Bình Nhưỡng cảnh báo bán đảo Triều Tiên "cận kề chiến tranh hạt nhân"
Theo thông tin mới nhất do hãng thông tấn Yonhap đăng tải, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 26/9, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song cáo buộc Hàn Quốc và Mỹ đã gây ra "tình hình nguy hiểm hiện tại", đồng thời chỉ trích một loạt các bước mà hai nước đồng minh đã thực hiện nhằm tăng cường khả năng răn đe Triều Tiên.
"Trong hoàn cảnh hiện tại, Triều Tiên đối mặt với yêu cầu cấp bách phải đẩy nhanh hơn nữa việc tăng cường năng lực tự vệ. Khi các động thái quân sự liều lĩnh và khiêu khích của các thế lực thù địch càng gia tăng, nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia của chúng tôi sẽ gia tăng tương xứng", ông Song cho biết.
Nhà ngoại giao Triều Tiên đã đề cập đến các động thái của Mỹ và Hàn Quốc, bao gồm một loạt cuộc tập trận phòng thủ chung giữa hai nước đồng minh, cụ thể là cuộc tập trận Lá chắn Tự do Ulchi thường niên, việc khởi động Nhóm cố vấn hạt nhân, và những cảnh báo về khả năng Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân.
"Bán đảo Triều Tiên đang trong tình trạng nguy hiểm với nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân cận", ông Song cảnh báo đồng thời cũng chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng, bất kỳ thỏa thuận vũ khí nào giữa Nga và Triều Tiên sẽ bị coi là "hành động khiêu khích trực tiếp" chống lại Hàn Quốc.
Đáp lại, ông Kim Sang-jin - phó đại diện thường trực của Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc, chỉ trích tuyên bố của Đại sứ Triều Tiên vì đưa ra những cáo buộc "vô căn cứ, phi logic và vô lý". Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hồi tháng 7 tuyên bố trong trường hợp xảy ra bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Triều Tiên nhằm vào liên minh Mỹ - Hàn, họ sẽ phải đối mặt với "phản ứng tức thì, áp đảo và kiên quyết từ liên minh".
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun Nam nói rằng "việc triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược và các phương tiện chiến lược khác ngày càng rõ ràng có thể phù hợp các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân được quy định trong luật pháp Triều Tiên".
Ông Kang cho biết học thuyết hạt nhân của Triều Tiên cho phép thực hiện các biện pháp cần thiết trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công hạt nhân chống lại nước này hoặc khi Bình Nhưỡng nhận thấy nguy cơ một vụ tấn công hạt nhân. Ông cũng cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc đã vượt qua "lằn ranh đỏ".
Ba Lan xác nhận tên lửa rơi vào lãnh thổ năm 2022 là do Ukraine phóng
Theo China News, ngày 26/9 (giờ địa phương), truyền thông Ba Lan cho biết cuộc điều tra của nước này đã xác định rằng tên lửa rơi xuống lãnh thổ nước này vào tháng 11/2022 được phóng từ Ukraine.
Nguồn tin quen thuộc với cuộc điều tra cho biết tiết lộ, các chuyên gia Ba Lan xác nhận tên lửa "do Ukraine phóng", là tên lửa phòng không S300 5-W-55 "có tầm bắn từ 75 km đến 90 km và quân đội Nga đang ở trong tình thế không thể phóng tên lửa tới địa điểm đó".
Các báo cáo trước đó chỉ ra, vào tháng 11/2022, một vụ nổ đã xảy ra tại một ngôi làng khu vực biên giới phía đông Ba Lan gần Ukraine khiến 2 người thiệt mạng.
Do Ba Lan là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên vụ nổ làm dấy lên mối lo ngại về việc liệu nó có kích hoạt điều khoản phòng thủ tập thể của NATO hay không và làm leo thang thêm cuộc xung đột ở Ukraine.
NATO sau đó đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp và tuyên bố rằng phân tích sơ bộ cho thấy tên lửa đâm vào Ba Lan có thể đã được quân đội Ukraine phóng để chống lại tên lửa đang lao tới của Nga.
Thời điểm trên, Mỹ cũng tuyên bố tên lửa có thể đến từ Ukraine nhưng Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng về vụ việc. Tổng thống Ukraine Zelensky phủ nhận vụ nổ khó có thể do lỗi phóng tên lửa của Ukraine và ông không chắc chắn 100% chuyện gì đã xảy ra.
Phương Uyên(T/h)