Theo đó, có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc 'đề xuất bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình trong khi hỏi cung bị can'.
Các quan điểm được nêu ra trong Phiên họp toàn thể thẩm tra Dự thảo BLTTHS (sửa đổi). |
Phát biểu ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chung - GĐ Công an TP Hà Nội cho biết: "Việc để xảy ra một số vụ oan sai vừa qua là do thiếu tinh thần trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên, không thể lấy một số đó để quyết định chính sách mà chưa có tổng kết, nhất là khi việc này sẽ tốn nhiều tiền của Nhà nước”.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, hiện các nhà tạm giam, tạm giữ đều có lắp camera theo dõi. Dù không yêu cầu nhưng điều tra viên vẫn ghi âm và ghi hình, đặc biệt là những vụ án phạm tội có tổ chức hoặc có dấu hiệu thay đổi, phản cung liên tục. "Thậm chí các điều tra viên đều ghi vào biên bản hỏi cung là hôm nay có ghi âm, ghi hình. Sau khi ghi âm xong còn cho bị can nghe, hỏi lại có đúng không. Các tài liệu này được niêm phong lại để sau này công khai nếu cần thiết", ông Chung nói.
Trong khi đó, ông Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng đây là một xu hướng hiện đại, tiến bộ, cần triển khai. Nhưng nếu đã quy định thì nên kết hợp cả ghi âm và ghi hình. Tuy nhiên, ông quan ngại, trước mắt khó có thể làm được đồng bộ vì đầu tư phương tiện kỹ thuật cho hàng trăm cơ sở tạm giam, tạm giữ là rất khó khăn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TAND Tối cao kiến nghị nên trang bị cho tất cả các cơ quan tố tụng có thiết bị ghi âm ghi hình để đảm bảo sự minh bạch.