Uỷ ban thường vụ Quốc hội thống nhất giao các cơ quan phối hợp với Chính phủ thẩm tra, đưa ra phương án tối ưu về dự án đường cao tốc Bắc - Nam.
Thông tin trên VnExpress, ngày 2/6, Uỷ ban thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 11, cho ý kiến về công tác nhân sự và xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là những nội dung đặt ra trước khi khai mạc kỳ họp thứ 3, nhưng để bảo đảm thời gian cho các cơ quan chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa đưa vào chương trình. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc bổ sung 2 nội dung này vào kỳ họp đang diễn ra là hết sức cần thiết.
Xin ý kiến Quốc hội làm cao tốc Bắc-Nam hơn 300.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa) |
Các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã phân tích ưu - nhược điểm khi triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đa số đều cho rằng nếu dự án này triển khai sẽ đem lại nhiều lợi ích, phát huy được tiềm năng của các tỉnh, thành mà tuyến đường đi qua; giảm áp lực và khai thác có hiệu quả hơn tuyến quốc lộ 1.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội thống nhất giao cho Uỷ ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan của Chính phủ thẩm tra dự án, đưa ra phương án tối ưu nhất trình Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra.
Theo VietnamNet, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam có điểm đầu tại nút giao Cao Bồ (điểm cuối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) thuộc địa phận huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Điểm cuối dự án tại nút giao Dầu Giây (điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Dự án có chiều dài khoảng 1.372km, đi qua 16 tỉnh, thành phố: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai.
Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư toàn dự án với quy mô hoàn chỉnh khoảng 312.435 tỷ đồng. Giai đoạn 1 (2017 - 2025) khoảng 243.312 tỷ đồng và giai đoạn 2 (sau năm 2025) khoảng 69.123 tỷ đồng.
Tổng hợp