Theo thông tin mới nhất từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), quốc hội nước này đã thống nhất sửa đổi hiến pháp và bổ sung thêm chính sách về phát triển hạt nhân trong bối cảnh chủ tịch Kim Jong-un cam kết đẩy nhanh sản xuất vũ khí nguyên tử để răn đe trước điều mà ông cáo buộc là "sự khiêu khích" từ Mỹ.
Như vậy, phát triển vũ khí hạt nhân hiện nay không chỉ là một chiến lược quốc phòng quan trọng của Triều Tiên mà đã chính thức trở thành luật cơ bản được hiến pháp quy định trong bộ máy an ninh của đất nước.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên diễn ra hôm 27/9, ông Kim Jong-un cho biết, chính sách xây dựng lực lượng hạt nhân của Bình Nhưỡng "đã được coi là vĩnh viễn như luật cơ bản của nhà nước, không ai được phép coi nhẹ bất cứ điều gì".
Theo ông Kim, điều khoản hiến pháp mới được bổ sung sẽ cho phép Bình Nhưỡng “ngăn chặn chiến tranh và bảo vệ hòa bình khu vực cũng như toàn cầu bằng cách nhanh chóng phát triển vũ khí hạt nhân lên cấp độ cao hơn”.
“Đây là sự kiện lịch sử tạo đòn bẩy chính trị mạnh mẽ để tăng cường đáng kể năng lực quốc phòng quốc gia bao gồm cả lực lượng hạt nhân, nhằm củng cố vững chắc nền tảng thể chế và pháp lý để bảo đảm an ninh cũng như lợi ích quốc gia”, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh.
Ông Kim đồng thời kêu gọi "tăng cường sản xuất vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân, đa dạng hóa các phương tiện tấn công hạt nhân và triển khai chúng vào các dịch vụ khác nhau". Ông cho rằng Mỹ đã đi đến mức cực đoan trong các hành động khiêu khích quân sự bằng các cuộc tập trận và triển khai khí tài quân sự chiến lược trong khu vực.
Hãng tin Reuters đưa tin, việc thông qua sửa đổi hiến pháp diễn ra chỉ một năm sau khi Triều Tiên thông qua luật cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu, tuyên bố nước này là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân "không thể đảo ngược".
Ông Kim cũng cáo buộc sự hợp tác 3 bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản là "NATO phiên bản châu Á" và coi đây là mối đe dọa đối với an ninh khu vực cũng như thế giới. Ông kêu gọi các quan chức tăng cường hơn nữa tình đoàn kết với các quốc gia chống lại chiến lược của Mỹ và phương Tây.
Cuối cùng, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng đã đạt được một “thực tế đáng tự hào”, trong đó chương trình hạt nhân của nước này đã “nâng cao uy tín và sức mạnh quốc gia cũng như đưa thế giới hướng tới công lý”.
Phương Uyên (Theo RT và Reuters)