(ĐSPL) – Trước khẳng định của lãnh đạo quận Long Biên rằng con đường dát vàng không cong như dân phản ánh, hàng trăm hộ dân tại thôn Lâm Du, phường Bồ Đề ngỏ ý mời lãnh đạo xuống tận nơi để xem đường cong hay thẳng.
Thời gian gần đây, hàng trăm hộ dân thuộc tổ dân phố 14, 15 phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội tỏ ra vô cùng bức xúc về dự án thiết kế đường nối đê tả ngạn sông Hồng với đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn qua thôn Lâm Du, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).
Theo quy hoạch thiết kế, con đường này thay vì chạy thẳng qua khu đất nông nghiệp thì lại bẻ cong, lượn qua khu dân cư một đoạn dài khoảng 200 m.
"Đường cong" này đã khiến hàng trăm nhà dân phải giải tỏa, di dời; số tiền đền bù giải phóng mặt bằng dự kiến đội thêm hàng trăm tỷ đồng và khiến hàng trăm hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng, bức xúc.
Tuy nhiên tại buổi giao ban báo chí Thành ủy chiều 11/11, ông Đỗ Mạnh Hải - Chủ tịch quận Long Biên lại khẳng định tuyến đường này không cong và trước khi lập quy hoạch đã xin ý kiến của người dân.
Chủ tịch UBND quận Long Biên Đỗ Mạnh Hải trả lời báo chí về con đường dát vàng chạy qua thông Lâm Du, phường Bồ Đề trong buổi họp giao ban báo chí ngày 11/11. |
Ông Đỗ Mạnh Hải cũng cho biết thêm, tổng số tiền bồi thường đoạn này chỉ có 53,2 tỷ đồng chứ không phải là 250 tỷ đồng như dư luận nêu.
Tuy nhiên, câu trả lời của chủ tịch quận lại một lần nữa khiến hàng trăm hộ dân thôn Lâm Du bức xúc bởi họ cho rằng ông đã không “nói không đúng sự thật” khi báo cáo với UBND TP và trả lời trước báo chí.
Dân không tin, mời lãnh đạo xuống xem đường cong hay thẳng!
Tại buổi đối thoại giữa UBND quận Long Biên và các hộ dân có liên quan tới dự án đường 40m đi qua địa bàn UBND phường Bồ Đề với sự mặt của các lãnh đạo Trung ương và địa phương, ông Đỗ Văn Bá (Tổ 15) thẳng thắn nêu quan điểm: “Chúng tôi, hàng trăm hộ dân tại thôn Lâm Du không đồng tình với câu trả lời của ông Hải trước báo chí ngày 11/11”.
“Ông Đỗ Mạnh Hải cho biết đã lấy ý kiến của dân trước khi lập quy hoạch. Nhưng thực tế cuộc họp do quận tổ chức là lấy ý kiến và chữ ký 14 chủ tịch phường, như vậy thì không thể nói đại diện cho dân được” – ông Bá nhấn mạnh.
Cũng nêu quan điểm về con đường dát vàng trên, ông Nguyễn Văn Lực (tổ 14) cho rằng, chi phí phát sinh cho đoạn đường dài 200m bị “uốn cong” với mức bồi thường GPMB mà 53 tỷ đồng như ông Chủ tịch quận Long Biên nói cũng không chính xác.
Cụ thể, ông Lực phân tích: “Lấy chiều dài 200m x 40m chiều rộng, đoạn đường đó sẽ phải thu hồi 8.000m2 đất; với giá tiền đền bù 14tr/m2, chưa kể đền bù nhà cửa, cây cối, hoa màu, tài sản trên đất, tiền GPMB cho đoạn đường này đã lên đến hơn 100 tỷ đồng, rất lãng phí ngân sách nhà nước. Trong khi đó, nếu đoạn đường chạy thẳng theo thiết kế, 8.000m2 đất nông nghiệp bị thu hồi, tính theo mức đền bù 3 triệu đồng/m2, nhà nước chỉ mất chi phí chưa đầy 30 tỷ đồng. Đó là chưa nói đến mỹ quan, chất lượng và độ an toàn của con đường chạy thẳng sẽ tốt hơn con đường bị cong”.
Phối cảnh dự án đường 40m (vạch đỏ) đoạn qua thôn Lâm Du, phường Bồ Đề. |
Tại buổi đối thoại giữa đại diện UBND quận Long Biên và các hộ dân liên quan, đã có hơn 20 hộ dân được nêu thắc mắc, kiến nghị xung quanh vấn đề hướng tuyến của đoạn đường dát vàng.
Trên cơ sở đó, hàng trăm hộ dân nơi đây đã đề nghị Sở quy hoạch, Chủ tịch quận Long Biên đi thực tế xuống khu vực đoạn đường cong 200m và kiểm tra báo cáo với UBND Thành phố, để xem thực chất đoạn đường này là cong hay thẳng.
Đồng thời, các hộ dân nơi đây cũng đề nghị UBND TP xem xét làm rõ thực hư những bất thường xung quanh việc quy hoạch đoạn đường này, từ đó có phương án điều chỉnh lại cho thích hợp, tránh ảnh hướng tới đời sống người dân, tiết kiệm ngân sách nhà nước.
“Tôi cũng mong đường chạy ra đồng, nhưng quy hoạch nó thế!”
Trả lời thắc mắc của các hộ dân xung quanh con đường dát vàng, ông Đỗ Mạnh Hải – Chủ tịch UBND quận Long Biên một lần nữa khẳng định, hướng tuyến như trong đồ án là phù hợp đảm bảo yếu tố quốc phòng an ninh, nếu đi thẳng ra giữa cánh đồng sẽ đâm vào đất quốc phòng an ninh.
Chủ tịch UBND quận Long Biên cũng nhấn mạnh: “Tôi cũng mong đường chạy ra đồng lắm, để cứ thế mà làm chứ khổ làm gì, nhưng quy hoạch nó thế. Chúng tôi làm nhưng có trên thanh tra, làm đúng thì mới mau có đường đi”.
Trong khi đó, ông Ngô Quý Tuấn – Phó giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội lại khẳng định: “Chúng tôi làm việc căn cứ theo quy hoạch được Thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, hôm nay nghe bà con nói chúng tôi sẽ tiếp thu, rà soát lại một cách thận trọng rồi báo cáo lại thành phố”.
Từ chối trả lời câu hỏi người dân là rốt cuộc đoạn đường đó “cong” hay “thẳng”, ông Tuấn cho rằng, đó là do quan điểm của mỗi người và thực tế người dân và chính quyền đang nhìn vấn đề theo hướng khác nhau.
“Bãi pháo dù đã chuyển đi nhưng trên giấy tờ vẫn của quốc phòng. Mà chúng tôi khi làm việc thì hoàn toàn trên giấy tờ. Con đường không hề bị nắn cong so với quy hoạch” – ông Tuấn khẳng định.