+Aa-
    Zalo

    Tranh luận "nảy lửa" việc giữ, bỏ tên quê "Bà chúa thơ Nôm"

    (ĐS&PL) - Người dân xã Quỳnh Đôi không đồng tình ghép tên xã thành Đôi Hậu sau khi sáp nhập với xã Quỳnh Hậu. Người dân Quỳnh Hậu thì muốn tên mới phải gợi nhớ tên xã cũ.

    Nhiều ý kiến trái chiều

    Theo báo VnExpress, trong văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An xin ý kiến điều chỉnh tên gọi của 7 đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập, huyện Quỳnh Lưu đề xuất ghép tên hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu thành tên xã mới Đôi Hậu.

    Sau khi đưa ra phương án trên, huyện nhận được nhiều phản hồi không đồng tình của người dân. "Một nửa muốn giữ lại tên gọi Quỳnh Đôi, số còn lại cho rằng tên gọi mới Đôi Hậu nghe kỳ kỳ", Phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Xuân Dinh nói. Trên các diễn đàn, người dân cũng tranh luận về tên gọi mới này.

    Cổng làng ở xã Quỳnh Đôi. Ảnh: VnExpress

    Cổng làng ở xã Quỳnh Đôi. Ảnh: VnExpress

    Theo ông Dinh, ban đầu huyện đưa phương án giữ lại tên của một trong hai xã sáp nhập nhằm giảm áp lực cho người dân trong việc thay đổi thông tin trên giấy tờ cá nhân. Tuy nhiên, người xã nào cũng muốn giữ tên gọi xã mình. Quỳnh Đôi là vùng đất nổi tiếng khoa bảng, nhiều người thành đạt và là quê nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Huyện đã chọn phương án giữ tên này, nhưng phía Quỳnh Hậu phản đối, cho rằng xã mình diện tích lớn, đông dân hơn, không thể lép vế nên đề nghị "phải giữ chữ Hậu, đứng trước hay sau thì tùy huyện sắp xếp".

    "Tranh cãi nổ ra rất căng thẳng, chúng tôi cũng rất đau đầu. Ban đầu để phương án Hậu Đôi nhưng sau chuyển thành Đôi Hậu. Khi ban hành dự thảo, phía Quỳnh Hậu không phản ứng nhiều với tên xã mới, song người dân Quỳnh Đôi ở khắp mọi miền không muốn ghép tên, muốn giữ tên cũ", ông Dinh nói.

    Lãnh đạo xã Quỳnh Đôi lập luận nếu giữ tên Quỳnh Đôi sau sáp nhập thì người dân Quỳnh Hậu cũng có lợi. Bởi khi nhắc đến quê hương nữ sĩ Hồ Xuân Hương, không chỉ người dân trong tỉnh mà khắp cả nước cũng biết đến.

    "Quỳnh Đôi là tên làng, cũng chính là tên xã. Địa danh này đã có trên 600 năm, có bề dày văn hóa, nếu không còn nữa thì nhiều người cũng trăn trở. Xã sẽ kiên trì giữ lại tên sau sáp nhập", lãnh đạo xã Quỳnh Đôi nói.

    Trong khi đó, ông Trần Đức Hữu, Chủ tịch xã Quỳnh Hậu, cho hay người dân xã mình không đồng tình phương án ban đầu của huyện chọn tên xã mới Quỳnh Đôi vì như thế là thiếu công bằng. Quỳnh Hậu cũng có truyền thống lịch sử "không thua xã bạn, nếu không thể giữ thì tên mới cũng phải gợi nhớ đến xã cũ".

    "Tuy nhiên, ghép tên hai xã thành Đôi Hậu nếu suy luận sâu xa thì cũng không đẹp, tối nghĩa. Sắp tới lãnh đạo hai xã sẽ họp bàn, lấy ý kiến người dân để tìm một tên ý nghĩa, phù hợp lịch sử văn hóa rồi đưa ra bỏ phiếu", ông Hữu nói.

    Quan trọng là hài hòa lịch sử, truyền thống 

    Báo Tuổi trẻ dẫn lời PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay, việc đặt tên mới cho một đơn vị hành chính khi sáp nhập không chỉ đơn thuần là công việc của chính quyền mà cần thể hiện truyền thống lịch sử địa phương, những dấu ấn gắn với người dân. Đồng thời thể hiện niềm tự hào đã được bao thế hệ người dân địa phương vun đắp, xây dựng và có cả những mơ ước của họ gắn với những địa danh đó.

    Vì vậy, khi đặt tên mới cho một đơn vị hành chính rất cần cân nhắc đến lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân địa phương, tránh những hệ lụy không đáng có về sau. Đều quan trọng nhất, theo ông Sơn, là tên mới có nhận được sự đồng thuận của người dân không, có phù hợp về lịch sử, văn hóa... và có gây hiểu lầm, rắc rối về giấy tờ cho người dân không.

    Còn PGS.TS Bùi Xuân Đính - người từng công tác tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có nhiều thời gian gắn với nghiên cứu làng xã - cũng bày tỏ băn khoăn, tiếc nuối khi nhiều tên gọi xã, phường đã đi vào lịch sử, thơ ca nhưng "biến mất" sau khi các địa phương công bố đề án sáp nhập.

    Ông nhắc đến những cái tên như thị trấn Diên Khánh (Khánh Hòa) dự kiến sau khi sáp nhập sẽ đổi tên thành phường Phú Thành. Hay phường Cầu Dền, Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), xã Tích Giang sáp nhập với xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thành xã mới mang tên Tích Lộc. Xã Quỳnh Đôi nổi tiếng của huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An, Cổ Am ở Hải Phòng... có thể bị mất tên.

    Vì vậy việc đặt tên mới cần làm rất thận trọng, bài bản, không nóng vội, không chủ quan duy ý chí, áp đặt. Trong đó, đặc biệt phải đảm bảo những yếu tố lịch sử, văn hóa cũng như coi trọng việc lấy ý kiến nhân dân, nhất là những người am hiểu, để thể hiện rõ được tâm tư nguyện vọng của cộng đồng cư dân làng xã, để giữ lại những địa danh gắn bó với lịch sử phát triển hàng nghìn năm của làng xã.

    V.A(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tranh-luan-nay-lua-viec-giu-bo-ten-que-ba-chua-tho-nom-a413303.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan