Với vai trò là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch hội đồng Tín dụng DongABank, Trần Phương Bình đã tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư của nhà băng này, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho DongABank hơn 3.600 tỷ đồng.
Trên 3.600 tỷ đồng của DongABank đi đâu dưới thời Trần Phương Bình làm “ông trùm”?
Theo dự kiến, ngày mai (27/11), TAND TP.HCM sẽ đưa các bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch hội đồng Tín dụng DongABank); Nguyễn Thị Kim Xuyến, nguyên Phó Tổng Giám đốc DongABank và Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) cùng 23 bị cáo khác ra xét xử sơ thẩm với cáo buộc gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng của DongABank.
Theo đó, 26 bị cáo bị truy tố các tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, hai bị cáo Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Xuyến bị truy tố về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Vũ “nhôm” bị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Được xác định gây thiệt hại số tiền cực lớn của DongABank, Trần Phương Bình và thuộc cấp cùng Vũ “nhôm” bị xét xử chung trong 1 vụ án. |
Theo cáo trạng, với vai trò là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch hội đồng Tín dụng DongABank, Trần Phương Bình đã tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư của nhà băng này, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho DongABank hơn 3.600 tỷ đồng.
Cụ thể, bị cáo Bình mua hơn 74.000 cổ phần DongABank với số tiền 1.160 tỷ đồng; Chi lãi ngoài 437 tỷ đồng và 650 lượng vàng; hơn 24 triệu USD và hơn 15.000 lượng vàng trong việc kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng tài khoản trái phép... Đặc biệt, bị cáo Bình dùng gần 65 tỷ đồng để tất toán cho khoản vay của Nguyễn Hồng Ánh, nguyên cán bộ điều tra Công an TP.HCM (Nguyễn Hồng Ánh cũng bị đề nghị truy tố trong vụ án này).
Hành vi nêu trên của bị cáo Bình đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng và là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DongABank tại thời điểm 31/12/2015 lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
Đồng phạm của bị cáo Bình là bị cáo Xuyến cũng được xác định là có hàng loạt sai phạm, dẫn đến thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng của DongABank. Bị cáo Xuyến đã sử dụng công ty TNHH Ninh Thịnh, công ty TNHH TMTP Sao VN và 5 cá nhân lập hồ sơ rút 467 tỷ đồng của DongABank, chuyển cho Trần Phương Bình mua cổ phần của DongABank. Khoản tiền này sau đó được bị cáo Bình chỉ đạo thuộc cấp xuất quỹ chi hơn 475 tỷ đồng, xuất quỹ chi sai nguyên tắc hơn 10 tỷ đồng để tất toán cho DongABank.
Ngoài hành vi vừa nêu, bị cáo Xuyến còn chiếm đoạt của DongABank 40 tỷ đồng, đây là số tiền nằm trong khoản vay 270 tỷ đồng tại DongABank của Cao Ngọc Huy. Cơ quan điều tra xác định bị cáo Xuyến là đồng phạm với Trần Phương Bình chiếm đoạt 467 tỷ đồng của DongABank.
Bị cáo Xuyến cũng xuất khẩu và kinh doanh vàng tài khoản trái phép, chi lãi suất ngoài sai nguyên tắc gây thiệt hại cho DongABank hơn 1.000 tỷ đồng. Do đó, bị cáo Xuyến phải chịu trách nhiệm về số tiền 40 tỷ đồng đã chiếm đoạt và 1.574 tỷ đồng thiệt hại tại DongABank.
Các bị cáo khác trong nhóm cán bộ DongABank được xác định có vai trò giúp sức cho bị cáo Bình và Xuyến nên phải chịu trách nhiệm liên đới, trách nhiệm hình sự cùng với 2 bị cáo Bình và Xuyến.
Vũ “nhôm” có liên quan thế nào trong vụ DongABank thiệt hại 3.600 tỷ?
Cáo trạng xác định trách nhiệm của các bị cáo trong việc gây thiệt hại cho DongABank hơn 3.600 tỷ đồng liên quan đến 3 nhóm hành vi, gồm: Nhóm hành vi của Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến, Vũ “nhôm”, Phạm Văn Phước (nguyên Giám đốc công ty Cổ phần Lương thực Nam Định) lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của DongABank hơn 2.000 tỷ đồng.
Nhóm hành vi của Trần Phương Bình và đồng phạm cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại cho DongABank hơn 1.500 tỷ đồng.
Nhóm hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của 3 bị can thuộc ban Kiểm soát DongABank.
Cáo trạng nêu, năm 2013 DongABank thua lỗ kéo dài, thiếu hụt tiền mặt, vàng số lượng lớn trong kho quỹ. Để bù đắp lượng tiền thiếu, bị can Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng để thu hút vốn đầu tư. Do quen nhau từ trước, Bình bàn bạc, thống nhất để Vũ “nhôm” mua 60 triệu cổ phần DongABank với giá 600 tỷ đồng khi DongABank tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng vào năm 2014.
Nguồn tiền mua cổ phần DongABank do Vũ “nhôm” thế chấp 220 lô đất tại TP.Đà Nẵng để vay 400 tỷ đồng của DongABank. Đối với 200 tỷ đồng còn lại, bị cáo Bình chỉ đạo nhân viên DongABank xuất quỹ khống cho Vũ “nhôm”. Để hợp thức hóa khoản tiền 200 tỷ đồng này, Vũ “nhôm” được sự thống nhất của bị cáo Bình, đã ký khống chứng từ nộp 200 tỷ vào lại DongABank để mua cổ phần. Mục đích để Vũ “nhôm” trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DongABank.
Tuy nhiên, DongABank không thể tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng, nên ngày 8/4/2014, bị cáo Bình chỉ đạo DongABank chuyển trả 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ đồng tiền lãi vào tài khoản của công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 do Vũ “nhôm” làm chủ tịch HĐQT.
Nhận 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ đồng tiền lãi từ DongABank nhưng Vũ “nhôm” chỉ nộp 400 tỷ đồng trở lại cho nhà băng này. Còn số tiền 200 tỷ đồng còn lại, Vũ “nhôm” trước đó đã ký khống chứng từ, nay lợi dụng điều này để chiếm đoạt số tiền 200 tỷ tiền gốc và gần 3,2 tỷ tiền lãi.
Phiên tòa dự kiến sẽ khai mạc vào lúc 7h30 sáng 27/11 và kéo dài một tháng.
Theo Người Đưa Tin