Nguyên nhân hậu COVID-19 ở trẻ em
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá đây là tình trạng chưa có căn nguyên xác định, kết hợp nhiều yếu tố bao gồm đặc điểm của virus, yếu tố miễn dịch, di chứng sau điều trị hồi sức tích cực.
Một số tình huống khác cũng có thể gây ra các triệu chứng mới hay tiếp diễn như: virus tồn tại lâu hơn bình thường do phản ứng miễn dịch không hiệu quả; tình trạng tái nhiễm (ví dụ bởi 1 chủng khác của virus); thể lực yếu do thiếu vận động khi ốm; stress hậu sang chấn hoặc di chứng tâm thần khác, đặc biệt ở người có tiền sử lo âu, trầm cảm, mất ngủ, hay bệnh lý tâm thần khác; giảm trao đổi oxy do hậu quả của các cục máu đông dai dẳng; sự hình thành các kháng thể tự miễn sau nhiễm virus.
Chuyên sâu hơn, một số nhà khoa học trên thế giới đã đưa ra một số giả thuyết:
- Tình trạng phản ứng viêm mạn tính: Một số nghiên cứu chỉ ra virus SARS-CoV-2 xâm nhập và cư trú cả trong đường ruột của trẻ (chứ không phải chỉ ở phổi). Sau khi khỏi bệnh, virus vẫn tiếp tục cư trú trong đường ruột và kích thích tạo ra các phản ứng viêm liên tục.
- Tình trạng tăng đông và tắc các vi mạch nhỏ trong đợt mắc COVID-19 cấp tính gây ra tổn thương cơ quan mạn tính kéo dài. Như các tác giả thấy quá trình tăng đông ở lớp nội mạch động mạch vành gây tình trạng đau ngực kéo dài sau mắc COVID-19, theo Vietnamnet
Giảm triệu chứng hậu COVID-19 ở trẻ nhỏ
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC), phần lớn trẻ em không có các triệu chứng khi bị mắc COVID-19 hoặc các triệu chứng rất nhẹ. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, trẻ em vẫn có thể gặp phải nhiều di chứng sau khi khỏi bệnh.
Dữ liệu từ nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em mắc COVID-19 nhẹ và nặng đều có thể gặp phải các di chứng kéo dài, phổ biến là mệt mỏi, đau đầu, khó ngủ, khó tập trung, đau cơ và khớp, ho.
Nhiều trẻ bị ho dai dẳng và mệt mỏi vào khoảng thời gian 4 tuần. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo trong quá trình trẻ hồi phục sau COVID-19, cha mẹ nên đảm bảo con ngủ đủ giấc, từ từ tham gia trở lại các hoạt động bình thường.
Khi trẻ bị mệt mỏi, uể oải, con cần nghỉ ngơi đầy đủ, trong thời gian ngắn và sau khi tham gia các hoạt động. Các triệu chứng hậu COVID-19 có thể ảnh hưởng khả năng học tập hoặc hoạt động bình thường của trẻ.
Trong thời gian trẻ hồi phục sau COVID-19, gia đình cần lưu ý đến chế độ ăn uống và dinh dưỡng của con. Cha mẹ nên bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất trong bữa ăn của trẻ và luôn nhắc con uống nước.
Thực phẩm tươi nấu tại nhà, rau củ quả giàu vitamin C có thể nâng cao sức khỏe thể chất cho trẻ. Đặc biệt, gia đình nên hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn vặt, thực phẩm chiên rán vì có thể làm chậm quá trình hồi phục.
Giống người lớn, trẻ nhỏ cũng dễ bị căng thẳng và lo lắng do COVID-19. Sự thay đổi tâm trạng quá mức, uể oải, hay cáu gắt,... có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tâm thần do COVID-19 gây ra ở trẻ em. Cha mẹ cần chú ý và xử lý những vấn đề đó ngay lập tức vì trẻ em cần được hỗ trợ tối đa trong thời điểm này.
Nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục sau 4 tuần, cha mẹ nên cân nhắc nói chuyện với giáo viên hoặc nhân viên y tế về tình trạng của con.
Khi nào nên nghi ngờ trẻ bị hậu COVID-19 và cần đưa trẻ đi khám?
Những trẻ nhiễm COVID-19 không nặng, đã phục hồi, nhưng còn các triệu chứng của COVID-19 kéo dài dai dẳng quá 4 tuần lễ kể từ ngày nhiễm. Hoặc 4 tuần sau nhiễm COVID-19 lại xuất hiện thêm các triệu chứng mới. Chẳng hạn:
- Biểu hiện hô hấp: Ho kéo dài quá 4 tuần, đau tức ngực, khó thở khi gắng sức. Trẻ trên 6 tuổi mà có các triệu chứng này kéo dài cần đo chức năng hô hấp. Trẻ em khó thở khi gắng sức kéo dài không hết cần kiểm tra tim để loại trừ cục máu đông.
- Biểu hiện tim mạch: Đau ngực, khó thở khi gắng sức, nhịp tim không đều, mệt mỏi. Trẻ em trên 6 tuổi hoặc thiếu niên nếu các dấu hiệu này dai dẳng mức độ trung bình, nặng thì cần kiểm tra kỹ tim trước khi cho trẻ đi học hoặc tham gia các hoạt động thể thao trở lại.
- Rối loạn mùi vị: Trẻ lớn có thể than phiền, trẻ nhỏ thường biểu hiện chán ăn, ăn kém kéo dài kể cả sau khi phục hồi COVID-19 quá 4 tuần cũng nên đi kiểm tra.
- Tâm thần kinh: Trẻ có biểu hiện như rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng, giảm khả năng tập trung chú ý, học hành sa sút, tâm trạng tính tình thay đổi.
- Chứng sương mù não: Trẻ có thể trở nên đãng trí, khó tập trung, đọc chậm hơn và hay ngắt quãng so với trước…
- Mệt mỏi thể chất: Trẻ dễ mệt hơn khi hoạt động thể chất, kém hơn so với trước khi bị bệnh. Do đó hạn chế các hoạt động thể lực. Thậm chí dẫu không có vấn đề gì về tim phổi, trẻ vẫn có thể dễ mệt mỏi.
- Nhức đầu: Đây là triệu chứng khá phổ biến, nếu tình trạng kéo dài quá 4 tuần, không giảm hoặc đau đầu mức độ nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ cần cho con đi khám.
- Tâm lý: Trẻ thay đổi tính cách, có biểu hiện trầm cảm, lo âu.
- Biểu hiện của đái tháo đường: Tiểu nhiều, khát nhiều, uống nhiều, đói nhiều và sụt cân, mệt mỏi.
- Hội chứng viêm đa cơ quan: Trong vòng 2 tháng nếu trẻ khởi phát một đợt sốt quá 3 ngày không giảm kèm theo một loạt các triệu chứng ở các cơ quan khác như: Đỏ mắt, phát ban, môi - lưỡi đỏ, đau bụng - ói - tiêu chảy, ho - sổ mũi… thì cần nghĩ đến hội chứng này để cho con khám ngay lập tức, theo Sức khỏe & Đời sống.
Linh Chi(T/h)