Bộ VHTT&DL cho rằng cụm từ "Mở lon Việt Nam" của Coca-Cola có dấu hiệu quảng cáo thiếu thẩm mỹ, vi phạm thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, một số nhà ngôn ngữ học khẳng định dùng từ "Lon" trong tiếng Việt là "hết sức bình thường".
Trao đổi trên An ninh Thủ đô, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam khẳng định, xưa nay không có ai nghĩ từ "Lon" là tục cả, có thể từ này có nguồn gốc từ nước ngoài, dân gian dùng bình thường. Vì thế, đừng vội vàng kết luận là tục hay vi phạm thuần phong gì cả.
Ông Tình cho biết, trong tiếng Việt, từ "Lon" mang nhiều nghĩa. Thứ nhất, là từ để chỉ thú rừng, cùng họ với cầy móc cua, nhưng nhỏ hơn (con Lon). Nó còn là từ để chỉ vỏ hộp sữa, rượu hoặc nước uống hình trụ bằng kim loại (lon sữa bò, lon bia, lon nước ngọt).
Đặc biệt, nó cũng là từ chỉ cối nhỏ bằng sành (lon giã cua bằng sành, vại nhỏ, chậu nhỏ bằng sành). Cũng với cách gọi thông dụng, từ "Lon" còn có nghĩa phù hiệu, quân hàm- của quân đội một số nước (ví dụ: Đeo lon đại uý, gắn lon).
Một quảng cáo nằm trong chiến dịch của Coca-Cola - Ảnh: TTO |
Nhà văn Đỗ Phấn cũng khẳng định, việc dùng từ "Lon" trong tiếng Việt là hết sức bình thường, nó không hề tục hay vi phạm thuần phong mỹ tục, vì thế người làm văn hoá đừng tưởng tượng theo hướng tiêu cực để rồi đưa ra kết luận gây "ngạc nhiên".
Từ "Lon" được sử dụng nhiều từ Quảng Bình trở vào, phía Bắc thì hay dùng là "ống bơ". Đặc biệt, trước đây còn có lon sành, dùng để giã cua. Người bán hàng đưa ra lời quảng cáo, đương nhiên họ phải sử dụng ngôn ngữ thông dụng nhất. Thế cho nên, đừng vội kết luận khi chưa đọc kỹ từ điển tiếng Việt.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên Tuổi Trẻ, đại diện Coca-Cola Việt Nam cho biết đã sửa câu "Mở lon Việt Nam" theo yêu cầu của cơ quan quản lý, nhưng không thể dùng các từ khác như "chai" hay "hộp" thay cho "lon".
Slogan của chiến dịch quảng cáo này đã được sửa thành "Mở lon trúng vàng". Ở những nơi hiển thị dòng quảng cáo cũ mà không sửa được thì công ty cho gỡ bỏ.
Cũng theo đại diện Coca-Cola Việt Nam, sản phẩm của chương trình khuyến mãi, vốn được tung ra từ tháng 4/2019, là các lon nước ngọt nên bản thân doanh nghiệp không thể dùng từ thay thế nào khác như "chai" hay "hộp"...
"Trong tuần tới chúng tôi sẽ có công văn chính thức gửi đến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để giải thích rõ hơn về việc này", Tuổi Trẻ dẫn lời đại diện Coca-Cola Việt Nam cho biết.
Đại diện Coca-Cola Việt Nam cũng cho biết sẽ có phản hồi chính thức đến truyền thông sớm về câu chuyện này.
Thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ VH-TT&DL - Ảnh chụp màn hình |
Trước đó, chiều 28/6, Cổng thông tin Điện tử của Bộ VH-TT&DL đưa tin, Cục Văn hóa cơ sở vừa có Công văn gửi các Sở VHTT&DL, Sở VHTT các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola.
Theo đó, cụm từ "Mở lon Việt Nam" của Coca-Cola bị cho là có dấu hiệu quảng cáo thiếu thẩm mỹ, vi phạm thuần phong mỹ tục. Theo nội dung công văn, hiện nay nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo có sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam".
Việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.
Để kịp thời xử lý và chấn chỉnh hoạt động quảng cáo nêu trên, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở VHTTDL, Sở VHTT: Kiểm tra, rà soát hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo Coca-Cola đã tiếp nhận và yêu cầu chỉnh sửa cụm từ "Mở lon Việt Nam"; yêu cầu tháo dỡ sản phẩm quảng cáo trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo… đối với quảng cáo trên phương tiện bảng, băng-rôn.
Đối với phương tiện giao thông, màn hình và các phương tiện quảng cáo khác trên địa bàn: Kiểm tra, yêu cầu chỉnh sửa hoặc tháo dỡ sản phẩm quảng cáo có sử dụng cụm từ trên; Tiến hành xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).
Cự Giải (T/h)