+Aa-
    Zalo

    Tranh chấp quyền lợi giữa tài xế với Grab, Go- Việt: Hãng xe nắm “quyền sinh quyền sát”, người lao động “thiệt đơn, thiệt kép”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo các chuyên gia, với mối quan hệ lao động kiểu mới, tài xế của các hãng xe ôm công nghệ có vị trí yếu thế để đàm phán quyền lợi của chính mình.

    Theo các chuyên gia, với mối quan hệ lao động kiểu mới, tài xế của các hãng xe ôm công nghệ có vị trí yếu thế để đàm phán quyền lợi của chính mình. Trong các vụ việc đình công, phản đối của tài xế Grab, Go – Việt, các hãng xe công nghệ vẫn “ngó lơ”, thậm chí né tránh với cơ quan chức năng.

    Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tài xế của các hãng xe ôm công nghệ ở vị trí yếu thế khi đàm phán đòi quyền lợi của mình. Ảnh minh họa

    Lao động tự do nhưng khắc nghiệt như người làm công

    Mới đây, hãng Grab áp dụng chính sách thu thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) 60.000 đồng/ngày thông qua ví tài khoản, bất kể tài xế có chạy xe hay không. Tỷ lệ phần trăm để tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) trên doanh thu từ cước phí vận tải được chia sẻ là 3%, với thuế TNCN là 1,5%. Đối với các khoản tiền thưởng theo doanh thu, cá nhân nộp thuế TNCN theo tỷ lệ 1% trên tiền thưởng.

    Theo thông báo này, hãng sẽ không truy thu thuế các đối tác có khả năng cao/cận mức doanh thu 100 triệu đồng trong năm 2019. Tuy nhiên, vẫn giữ nguyên chính sách thu thuế với những tài xế đã đạt doanh thu trên 100 triệu đồng tính từ đầu năm, theo hướng dẫn của cơ quan thuế. Chỉ sau 1 ngày áp dụng triển khai chính sách mới, Grab liên tục nhận được phản ứng tiêu cực từ đối tác.

    Mặc dù, hãng đã tiến hành đối thoại và điều chỉnh tạm ngưng chính sách này tuy nhiên vẫn không xoa dịu được sự bất bình từ các tài xế. Hàng trăm tài xế đã về trụ sở công ty Grab Việt Nam trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM từ ngày 28/8 để bày tỏ bức xúc. Nhiều người đặt nghi vấn việc thu hộ không đảm bảo tính minh bạch và Grab đang cố tình thu thuế mà không khấu trừ tiền thiệt hại xăng xe.

    Trong 6 tháng qua, các tài xế cũng nhiều lần phản đối chính sách tăng mức chiết khấu của hãng Grab. Khi mức chiết khấu lên đến 23,6%, những cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra. Một số ý kiến cho rằng, Grab đang giữ “quyền sinh quyền sát” trong cuộc chơi với đối tác tài xế và đặt vấn đề về mối quan hệ lao động mới trong thời kỳ 4.0. Đó là quan hệ theo hình thức đối tác, không ràng buộc, tài xế GrabBike gần như phải tự lo về quyền lợi của chính mình, nhưng mọi quyết định về mức chiết khấu đang ngày càng phụ thuộc vào hãng.

    Không chỉ có Grab, hãng Go - Việt cũng đang bắt đầu gặp phải sự phản ứng ngày càng nhiều của các tài xế. Cuối tháng Bảy vừa qua, Go – Việt phải một phen khốn đốn vì hàng trăm tài xế tắt app để đình công và tập trung phản đối tại các trụ sở công ty của hãng là ngã tư Trương Định – Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 và đường Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM. Thậm chí, khi đoàn công tác của UBND quận 3 có mặt yêu cầu làm việc thì lãnh đạo Go – Việt vẫn né tránh.

    Một số nghiên cứu của tổ chức bảo vệ người lao động cho thấy, tài xế xe công nghệ làm việc trong điều kiện bất lợi, trung bình từ 10-12 giờ/ngày mà không hưởng tiền làm thêm hay nghỉ có hưởng lương. Không chỉ vậy, tài xế xe công nghệ ít nhận hỗ trợ, bảo hộ lao động khi xảy ra tai nạn. Đồng thời, họ không được tham gia và hưởng chế độ an sinh xã hội bắt buộc. Ngược lại, chế độ của các hãng xe công nghệ đối với tài xế rất khắc nghiệt. Doanh nghiệp thường áp dụng hình phạt ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính đối với tài xế, ví dụ như khóa phần mềm.

    Mặc dù vậy, đa số tài xế chấp nhận điều kiện do hãng đặt ra. Người lao động không quan tâm đến điều khoản trong hợp đồng, pháp luật lao động. Khi có tranh chấp, tài xế hiếm khi để ý đến công cụ pháp lý cũng như sự can thiệp từ bên thứ ba (công đoàn, cơ quan hòa giải...).

    Đàm phán như “lấy trứng chọi đá”

    Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật, liên đoàn Lao động TP.HCM trình bày: “Công ty Grab đã thành lập công đoàn cơ sở và đang chịu sự quản lý của liên đoàn Lao động quận 10. Tuy nhiên, việc quản lý này chỉ áp dụng cho các nhân viên làm việc tại văn phòng khi họ đã ký hợp đồng lao động cụ thể với Grab. Còn đối với các tài xế, Grab xem họ là đối tác nên hợp đồng được ký kết chỉ là hợp tác chứ không phải hợp đồng sử dụng lao động. Trên lý thuyết, lực lượng tài xế xe công nghệ như Grab là lao động tự do, không bền vững nên rất khó để quản lý. Điều này cũng tương tự với hãng Go – Việt”.

    Chính vì luật pháp chưa định nghĩa một cách chính xác nên việc xử lý các vấn đề liên quan đến người lao động gặp nhiều khó khăn. Chuyên gia Nguyễn Khắc Giang, viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, không chỉ ở Việt Nam mà quan hệ lao động của Grab tại các nước trên thế giới đang không rõ ràng. Vấn đề này đã được nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi lao động người ngoài lên tiếng.

    “Theo lẽ bình thường, người lao động làm cho một doanh nghiệp sẽ được ký kết và đảm bảo quyền lợi thông qua một hợp đồng lao động quy định các khoản tiền như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... Tuy nhiên, những người làm việc cho Grab, Go – Việt giống như một nhà thầu độc lập, cung cấp dịch vụ theo hướng là nhà thầu, là một đối tác chứ không phải là nhân viên lao động của các hãng xe này”, ông Giang đánh giá.

    Vị chuyên gia còn phân tích, về mặt pháp lý, các doanh nghiệp cung cấp phần mềm điện tử đều cho rằng, họ không thuê người, không phải là ông chủ của lái xe mà chỉ cung cấp dịch vụ phần mềm, doanh thu chia theo hợp đồng đối tác với tài xế. Do đó, người lao động sẽ phải lo mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình, đồng thời chịu rủi ro. Ví như một tài xế của một hàng taxi truyền thống gây tai nạn thì bên công ty sẽ phải chịu trách nhiệm một phần bồi thường cho xe hoặc một phần trách nhiệm dân sự nào đó với một bên thứ ba. Còn nếu có tai nạn, tài xế Grab phải hoàn toàn chịu trách nhiệm mà không có hỗ trợ từ các đơn vị.

    Từ đó, chuyên gia Nguyễn Khắc Giang nhận xét: “Trong tất cả các mối quan hệ, khi mặc cả về giá thì vị thế rất quan trọng. Trong trường hợp này, tiếng nói, sức mạnh trong quyền đàm phán của những người tài xế không đủ lớn, do đó họ khó có thể có vị thế được mức chiết khấu hợp lý, công bằng với các hãng xe như Grab, Go – Việt”.

    Phải nhanh chóng điều chỉnh pháp luật

    Nhìn nhận về thực tế này, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ LĐ,TB&XH) thừa nhận, Bộ luật Lao động hiện hành có “khoảng trống” trong việc điều chỉnh các mô hình quan hệ lao động mới, kiểu như Grab, Go – Việt. Theo ông Bốn, việc nhận diện của các quan hệ lao động mới, đơn cử như giữa Grab và lái xe là không dễ bởi nhóm quan hệ này chưa đảm bảo đầy đủ các yếu tố được nêu trong quan hệ lao động, vốn được quy định trong Luật.

    “Việc phát sinh quan hệ giữa lái xe và Grab chỉ là một trong số nhiều loại hình quan hệ thuộc nhóm lao động, mới phát sinh trong thời gian qua. Do khó xác định được quan hệ giữa chủ Grab và lái xe là đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động hiện hành, các cơ quan chức năng chưa thể có căn cứ áp dụng quy định tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho những lái xe”, ông Bốn cho biết.

    Chính vì thế, một trong các hướng điều chỉnh của Bộ luật Lao động là mở rộng khả năng nhận diện đối tượng. Theo đó, Luật sẽ được quy định cụ thể hơn thế nào là tiêu chí người sử dụng lao động, người lao động, các nội dung của hợp đồng lao động...; Ưu tiên xây dựng định nghĩa cụ thể và rõ ràng hơn về hợp đồng lao động. Qua đó nhằm điều chỉnh các hình thức biến tướng của quan hệ lao động, khó nhận diện với những dạng hợp đồng giao khoán của Grab, Go – Việt như hiện nay.

    “Nếu các quan hệ dù thể hiện ở bất cứ dạng hợp đồng nào nhưng hội tụ đủ các yếu tố của hợp đồng lao động, có sự ký kết giữa các bên, có cam kết thực hiện công việc cụ thể, có trả lương, có sự giám sát và quản lý... thì đều được coi là hợp đồng lao động, phải tuân theo quy định của pháp luật lao động. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người lao động mà còn bảo vệ người sử dụng lao động. Khi quan hệ đã được Luật xác định và điều chỉnh, quyền lợi của người sử dụng lao động cũng được bảo vệ khi bị xâm phạm...”, đại diện vụ Pháp chế nhận định.

    Thành lập nghiệp đoàn “Trước mắt, chúng tôi đang nghiên cứu chính sách để vận động các tài xế xe công nghệ như Grab, Go – Việt tự nguyện tham gia thành lập nghiệp đoàn. Từ đó, các tổ chức bảo vệ người lao động sẽ có cách để quan tâm, hỗ trợ đời sống an sinh cho họ”, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật, liên đoàn Lao động TP.HCM cho hay.

    Hà Nhân 

    Bài đăng trên báo giấy Đời sống& Pháp luật số 144

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tranh-chap-quyen-loi-giua-tai-xe-voi-grab-go--viet-hang-xe-nam-quyen-sinh-quyen-sat-nguoi-lao-dong-thiet-don-thiet-kep-a292874.html
    Cục thuế TP.HCM Thanh tra Grab

    Cục thuế TP.HCM Thanh tra Grab

    Cục thuế TP HCM đã ra quyết định thanh tra thuế tại Công ty TNHH Grab, sau khi hàng loạt tài xế Grab nộp đơn lên Cục thuế TP.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Cục thuế TP.HCM Thanh tra Grab

    Cục thuế TP.HCM Thanh tra Grab

    Cục thuế TP HCM đã ra quyết định thanh tra thuế tại Công ty TNHH Grab, sau khi hàng loạt tài xế Grab nộp đơn lên Cục thuế TP.