Theo chuyên gia pháp lý, việc yêu cầu tháo dỡ quảng cáo của Coca-Cola chỉ là quan điểm của người kí văn bản.
Slogan "mở lon Việt Nam" của nhãn hàng Coca Cola đang là vấn đề tranh cãi nhiều mặt vì bộ Văn hóa mới có quyết định yêu cầu nhãn hàng tháo dỡ quảng cáo vì cho rằng cụm từ này không phù hợp thuần phong mỹ tục. Phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật Sư Đăng Văn Cường, đoàn Luật sư TP.Hà Nội về vấn đề này.
Thưa luật sư, mới đây, bộ VH,TT&DL vừa ra công văn chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của Coca Cola khi sử dụng cụm từ "mở lon Việt Nam” vì cho rằng cụm từ này có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Dưới góc độ là một luật sư, anh có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Theo thông tin báo chí đăng bài thì theo bộ VH-TT&DL, hiện nay, nội dung quảng cáo sản phẩm Coca Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện có sử dụng cụm từ "mở lon Việt Nam". Việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam; đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa, vi phạm các quy định tại khoản 3, Điều 8 và khoản 1, Điều 19 Luật Quảng cáo.
Chia sẻ với báo chí vào sáng 29/6, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng cục Văn hóa cơ sở, bộ VH-TT&DL cho rằng, việc ra văn bản chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca Cola là thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục. Theo bà Hương, từ "lon" đứng một mình, không gắn với từ Coca Cola hay bia... có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa. Ví dụ, nếu thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó... thì từ "lon Việt Nam" có rất nhiều vấn đề. Cục trưởng cục Văn hóa cơ sở cũng nói rõ việc gắn chữ “lon” như cách của Coca Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như “ở Việt Nam”, “tại Việt Nam”… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ vì tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo.
Tôi cho rằng đây là cách suy nghĩ mang tính chất cá nhân, thực tiễn cho thấy nhiều từ như “chợ lớn”, “chợ bưởi”... hoặc tên các làng, các bản, tên cây cầu... ở Việt Nam hiện nay rất trần tục, đó là yêu tố văn hóa, lịch sử để lại mà không phải khi nào chúng ta cũng có thể thay đổi được, không dễ để thay đổi. Nếu những từ nguyên gốc đó bị chỉnh sửa, cắt ghép thì đương nhiên là hoàn toàn có thể phản cảm. Còn việc vẽ bậy vào biển quảng cáo, những người trêu đùa, nghịch ngợm, sửa vào biển quảng cáo thì rất nhiều từ nếu bị chỉnh sửa đều có ý đồ thì đều phản cảm, chứ không riêng từ “lon”, còn từ nguyên gốc còn nó thì chưa thấy nội dung gì phản cảm.
Là người am hiểu luật, anh nhận định về vấn đề này như thế nào?
Pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ quy định chung chung là những nội dung quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam thì sẽ không được phép thực hiện, không được sử dụng để làm quảng cáo. Tuy nhiên thế nào là “thiếu thẩm mỹ”, thế nào là không phù hợp với “thuần phong mỹ tục” vẫn là câu chuyện còn nhiều tranh cãi, đôi khi nó phụ thuộc nhiều vào quan điểm cá nhân của con người, đặc biệt là quan điểm của người có quyền quyết định đối với vấn đề đó.
Quảng cáo mới nhất của Coca-Cola với slogan "mở lon Việt Nam" đang gây nhiều tranh cãi. |
Liệu đây có phải là quan điểm cá nhân của bộ VH-TT&DL, thưa luật sư?
Đó chính là quan điểm của người ký văn bản yêu cầu Coca Cola phải thay đổi nội dung của slogan này. Bản thân nội dung “mở lon Việt Nam” không có từ ngữ nào là phản cảm, gây hiểu lầm. Từ này chỉ có thể cho là phản cảm nếu như thêm dấu, thêm mũ hoặc bị chỉnh sửa theo ý đồ của người thích viết bậy, vẽ bậy. Những nội dung quảng cáo thường phải có tính mới, sáng tạo hoặc đặc biệt thì mới gây ấn tượng. Chính vì thế mà Coca Cola đã đưa ra slogan này. Việc chấn chỉnh nội dung này chính là một hoạt động quản lý hành chính nhà nước và doanh nghiệp có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện nếu như không đồng ý với quan điểm này của cơ quan quản lý.
Vậy nếu không đồng ý bên phía Coca Cola có thể khiếu nại?
Đây là vấn đề quản lý hành chính, quản lý trong lĩnh vực văn hóa bởi vậy nếu không đồng ý với yêu cầu của cục Văn hóa cơ sở thì Coca Cola có thể khiếu nại đối với vấn đề này để được xem xét theo quy định pháp luật. Đối với quan điểm cá nhân tôi thì slogan mở lon Việt Nam có vẻ hơi khó hiểu nhưng ấn tượng và dễ gây chú ý với người tiêu dùng. Đây có thể là vào Ý đồ, chiến lược của nhà sản xuất đối với vấn đề quảng cáo sản phẩm. Nếu những slogan, biển hiệu quảng cáo phổ thông, thông dụng, đơn giản thì không để lại ấn tượng, không gây hiệu ứng xã hội, sẽ giảm hiệu quả của quảng cáo. Còn trường hợp nếu các biển quảng cáo này để ngoài trời mà bị vẽ bậy, từ “lon” bị thêm dấu, thêm mũ... bị sửa thành từ phản cảm thì lúc đó mới có căn cứ xác đáng cơ quan quản lý xử lý đối với đơn vị quảng cáo và người có hành vi vẽ bậy.
Còn nếu Coca Cola không khiếu nại cũng không tuân thủ theo công văn thì như thế nào, thưa luật sư?
Văn bản thì đã ban hành rồi, nếu Coca Cola không khiếu nại thì có nghĩa là phải chấp hành và phải sửa slogan này, có thể là thêm từ Coca Cola sau từ “lon” hoặc thêm từ nào đó vào slogan theo ý của cơ quan quản lý.
Tuy nhiên nếu thêm từ vào như vậy, thì slogan không còn ấn tượng nữa thì cũng ít mang lại hiệu quả về quảng cáo như slogan hiện nay.
Văn bản của cơ quan quản lý như vậy là một quyết định hành chính, hành vi hành chính, đây là văn bản cá biệt để áp dụng pháp luật. Nếu doanh nghiệp này không đồng ý với văn bản đó thì hoàn toàn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp cơ quan này không tự thu hồi, sửa đổi văn bản mà văn bản bị tòa án tuyên hủy bỏ thì người ban hành văn bản phải chịu trách nhiệm về việc ban hành văn bản này, nếu gây thiệt hại thì có thể phải bồi thường theo quy định pháp luật.
Cơ quan này có quyền ban hành văn bản về việc quản lý văn hóa, căn cứ vào luật quảng cáo và các văn bản hiện hành. Tuy nhiên nội dung văn bản có đúng hay không đúng thì phải do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Còn vấn đề chỉ là quan điểm về việc ngữ nghĩa của từ có phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục hay không thì đây là câu chuyện gây nhiều tranh cãi, đó là quan điểm của mỗi người. Nếu có tranh chấp, khiếu kiện thì tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Vậy theo quan điểm cá nhân của luật sư, thì anh nghĩ như thế nào?
Quan điểm của cá nhân tôi thì slogan “mở lon Việt Nam” không hề phản cảm, chưa thấy yếu tố nào không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa người Việt Nam. Slogan này là ấn tượng bởi hơi khó hiểu, không đầy đủ ngữ nghĩa như những câu thông thường, tuy nhiên thế mới là quảng cáo !
Thực tiễn cho thấy trong hoạt động quản lý nhà nước nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vì yêu tố cá nhân hoặc do vấn đề nhận thức mà lạm dụng những lệnh cấm, ban hành những quy định cấm cản một cách tùy tiện, theo ý chí chủ quan thiếu căn cứ xác đáng thì sẽ là rào cản trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, gây khó cho cá nhân, doanh nghiệp và gây phiền hà trong các thủ tục hành chính, vấn đề này thì doanh nghiệp, người bị cấm cản có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng có thể xem xét chỉnh chỉnh đối với những văn bản áp dụng pháp luật có sai sót.
Xin cảm ơn luật sư!
Di Hân
Theo Người Đưa Tin