Bộ GD-ĐT vừa ban hành công văn số 576/BGDĐT-CTHSSV ngày 16/2/2017 để hướng dẫn và lên kế hoạch triển khai phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” đến các Sở GD-ĐT trên cả nước.
Theo đó, từ tháng 2/2017, các Sở GD-ĐT sẽ ban hành công văn chỉ đạo và hướng dẫn kế hoạch triển khai cụ thể đến các Phòng GD-ĐT và các trường tiểu học, phân công 1 cán bộ có chuyên môn phù hợp tại mỗi sở, mỗi phòng, mỗi trường để theo dõi, đôn đốc và báo cáo quá trình áp dụng phần mềm. Các Phòng GD-ĐT trên địa bàn có nhiệm vụ ban hành công văn đến các trường tiểu học bán trú trên địa bàn, đôn đốc về kế hoạch triển khai cụ thể.
Giao diện website Dự án Bữa ăn học đường |
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định số 196/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng”. Theo quyết định này, phần mềm được áp dụng đối với các trường có tổ chức bữa ăn bán trú toàn quốc nhằm đảm bảo thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn tại nhà trường. Phần mềm được cung cấp miễn phí trên website: www.buaanhocduong.com.vn. Mỗi trường tiểu học bán trú đăng ký một tài khoản để sử dụng đầy đủ các chức năng trong phần mềm.
Học sinh tiểu học dùng bữa trưa với thực đơn đa dạng, phong phú, đảm bảo tính dinh dưỡng |
Đây là phần mềm thuộc dự án “Bữa ăn học đường” do Công ty Ajinomoto Việt Nam phát triển với sự tư vấn chuyên môn của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) và sự phối hợp triển khai của Bộ GD-ĐT, giúp cung cấp và xây dựng những thực đơn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng, ngon miệng và hỗ trợ công tác quản lý bữa ăn bán trú. Các thực đơn trong phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” được phát triển kéo dài hơn 1 năm, trải qua nhiều quá trình từ khảo sát, phân tích, phát triển công thức, thực nghiệm đến điều chỉnh kỹ càng, sau đó thông qua bởi Hội đồng thẩm định của Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Hội đồng đánh giá của Bộ GD-ĐT.
Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên - phát biểu tại Hội nghị phê duyệt phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” |
Sau khi phần mềm được phê duyệt, Sở GD-ĐT tỉnh Lạng Sơn tiên phong lên kế hoạch 147/KH-SGDĐT ngày 24/1/2017 để triển khai phần mềm cho các trường tiểu học bán trú. TP.HCM cũng nhanh chóng ban hành công văn số 415/GDĐT-HSSV ngày 15/2/2017 về việc áp dụng phần mềm tại các đơn vị trường tiểu học trên địa bàn. Ngoài ra, một số tỉnh thành lớn trên cả nước cũng từng bước triển khai hoạt động này như: Cao Bằng, Tiền Giang, Cần Thơ, Bình Dương, Khánh Hòa, Đà Nẵng…
Để phát triển thành công dự án, Ajinomoto Việt Nam nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chuyên môn đầu ngành về dinh dưỡng tại Việt Nam, tiêu biểu là Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Sau những bước tìm hiểu, đánh giá thực tế hiệu quả thực hiện dự án, Bộ GD-ĐT triển khai những cuộc họp quan trọng nhằm lên kế hoạch triển khai, lấy ý kiến của nhiều Sở GD-ĐT địa phương, cũng như các sở ban ngành có liên quan; thành lập Hội đồng thẩm định phần mềm. Từ những cơ sở đó, Bộ GD-ĐT quyết định đồng hành cùng Ajinomoto Việt Nam và Viện Dinh dưỡng Quốc gia triển khai dự án trên quy mô toàn quốc.
* “Phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” thuộc dự án “Bữa ăn học đường” đã xây dựng được các bữa ăn hợp khẩu vị, bộ thực đơn đa dạng và phong phú về thực phẩm, phù hợp với từng vùng miền, thuận lợi cho các trường tiểu học có bán trú thực hiện. Chúng tôi đánh giá cao Công ty Ajinomoto Việt Nam đã cùng Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế triển khai dự án cũng như hỗ trợ hiệu quả hoạt động này”, TS. Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng. * “Các thực đơn được xây dựng từ phần mềm đảm bảo chất lượng bữa ăn, xây dựng thói quen ăn uống khoa học, góp phần kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất trong học sinh và đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. |
HẢI PHONG