(ĐSPL) - Hơn hai thập kỷ sau chiến tranh Lạnh, Mỹ tuyên bố phá vỡ một “đường dây” điệp viên Nga hoạt ngay trong lòng nước Mỹ dưới một bức màn bí mật. Ba công dân Nga bị tòa án Mỹ buộc tội liên quan đến mạng lưới gián điệp theo kiểu chiến tranh Lạnh, động thái mở ra “cuộc chiến điệp viên” mới giữa hai ông lớn này. Và Nga cũng ra tuyên bố đây được coi là hành động “khiêu khích” của phía Mỹ nhằm vào nước Nga.
FBI: Điệp viên Nga truyền tin bằng vé xem phim
Truyền thông thế giới ngày 28/1 phân tích về bản án của Mỹ đối với điệp viên Nga, bị cáo buộc là đánh cắp thông tin kinh tế, trong đó có thông tin về thị trường Mỹ và các lệnh trừng phạt nhằm vào ngân hàng Nga. Tòa án ở New York (Mỹ) ngày 26/1 (giờ địa phương, 27/1 giờ Hà Nội), đã kết tội 3 công dân Nga làm gián điệp.
FBI cho biết, nhiều tháng qua, họ đã xâu chuỗi các nhân vật để điều tra một “đường dây” gián điệp. Họ bắt đầu thu thập sự liên hệ giữa nhóm 3 nghi phạm kể trên vào khoảng tháng 3/2012. Trong khoảng thời gian này, FBI quan sát thấy trong hàng chục cuộc gặp nhanh chóng ở bên ngoài, Evgeny Buryakov đã trao túi, tạp chí, giấy tờ cho Igor Sporyshev. Tổ điệp báo này nhắm đến thông tin như các biện pháp cấm vận của Mỹ đối với các ngân hàng Nga, hoạt động phát triển các nguồn năng lượng tái tạo của Mỹ.
FBI đã bắt giữ điệp viên Evgeny Buryakov 39 tuổi (bí danh Zhenya) sáng 26/1. Buryakov bị bắt tại Bronx, nơi ông sống với người vợ Nga và hai con. Trợ lý chưởng lý Mỹ Adam Phis nhận định, Buryakov là một điệp viên chuyên nghiệp, có kinh nghiệm. Buryakov, 39 tuổi, đến Mỹ vào năm 2010 theo thị thực việc làm. Luật sư của ông, Sabrina Shroff, không thể đòi điều kiện tại ngoại cho thân chủ sau khi một thẩm phán cho rằng, ông Buryakov có “nguy cơ” bỏ trốn rất cao.
Điệp viên Evgeny Buryakov bị Mỹ cáo buộc đã đánh cắp thông tin kinh tế. |
Bộ Tư pháp Mỹ ra thông cáo cho biết, Evgeny Buryakov khoác vỏ bọc nhân viên ngân hàng Nga và cùng hoạt động với hai đồng phạm Igor Sporyshev 27 tuổi và Victor Podobnyy 40 tuổi.
Theo đơn khiếu nại, Buryakov làm việc dưới tư cách điệp viên cho SVR. Ông Buryakov đã là công dân Mỹ, làm việc cho ngân hàng Nga ở New York. Trong khi đó Sporyshev và Podobny đứng trước cáo buộc “sử dụng phương pháp bí mật và tin nhắn được mã hóa”.
FBI theo dõi và phát hiện Buryakov gặp Sporyshev tới 48 lần, trong đó có những lần Buryakov gửi tài liệu cho Sporyshev. Trong các cuộc điện thoại (bị nghe lén) trong đó hai bên dàn xếp cuộc gặp, hai người Nga này nói tới việc chia sẻ vé đi xem phim và các sự kiện thể thao hay nhu cầu gửi các thứ đồ như sách và mũ.
Nga lên án coi là hành động “khiêu khích”
Theo bản luận tội tại phiên tòa cấp liên bang ở Manhattan, giới chức Nga đã chỉ đạo các bị cáo tiến hành thu thập tin tức tình báo kinh tế nhạy cảm về khả năng Mỹ sẽ trừng phạt các ngân hàng Nga cũng như các nỗ lực của Mỹ phát triển các nguồn năng lượng thay thế.
Igor Sporyshev là đại diện thương mại của Nga tại New York từ tháng 11/2010 đến tháng 11/2014. Victor Podobnyy giữ chức tùy viên phái bộ thường trực của Nga tại LHQ từ tháng 12/2012 đến tháng 7/2013. Hai người này được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao nên đã rời khỏi Mỹ.
Ba người đã bị truy tố về hai tội danh. Igor Sporyshev và Victor Podobnyy đã tham gia vào âm mưu để Evgeny Buryakov làm gián điệp cho Chính phủ nước ngoài ở Mỹ mà không thông báo cho bộ Tư pháp. Với việc bị quy kết vào tội danh, họ có thể bị tuyên phạt đến 5 năm tù giam. Tội thứ hai, Evgeny Buryakov làm gián điệp cho Chính phủ nước ngoài ở Mỹ mà không thông báo cho bộ Tư pháp với sự giúp sức của Igor Sporyshev và Victor Podobnyy thì họ phải chịu mức án đến 10 năm tù.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, ba công dân Nga nêu trên làm việc cho cục Tình báo nước ngoài của Nga SVR. Trong khi đó NBC News dẫn cáo buộc cho biết, cả 3 người kể trên đều có dấu hiệu “nỗ lực tuyển dụng người Mỹ gốc Nga vào làm việc”.
Cơ quan Tình báo nước ngoài Nga SVR ngày 28/1 từ chối đưa ra bình luận về các cáo buộc đối với Sporyshev và Podobny. “Chúng tôi không bình luận gì cả”, hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Sergei Ivanov, người phát ngôn SVR, nói.
Các vụ bắt giữ, xét xử mới nhất có thể tạo thêm căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ, vốn đã ở mức thấp nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh Lạnh, The Guardian nhận xét. Quan hệ Nga- Mỹ xấu đi nghiêm trọng thời gian qua liên quan tới các cuộc khủng hoảng tại Ukraine và Syria, cũng như các vấn đề về nhân quyền và việc Nga chấp nhận đơn xin tị nạn cho cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden dù các công tố viên chỉ nói rằng, “FBI cảnh giác với hoạt động tình báo bất hợp pháp từ các nước khác”, song người Nga luôn là đối tượng theo dõi đặc biệt.
Vụ việc lần này, chắc chắn sẽ mở ra cuộc đối đầu về vấn đề gián điệp muôn thuở giữa hai “kỳ phùng địch thủ” chiến tranh Lạnh này như vụ việc của năm 2010. Năm đó, Mỹ bắt giữ 10 điệp viên bí mật của Nga, hầu hết trong số này đều sử dụng tên giả. Tất cả 10 người đều nhận tội làm gián điệp nước ngoài bất hợp pháp và không đăng ký hoạt động như những đặc vụ nước ngoài.
Moscow ngày 28/1 lên án việc Washington bắt một người với cáo buộc là điệp viên Nga, gọi đây là động thái “khiêu khích”, làm tổn hại thêm mối quan hệ song phương vốn đang trong tình trạng căng thẳng.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết: “Quan hệ Nga-Mỹ từ lâu đang trải qua một giai đoạn không đơn giản, xuất phát từ chính sách thù địch của chính quyền Mỹ. Rõ ràng với vụ việc gián điệp này, Mỹ một lần nữa lại phát động chiến dịch chống Nga”.
Ông Lukashevich cảnh báo rằng, phía Mỹ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm do những hành động của mình trong việc làm rạn nứt sâu hơn quan hệ song phương, làm gián đoạn quan hệ hợp tác giữa hai nước trong tương lai. Nga yêu cầu các cơ quan an ninh Mỹ chấm dứt các hành động khiêu khích tương tự nhằm vào các đại diện của Nga, đồng thời yêu cầu được tiếp cận với người bị bắt.
Điểm lại các vụ trao đổi gián điệp Nga – Mỹ chấn động Năm 1964, Griville Wynne, một thương gia được MI6 tuyển mộ để liên lạc với Oleg Penkovsky - một sỹ quan quân đội Nga chuyên bán các thông tin quý giá cho Mỹ và Anh - được trả tự do để đổi lấy Konon Molody, một trùm gián điệp Nga hoạt động dưới tên Gordon Londsdale. Vào năm 1985, trong vụ trao đổi gián điệp lớn nhất thời chiến tranh Lạnh, 23 người phương Tây bị phạt tù vì hoạt động gián điệp ở Đông Đức và Ba Lan được trả tự do, đổi lấy 4 điệp viên cộng sản Đông Âu, trong đó có Marian Zacharski, gián điệp nổi tiếng nhất của Ba Lan. Năm 2010, Mỹ cũng đã bắt giữ và trục xuất 10 điệp viên Nga đang hoạt động ở Mỹ. Moscow sau đó đã phải thả 4 người bị kết tội làm gián điệp cho phương Tây để đổi lấy việc Washington trao trả 10 gián điệp trên. |