ngay. Nhờ có bà Quý mà cả con đường này sạch hơn. Bà Quý đúng là vì nhân dân phục vụ”.
Nghe ông Chỉnh nói vậy, cụ Quý chỉ cười hiền vì trong thâm tâm cụ luôn nghĩ, việc dọn rác sẽ làm cho đường phố thêm sạch đẹp chứ chẳng có gì đáng kể. Trước khi chia tay, rảo bước theo cụ trên phố Nguyễn An Ninh, PV phát hiện, cụ vẫn không quên để ý xem trên đường có rác không. Hành động bình dị của cụ khiến PV cảm thấy trân trọng.
Là tấm gương để nhiều người noi theo Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Anh Quân cho biết: “Việc làm của bà Quý được rất nhiều người ủng hộ, buổi sáng nghe thấy tiếng chổi là chúng tôi biết bà Quý đang đi quét đường rồi. Bà không chỉ quét con đường này mà còn quét ra tận trường học, ra chợ khiến cho khu phố lúc nào cũng sạch đẹp. Bà không chỉ dọn vệ sinh đường phố mà còn rất quan tâm đến mọi người. Thấy trong tổ, ai ốm đau bà phát hiện ra là đến hỏi thăm; những cụ già neo đơn, con cái đi làm xa thì bà liên tục gõ cửa động viên các cụ. Bà Quý là một tấm gương để nhiều người nhìn vào và noi theo”. |
MAI HẰNG - LÂM TÚ
[mecloud]hRGqpzKJ6F[/mecloud]