Báo Thanh Niên dẫn lời thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trọng Tín (Phòng khám Nhi khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) cho hay, trong những năm gần đây, thể chất của người Việt Nam đang ngày càng thay đổi theo chiều hướng tích cực, biểu hiện qua sự gia tăng vượt bậc chiều cao của thanh niên. Tuy vậy, nếp sống xã hội hiện đại cũng như chế độ dinh dưỡng không hợp lý cũng mang lại một số hệ lụy, trong đó có vấn đề dậy thì sớm.
Tác hại của dậy thì sớm ở trẻ em
Bác sĩ Nguyễn Trọng Tín cho hay, tuổi dậy thì là một giai đoạn tăng trưởng và phát triển quan trọng được đặc trưng bởi một quá trình phức tạp được điều chỉnh bởi hệ thống thần kinh nội tiết.
Dậy thì sớm được định nghĩa là thời điểm bắt đầu phát triển dậy thì trước 8 tuổi ở bé gái và 9 tuổi ở bé trai.
Trong dậy thì sớm, phát triển chiều cao là yếu tố bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, khi mà tuổi xương của trẻ trở nên "già" quá sớm, từ đó làm trẻ cao sớm hơn tuổi nhưng lại dừng phát triển sớm hơn các trẻ khác.
"Ngoài ra dậy thì sớm ở trẻ ảnh hưởng rất lớn về mặt thể chất lẫn tinh thần. Sự phát triển về mặt giới tính quá sớm sẽ làm cho trẻ trở nên biệt lập với các bạn cùng lớp, đem lại nhiều hậu quả tâm lý. Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu, trẻ dậy thì sớm sẽ có nguy cơ tăng huyết áp, đái tháo đường loại 2, bệnh tim mạch, tăng nguy cơ ung thư vú khi trưởng thành", bác sĩ Tín chia sẻ.
Nguyên nhân dậy thì sớm
Dậy thì sớm bao gồm 2 loại là dậy thì sớm ngoại biên và dậy thì sớm trung ương.
Một số nguyên nhân có thể gây dậy thì sớm ngoại vi ở bé gái gồm (dẫn nguồn thông tin trên website Bệnh viện Tâm Anh):
U nang buồng trứng, u buồng trứng
Hội chứng di truyền McCune-Albright
U tuyến thượng thận hoặc u tuyến yên
Tiếp xúc sớm với các sản phẩm chứa nhiều testosterone hoặc estrogen
Dậy thì sớm trung ương hiện nay vẫn còn được nghiên cứu các tác nhân ảnh hưởng, trong đó dinh dưỡng là một yếu tố rất quan trọng mà hiện nay nhiều nghiên cứu đã tìm ra được.
Theo VnExpress, nhiều cuộc nghiên cứu và kết luận căng thẳng cũng là yếu tố khiến bé gái dậy thì sớm hơn.
Dựa trên một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Child Development, mối quan hệ căng thẳng trong gia đình sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành sớm ở bé gái.
Trong đó, những thai phụ thường xuyên căng thẳng khi mang thai cũng mang đến nguy cơ dậy thì sớm cho trẻ gái.
Yếu tố dinh dưỡng ảnh hưởng đến dậy thì sớm như thế nào?
Theo bác sĩ Tín, cho trẻ bú sữa mẹ vào những tháng đầu đời, ít nhất là từ 6-12 tháng tuổi, đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ dậy thì sớm ở bé gái.
Còn đối với trẻ ở nhóm tuổi từ 2-12 tuổi, nguy cơ có thể đến từ việc mất cân bằng năng lượng, gây ra béo phì. Đây cũng chính là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến đến hậu quả dậy thì sớm.
Ngoài ra, cần cho trẻ có các chế độ ăn cân bằng để có đủ các chất nguyên tố vi lượng từ thịt cá nhưng không quá dư thừa để tránh vấn đề dậy thì sớm ở trẻ.
Đối với nhóm thức ăn đường bột, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tiêu thụ thường xuyên hơn các loại nước ngọt có đường và nước ngọt nhân tạo được dự đoán là sẽ làm dậy thì sớm.
Nguyễn Linh(T/h)