+Aa-
    Zalo

    Triết lý sống đáng khâm phục của hậu duệ vua Tự Đức

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ông là con trai thứ tư của công chúa Tân Phong (con gái vua Dục Đức, em gái vua Thành Thái). rải qua nhiều biến cố, vị hoàng thân này phải sống cảnh bần hàn, khổ cực tại một làng nhỏ hẻo lánh thuộc tỉnh Đồng Nai.

    Ông là con trai thứ tư của công chúa Tân Phong (con gái vua Dục Đức, em gái vua Thành Thái). Trải qua nhiều biến cố, vị hoàng thân này phải sống cảnh bần hàn, khổ cực tại một làng nhỏ hẻo lánh thuộc tỉnh Đồng Nai. Dù vậy, ông vẫn luôn vui vẻ, yêu đời và luôn muốn làm một điều gì đó tốt đẹp cho xã hội.

    Triết lý sống đáng khâm phục của hậu duệ vua Tự Đức

    Ngày cắt cỏ chăn bò, đêm về cụ ông ở tuổi “cổ lai hy” vẫn cất tiếng sáo vui vẻ bên người bạn đời.

    Sống lương thiện qua thăng trầm, dâu bể

    Hậu duệ vua Dục Đức nói trên là ông Nguyễn Ngọc Đương (tên khác là Mười Đương, SN 1925), trú tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Chúng tôi đến nhà ông khi trời đã chập choạng tối. Gian nhà rộng chừng 20m2, nằm sâu trong con hẻm nhỏ, lổn nhổn đất đá gồ ghề. Lúc này, ông Đương trên chiếc xe đạp cũ cọc cạch cũng vừa về tới nhà. Dù bao năm qua sống ở phương Nam nhưng chất giọng đặc trưng xứ Huế của ông vẫn chưa bị mất đi. “Năm 1907, mẹ tôi được gả cho con trai thứ tư của thống đốc Bắc Kỳ là Nguyễn Hữu Độ. Bà sanh được 5 người con, tôi là con thứ 4. Sau ngày vương triều suy vong, anh em tôi lưu lạc mỗi người mỗi ngả”, ông Mười Đương kể. Năm 17 tuổi, ông Đương tình nguyện tham gia kháng chiến chống Pháp với vai trò công nhân tại công xưởng sản xuất vũ khí trong hang núi ở tỉnh Nghệ Tĩnh. Đến năm 1969, ông bị thương nên rời quân ngũ trở về quê bắt đầu xây dựng cuộc sống mới.

    Tại quê nhà, chàng lính trẻ vừa xuất ngũ đã kết duyên với người con gái xứ Huế tên Nguyễn Thị Bé có nét đẹp đằm thắm, đoan trang. Sau ngày đất nước thống nhất, vì đông con lại gặp hoạn nạn, cuộc sống hai vợ chồng vô cùng khó khăn. Trong lúc đang chuẩn bị làm thủ tục hưởng chế độ thương binh thì nhà ông Đương bất ngờ bị lửa thiêu cháy. Bao nhiêu giấy tờ bỗng hóa tàn tro. Lâm vào cảnh túng quẫn, năm 1978, gia đình nhỏ dắt díu nhau vào vùng kinh tế mới Đồng Nai. Những ngày đầu cuộc sống khổ cực trăm bề, vợ chồng ông mượn đất cất nhà gần một nông trường cao su ở tạm nhưng phải làm thuê kiếm sống vì không có đất canh tác.

    Công việc mà hai ông bà gắn bó lâu nhất là gánh nước thuê. “Đầu mối” của họ là tiểu thương ở khu chợ gần nhà hay chủ đồn điền cao su cần nước tưới cây. “Xa quê hương, vợ chồng tôi buồn dữ lắm mà khôn biết mần răng. Đến mảnh đất này rồi, cũng phải ráng làm để bốn đứa con có cái ăn cái mặc. Mỗi gánh nước ở thời điểm đó cũng chỉ được 3-5 hào, sau này mới được 5 đến mười ngàn. Cứ mỗi phi nước phải 6 - 7 gánh mới đầy. Cực lắm nhưng vợ chồng dù phải ăn củ khoai củ sắn cũng không nề hà gì, miễn sao có tiền để nuôi con”, ông Đương nhớ lại.

    Đồ nghề của ông bà chỉ vỏn vẹn là đôi quang gánh và hai chiếc thùng được cắt ra từ những chiếc can cũ. Cứ khoảng 4h sáng, hai vợ chồng đã thức dậy gánh nước. Ông bảo, nhiều lúc trời tối không yên tâm ông phải để bà về chăm các con. Một mình một bóng ông lạch cạch giữa đường với đôi quang gánh như dính liền trên vai. Cho đến tới quá nửa đêm cả gia đình mới được quây quần trong túp lều tồi tàn, ẩm thấp. Bà Nguyễn Thị Bé cho biết thêm: “Ngày đó, hễ ai kêu là vợ chồng tôi lại quẩy gánh lên vai. Chúng tôi có đưa giá cho mỗi gánh nước nhưng thực tế họ đưa bao nhiêu cũng được. Bữa mô gánh được cho mấy người chủ bán hàng ngoài chợ, có khi họ còn cho thêm hộp sữa, bịch bánh về làm quà cho con”.

    Dù cần cù lao động nhưng nghèo đói cực khổ vẫn bám nhẵng lấy gia đình ông Đương không rời. Tuy nhiên, như điều mà vị hoàng thân tâm niệm: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, vợ chồng ông chưa bao giờ lấy đắt tiền công thuê gánh nước, cũng chưa bao giờ xin người khác… bố thí. “Nhà mình nghèo cũng là cái số, nhưng tôi luôn dạy con phải cử xử đúng khuôn phép con nhà có lễ giáo, lịch sự và văn hóa. Trong thâm tâm, tôi luôn tự hào về các bậc tiền nhân của mình và tự nhủ với lòng phải sống sao cho xứng đáng với họ”, ông Đương cho biết. Chính vì quan niệm sống như vậy nên dù chịu cực khổ trăm bề nhưng ông Đương chưa bao giờ kêu ca với ai. Ông cũng ít khi nhắc về thân thế hoàng tộc của mình. Đến khi ngoài 70 tuổi, không còn đủ sức khỏe, ông mới thôi đi gánh nước thuê. Sau khi giã biệt đôi thùng gánh nước, hai ông bà cũng chẳng chịu ngồi không. Để nêu gương cho con cháu, hàng ngày ông đạp xe hơn 2km cắt cỏ về phụ con chăn nuôi bò. Còn vợ ông đi phụ việc cho quán ăn để kiếm thêm thu nhập.

    Triết lý sống đáng khâm phục của hậu duệ vua Tự Đức

    Đơn tự nguyện hiến thi hài của ông Đương và bà Bé.

    Vợ nguyện cùng chồng làm việc nghĩa

    Trong căn nhà tình nghĩa đơn sơ do chính quyền địa phương xây tặng, chúng tôi đặc biệt chú ý đến hai lá đơn tự nguyện hiến xác mang tên vợ chồng ông Đương được treo ở vị trí trang trọng. Theo ông, đó chính là những thứ quý giá nhất của mình. Nụ cười niềm nở, ông Đương chia sẻ: “Đối với y học, thân thể con người dành cho việc nghiên cứu vô cùng quý giá. Người ta thường nói chết là hết, nhưng tôi muốn làm một việc gì đó có ý nghĩa ngay cả khi không còn sống nữa. Lúc ấy là đầu năm 2011, sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi hạ quyết tâm nói với vợ ý định hiến xác cho y học và bất ngờ, vợ tôi cũng có mong muốn như vậy. Theo đó sau khi chúng tôi qua đời, thi thể sẽ được chuyển về Trường Đại học y dược TP.HCM. Tôi mong rằng việc làm nhỏ bé của tôi sẽ góp phần vào việc phát triển nền y học nước nhà”.

    Ban đầu, ý định của đôi vợ chồng già đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ con cái. Chị Nguyễn Thị Ngọc Toàn, con gái đầu của ông Đương tâm sự: “Lần đầu nghe cha mẹ nói sẽ hiến xác tôi bàng hoàng lắm. Ở đây, tôi chưa nghe ai làm việc này bao giờ, bốn chị em tôi hết lời khuyên can. Nhưng khi nghe cha mẹ giãy bày việc hiến xác có ý nghĩa và giúp ích cho ngành y học nước nhà, chúng cũng dần hiểu ra và ủng hộ”.

    Sau khi nhờ cán bộ địa phương liên hệ đến Trường Đại học y dược TP.HCM, ông bà đã được đồng ý làm thủ tục. Giây phút cầm trên tay giấy chứng nhận tham gia hiến xác, đôi bạn già phấn khởi không kìm nén nỗi cảm xúc đã ôm nhau khóc giữa sự chứng kiến cảm động của mọi người. Giải thích về quyết định cùng chồng hiến xác, bà Bé nghẹn ngào: “Tui lấy ông làm chồng vì thương chứ đâu nghĩ tới chuyện con cháu vua chúa gì. Vợ chồng tui cực khổ cả đời rồi, giờ chỉ mong sao trời thương cho con cháu mạnh khỏe. Về già ông đi đâu tôi theo đó, tui đồng tình với ý nguyện hiến xác của chồng”. Thấy bà cầm vạt áo lau nước mắt, ông Đương cười ấm áp, rồi lấy cây sáo tiêu thổi bản nhạc quen thuộc ông vẫn thường cho bà nghe mấy chục năm nay như lời an ủi người bạn đời.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/triet-ly-song-dang-kham-phuc-cua-hau-due-vua-tu-duc-a53964.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan