Báo Quốc tế đưa tin, ngày 8/9, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đã công bố một bức ảnh cho thấy Chủ tịch nước này Kim Jong-un đang kiểm tra xe phóng tên lửa mới trong chuyến thị sát một doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng.
Theo Hãng thông tấn Yonhap, đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng hé lộ xe phóng di động 12 trục - bản nâng cấp của loại xe có nhiều bánh xe nhất của Bình Nhưỡng trước đây, có 11 trục và 22 bánh xe và được sử dụng để chở tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17.
Xe phóng di động 12 trục mới cho thấy nó có thể chở tên lửa dài hơn so với những tên lửa hiện có, làm dấy lên hoài ghi liệu Triều Tiên có khả năng đang phát triển một tên lửa mới dài hơn hay không.
Một quan chức quân sự nói: "Các cơ quan tình báo của Hàn Quốc và Mỹ đang theo dõi chặt chẽ hoạt động phát triển vũ khí của Triều Tiên... Đây là lần đầu tiên một TEL 12 trục của Triều Tiên xuất hiện, nhưng chúng tôi sẽ phải theo dõi thêm để xác định liệu đó chỉ là động thái phô trương sức mạnh hay là cải tiến tên lửa thực sự".
Theo VnExpress, KCNA cũng dẫn lời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 9/9 nói rằng nước này phải "chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và sẵn sàng sử dụng năng lực hạt nhân một cách hợp lý vào bất kỳ thời điểm nào" để đảm bảo các quyền an ninh của quốc gia. Theo ông, năng lực quân sự mạnh mẽ là điều cần thiết để đối phó với "hàng loạt mối đe dọa khác nhau do Mỹ và các đồng minh gây ra".
Lãnh đạo Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng đang thực hiện chính sách hạt nhân theo hướng "tăng gấp bội kho vũ khí và lực lượng đang vận hành trong hệ thống chỉ huy và kiểm soát chặt chẽ". Ông mô tả Triều Tiên là quốc gia hạt nhân có trách nhiệm và chỉ sử dụng loại vũ khí này nhằm mục đích tự vệ, không tạo ra mối đe dọa đến bất cứ bên nào.
Bình Nhưỡng cuối tháng 8 bày tỏ quan ngại và lên án kế hoạch chiến lược hạt nhân của Washington, sau khi truyền thông Mỹ đưa tin Tổng thống Joe Biden hồi tháng 3 phê duyệt chiến lược mới nhằm giúp nước này sẵn sàng đối phó với khả năng Nga, Trung Quốc và Triều Tiên cùng phối hợp tạo ra thách thức hạt nhân chung.
Mỹ khẳng định kế hoạch chiến lược hạt nhân này là thông tin mật, nhưng tuyên bố nó không phải là phản ứng với quốc gia hay mối đe dọa cụ thể nào. Trong khi đó, Triều Tiên từng nhiều lần tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng lực lượng hạt nhân đủ mạnh và đáng tin cậy để "bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích an ninh của đất nước theo đúng kế hoạch đã định".