Chuyên gia của National Interest cho rằng việc triển khai hệ thống S-300 đến Syria cho thấy khát vọng của Nga trong củng cố sức ảnh hưởng tại chiến trường Trung Đông này.
Sau vụ máy bay trinh sát Il-20 bị bắn rơi, Nga kiên quyết triển khai S-300 đến Syria. Ảnh minh họa: Getty |
Thông điệp thực sự Nga muốn gửi gắm khi triển khai S-300
Hôm 24/9 vừa qua, Nga tuyên bố đang triển khai hệ thống phòng không S-300 cho Syria sau khi máy bay trinh sát Il-20 của Moscow bị bắn rơi ở Syria khiến 15 binh sĩ thiệt mạng. Nga đổ lỗi cho Israel, cáo buộc họ “gián tiếp” dẫn đến thảm kịch này.
Truyền thông Iran sau đó đồng loạt đưa tin rằng việc cung cấp S-300 cho Syria sẽ là một "cơn ác mộng" đối với Israel. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố họ vẫn sẽ tiếp tục hành động ở Syria. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cũng gọi động thái của Nga là “sai lầm lớn”.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu vào ngày 17/9 khi một tên lửa S-200 của Syria trong quá trình chiến đấu chống lại cuộc không kích với 4 chiếc F-16 của Israel đã bắn trúng chiếc Il-20 của Nga. Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Israel cố tình tạo ra một "tình huống nguy hiểm".
Moscow cũng tuyên bố Israel chỉ đưa ra cảnh báo Nga một phút trước đó cho dù “đường dây nóng” của 2 nước đã được thành lập từ năm 2015. Đáp lại, Israel cho vào thời điểm xảy ra tai nạn, chiến đấu cơ của họ đã trở lại trong không phận Israel.
Sau đó, cả Tổng thống Israel Benjamin Netanyahu và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đều có những tuyên bố mang tính chất “xoa dịu” nhưng cuối cùng, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vẫn xác nhận việc triển khai S-300. Moscow khẳng định S-300 có khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công trên không ở khoảng cách hơn 250 km và đồng thời chống lại một số mục tiêu cụ thể.
Động thái cung cấp S-300 cho Syria cũng xuất hiện sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua một thỏa thuận ở Idlib – thành trì cuối cùng của phiến quân và khủng bố, đồng ý ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm năng của chính phủ Syria vào khu vực này với lý do một thảm họa nhân đạo có thể xảy ra.
Như vậy, việc triển khai S-300 của Nga là một phần trong nỗ lực của Moscow nhằm củng cố sức mạnh, khẳng định vai trò chủ chốt của họ trong cuộc xung đột Syria. Hành động triển khai S-300 cũng có thể bao hàm cả một thông điệp gửi đến Israel: giai đoạn mà đất nước các bạn có thể tự do hoạt động ở Syria có thể sẽ không còn kéo dài thêm nữa.
Ngoài ra, nhiều kênh truyền thông cũng cho rằng S-300 được xem là mối đe dọa với lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu. Trên thực tế, đối với Mỹ thì việc triển khai S-300 mang ý nghĩa tượng trưng hơn là một mối đe dọa thực sự.
Về phần mình, Israel lo ngại S-300 gây ảnh hưởng tiêu cực trên phương diện kỹ thuật quân sự. Người đứng đầu Bộ phận chiến lược của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Chuẩn tướng Assaf Orion tại Viện nghiên cứu an ninh quốc gia cho biết hệ thống này làm tăng nguy cơ cho tất cả các lực lượng không quân hoạt động gần Syria. Tức là, Nga hoàn toàn có khả năng làm việc với đồng minh của mình bao gồm Syria và Iran để phong tỏa bầu trời Syria.
Israel liệu có thể đối phó với S-300 của Nga?
Israel khẳng định đủ khả năng đối phó với S-300. Ảnh: Getty |
“Tuy nhiên, trong hơn 20 năm qua Israel vẫn luôn chuẩn bị cho những tình huống như thế này”, ông Orion nói, thêm rằng quân đội của đất nước ông từng được huấn luyện chống lại hệ thống ở Hy Lạp. Ông lưu ý rằng dù Syria sở hữu S-300 thì vẫn có thể tồn tại khả năng họ "không đủ năng lực và sự liều lĩnh" để sử dụng hiệu quả, tham chiếu đến vụ việc lực lượng Damascus sử dụng S-200 bắn nhầm Il-20 của Nga hôm 17/9.
Hơn nữa, ông Orion cũng chỉ ra rằng thậm chí Nga đã triển khai S-400 tiên tiến hơn ở Syria. Hệ thống này lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện ở Syria là năm 2015. Đến tháng 9/2017, Nga tiếp tục triển khai thêm một hệ thống S-400. Mặc dù vậy, từ năm 2012 đến 2017, Israel vẫn tấn công tổng cộng 200 mục tiêu tại Syria, cho thấy IDF vẫn hoạt động hiệu quả bất chấp các hệ thống tên lửa của Nga.
Quan hệ giữa Israel – một đồng minh của Mỹ với Nga đã được duy trì trong nhiều năm qua. Trong nhiều cuộc họp, ông Netanyahu thường xuyên nhấn mạnh với ông Putin rằng Israel chỉ muốn tấn công vào các mục tiêu Iran đang hoạt động ở Syria với cáo buộc Tehran chuyển vũ khí cho khủng bố Hezbollah, gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực.
Trong quá khứ, cả Israel và Mỹ đều chứng minh họ có khả năng xử lý mối đe dọa S-300 ở Syria. Vào năm 2017, Nga từng sử dụng S-300 để theo dõi các máy bay của Mỹ ở miền Đông Syria. Đến tháng 4/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman cũng từng khẳng định Israel sẽ tiêu diệt bất kỳ chiếc S-300 nào nhắm vào máy bay của họ. Điều này có nghĩa là hành động cung cấp S-300 của Nga cho Syria chủ yếu nhằm mục đích củng cố niềm tin cho lực lượng chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad.
S-300 là lời cảnh báo cho Israel, Mỹ và liên quân của họ, đồng thời cũng là một sự khuyến khích đối với Damascus. S-300 có thể không phải là một mối đe dọa lớn, nhưng vì bất kỳ sự cố nào khác trong các khu vực nhạy cảm như Idlib đều sẽ được xem xét nghiêm túc. Đây là một phần của quá trình rộng lớn hơn nhằm chấm dứt cuộc nội chiến Syria kéo dài hơn 7 năm qua, thể hiện nỗ lực của Moscow nhằm khẳng định Damascus mới là những người nắm giữ chủ quyền Syria.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo National Interest)