+Aa-
    Zalo

    Tranh cãi trong thưởng thức Bolero: Sành điệu hay chỉ là "ăn mày dĩ vãng"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Liệu Bolero là tên của một dòng nhạc hay chỉ là một giai điệu ngoại nhập. Thưởng thức những ca khúc này là sành điệu hay chỉ là sự “ăn mày dĩ vãng”?

    (ĐSPL) - Thời gian gần đây dòng nhạc Bolero đang đặc biệt thu hút giới trẻ. Chính sự thu hút đang khiến dư luận phải giật mình bởi sự tranh cãi về sức “hủy hoại” của dòng nhạc này đối với bộ mặt âm nhạc Việt chưa bao giờ có hồi kết. Liệu Bolero là tên của một dòng nhạc hay chỉ là một giai điệu ngoại nhập. Thưởng thức những ca khúc này là sành điệu hay chỉ là sự “ăn mày dĩ vãng”?

    Sau mùa khởi động đầu tiên, các chương trình hát nhạc cổ đã giành được sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Mới đây, sau thành công của mùa thứ nhất, cuộc thi Solo cùng Bolero 2016 đã chính thức khép lại vòng sơ tuyển ở khu vực TP. Hồ Chí Minh với 24 thí sinh xuất sắc “chọi” 24.000 người để vào vòng bán kết. Cuộc thi cũng đã thu hút được mọi tầng lớp người dân. Theo thống kê của ban tổ chức, thành viên tham gia cuộc thi nhỏ tuổi nhất là 8 tuổi và lớn tuổi nhất là 80 tuổi. Có thể thấy sức hút của những chương trình này ngày càng lớn.

    Thiệt thòi sẽ thuộc về người thưởng thức khi dòng nhạc này nở rộ.

    Với sức hút của những bài hát kinh điển của dòng nhạc “sến”, phải thừa nhận dòng nhạc này có sức sống vô cùng mãnh liệt trong quần chúng. Trải qua thời gian phát triển nhiều thăng trầm, dù rock, rap hay pop thay nhau lên ngôi, thịnh hành rồi suy tàn, Bolero vẫn âm thầm tồn tại trong lòng công chúng, nhất là trong nhiều thế hệ công chúng miền Nam. Đặc biệt là những bài hát về quê hương, về cha mẹ và những chuyện tình trắc trở song lãng mạn. Dòng nhạc này cũng gắn liền với những tên tuổi kinh điển như Chế Linh, Trường Vũ, Hương Lan, Giang Tử..., cùng với chất “sến” vốn có của giai điệu bolero đã khiến sức sống của dòng âm nhạc này âm thầm tồn tại dù gặp nhiều trắc trở.

    Khi dòng nhạc này bùng nổ các show diễn và thu hút dư luận cũng là lúc tranh cãi nổ ra. Liệu Bolero có phải là dòng nhạc? Nghe dòng nhạc này là sành điệu hay chỉ là “ăn mày dĩ vãng”? Một thời các bài hát mang âm hưởng, giai điệu của Bolero bị coi là nhạc “sến” với những lời ca bi lụy và không phù hợp nên đã từng bị cấm. Cùng với thời gian, sức sống của dòng nhạc này vẫn âm thầm trong đời sống và gắn bó với những tuyệt phẩm như Cô hàng xóm, Chuyến tàu hoàng hôn, Sầu tím thiệp hồng...

    Chính vì thế khi dòng nhạc này sốt trở lại, cuộc tranh cãi về Bolero đã liên tục nổ ra. Thậm chí đã có nhiều ý kiến cho rằng các nhà sản xuất đang cố tình đánh lạc hướng bằng những bài hát kinh điển, khơi lại những những ký ức của dòng nhạc này. Không chỉ vậy, lợi dụng sức sống của những bài hát kinh điển, các nhà sản xuất đã tự “phong” cho các chương trình thi hát Bolero là đẳng cấp văn hoá hay sự sành điệu trong thưởng thức nghệ thuật bằng những cách báo động.

    Chia sẻ với PV nhạc sỹ Minh Châu (trưởng ban lý luận hội Nhạc sỹ Việt Nam): “Thứ nhất, tôi muốn nói là Bolero không phải là một dòng nhạc Việt Nam, nó chỉ là một tiết tấu nhạc, nhạc mới chịu ảnh hưởng của phương Tây. Borelo hay còn gọi là nhạc “sến”, nó sử dụng những tiết điệu phù hợp với phong cách âm nhạc Việt nhưng nội dung vẫn là chủ đề não nuột, dòng nhạc quê hương cũng ra từ đó”.

    Nhưng đó là ở miền Nam, còn miền Bắc tiết tấu nhạc này bị cấm vì nhiều lý do. Thế nhưng sau này, chúng ta lại khôi phục nó vì một số bài hát này mang tính chất tình cảm, ca ngợi quê hương. Thời gian gần đây, sự đề cao thái quá về dòng nhạc này đang khiến cho nhiều khán giả không có kiến thức tưởng đây là một dòng nhạc chính thống của Việt Nam.

    Còn một thành viên của hội đồng nghệ thuật, hội nhạc sỹ Việt Nam thì: Khi du nhập vào Việt Nam, Bolero hợp với tâm trạng của những người tha hương, buồn buồn tạo thành dòng nhạc này. Vị này cũng cho rằng, dòng nhạc này nở rộ như hiện nay về phần âm nhạc Việt sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Bởi những ai trong nghề, có kiến thức về âm nhạc, đều hiểu đó là âm nhạc như thế nào, nhưng thiệt thòi sẽ thuộc về người thưởng thức âm nhạc. Người dân Việt sẽ bị hạn chế thưởng thức các ca khúc đỉnh cao, thay vào đó là những ca khúc ủy mị, chậm, buồn không nhiều đặc sắc.

    Nhạc sỹ Thụy Kha: Bolero không đáng bị chỉ trích

    Trao đổi với PV, nhà phê bình âm nhạc Thụy Kha cho rằng: “Hiện nay rất nhiều các ca khúc sáng tác, thuộc dòng nhạc nhẹ, nhạc quê hương, nó cũng được xếp trong dòng Bolero, nhưng chẳng qua chúng ta “lờ” nó đi. Dù dòng nhạc Bolero có là nhạc “sến” nhưng nó cũng là một thứ tình cảm, chúng ta cần trân trọng nó, đừng bài xích, lên án. Bản thân các nhạc sỹ Việt Nam đã khéo kết hợp nhạc Bolero với các làn điệu dân ca truyền thống, tạo nên những giai điệu mượt mà, dễ đi vào lòng người. Có thể nói, Bolero giống như một sự cách tân nhạc cổ, dòng nhạc này sẽ không chết đi, bởi sự phát triển nở rộ lại của dòng nhạc này sẽ làm phong phú thêm cho thị trường âm nhạc Việt Nam”.

    TRẦN PHƯƠNG - PHƯƠNG ANH

    Xem thêm video Giải trí:

    [mecloud]PJXvdQugyA[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tranh-cai-trong-thuong-thuc-bolero-sanh-dieu-hay-chi-la-an-may-di-vang-a145801.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan