Khi nào trẻ cần khám hậu COVID-19?
Tất cả trẻ em không nhất định phải tái khám hậu COVID-19 vì ít trẻ mắc di chứng này và không nghiêm trọng như người lớn. Hầu hết triệu chứng như ho, sốt, mệt mỏi... ở giai đoạn cấp, trẻ sẽ lướt qua dễ dàng, không để lại di chứng kéo dài khi khỏi bệnh.
Di chứng hậu COVID-19 nguy hiểm nhất ở trẻ em là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). MIS-C là bệnh chỉ xảy ra với trẻ em, chưa ghi nhận ở người lớn. Trẻ có thể gặp di chứng này ở giai đoạn 2-6 tuần sau khỏi COVID-19. Các triệu chứng bệnh đặc trưng bao gồm sốt cao, đau bụng, tiêu chảy, mắt đỏ, lưỡi đỏ, các ngón tay chân sưng nhẹ, nổi hồng ban, tim đập nhanh. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể bị hạ huyết áp hoặc sốc, suy giảm chức năng tim, tổn thương màng tim, viêm màng ngoài tim, bất thường mạch vành, rối loạn đông máu, rối loạn tiêu hóa cấp tính, thậm chí tử vong.
Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ mắc MIS-C rất thấp, chỉ khoảng 0,1%, thường gặp ở nhóm 8-11 tuổi, trẻ thừa cân béo phì có nguy cơ bị MIS-C nặng hơn. Trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lưu hành chủ yếu như hiện nay thì trẻ bị viêm đa hệ thống hậu COVID-19 càng ít hơn.
Ngoài ra, trẻ bị mất ngủ, rối loạn hành vi, tâm lý, hay quên, thường xuyên thở hụt hơi, ho nhiều có đờm, hồi hộp đánh trống ngực, rối loạn tiêu hóa, khô da, rụng tóc, thay đổi tổng trạng chung như biếng ăn, giảm cân... phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, can thiệp kịp thời. Những triệu chứng bất thường này có thể là biểu hiện của bệnh lý khác không phải COVID-19, VnExpress dẫn lời bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Khám hậu COVID-19 cho trẻ gồm những gì?
- Khám lâm sàng bởi các bác sĩ chuyên khoa Nhi.
- Thực hiện các xét nghiệm theo chỉ định (máu, X-quang tim phổi, siêu âm...)
- Một số trẻ có tình trạng đặc biệt sẽ được thăm khám tiếp bởi các chuyên gia về hô hấp, tim mạch, thần kinh, dinh dưỡng, Tri thức trực tuyến dẫn thông tin từ Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội.
Linh Chi(T/h)