Phụ huynh phản hồi, một số cuốn sách giáo khoa do có sẵn phần câu hỏi, bài tập buộc học sinh phải ghi chép hoặc điền vào nên chỉ dùng được một lần gây lãng phí.
Theo phản hồi của phụ huynh, học sinh, một số cuốn sách giáo khoa (SGK) hiện tại có thể tái sử dụng. Một số cuốn khác do có sẵn phần câu hỏi, bài tập buộc học sinh phải ghi chép hoặc điền vào nên chỉ dùng được một lần. Sự lãng phí này khiến dư luận bức xúc.
Theo bảng giá niêm yết SGK năm học 2018-2019, mỗi lớp ở cấp tiểu học đều có 6 cuốn SGK, giá dao động 45.300 đồng đến 78.300 đồng. Bộ SGK ở cấp THCS cùng môn Tiếng Anh của lớp 6 và lớp 7 là 12 cuốn, lớp 8 và lớp 9 là 13 cuốn, giá 97.700-144.500 đồng. Sộ SGK ở cấp THPT theo chương trình chuẩn và môn Tiếng Anh có giá từ 141.400 đồng đến 153.500 đồng với 14 cuốn.
Nhiều cuốn SGK chỉ dùng một lần gây lãng phí - Ảnh minh họa/Nguồn: Gia đình& Xã hội |
Chị Đàm Thu Hương, ở TP Hà Giang cho biết, chỉ mua riêng bộ SGK cho con vào học lớp 5 khoảng 26-27 quyển có giá 340.000 đồng. Chưa kể, tiền mua các loại sách nâng cao, sách tham khảo hết hơn 500.000 đồng. Theo chị Hương, bản thân không tiếc tiền mua sách cho con nhưng thấy lãng phí và bất cập ở chỗ, có tới hàng chục quyển sách trong số đó có in luôn bài tập để học sinh điền vào. Vì vậy, dù năm tới gia đình muốn cho các cháu lớp dưới có hoàn cảnh khó khăn cũng không cho được, vì con đã làm bài tập vào ngay trong các cuốn sách đó.
Chị Hương chia sẻ: “vẫn thích phương pháp học như ngày xưa, mỗi học sinh chỉ có ít cuốn sách giáo khoa cơ bản, bài tập các con nên làm trong vở riêng để cuối mỗi năm học, có thể mang sách ủng hộ học sinh nghèo vùng cao. Như thế, sẽ dạy học sinh ý thức tiết kiệm”, chị Hương nói.
Anh Minh Quang, ở quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ tình trạng cực chẳng đã khi phải dành một phòng riêng để làm kho chứa sách cho 2 con. Bởi sau mỗi năm học, con anh loại ra hàng chục quyển sách nhưng không biết cho ai, bán đồng nát lại tiếc vì thế gia đình anh đóng thùng cất kho.
Chia sẻ về thực trạng sử dụng SGK, GS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, trước đây học sinh đi học rất ít khi được dùng sách mới, chủ yếu là dùng lại sách từ các khóa trước. Khi đó, sách cũng ít có sự điều chỉnh, nếu có tái bản, thông tin sẽ được đính chính dưới chân trang nên sử dụng lâu dài được.
Ngày nay, mỗi học sinh đi học phải mua hàng chục cuốn sách, mỗi năm nhà xuất bản bán ra cả trăm triệu bản rồi năm sau bỏ đi là sự lãng phí lớn. Bởi thực tế, ở nhiều vùng quê, học sinh vùng sâu vùng xa có điều kiện khó khăn vẫn có nhu cầu sử dùng sách cũ.
Vì vậy, theo GS Trần Xuân Nhĩ đề xuất, NXB cần xem xét lại việc phát hành sách có luôn phần làm bài tập vì chỉ sử dụng được một lần.
Còn GS Đào Trọng Thi, nguyên chủ nhiệm UBVH, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, SGK hàng năm cơ bản không có nhiều thay đổi. Bởi nếu tái bản, thay đổi 1 chữ trong SGK phải qua nhiều khâu phức tạp như: thông báo tới tác giả và được đồng ý, thông qua hội đồng thẩm định, có quyết định cơ quan quản lý cho phép. Vì thế, nếu có chỉnh sửa nhỏ, học sinh năm sau vẫn có thể sử dụng SGK năm trước. Trên thực tế, nhà trường cũng không yêu cầu học sinh phải sử dụng sách mới nhưng vì tiện ích, phụ huynh vẫn chấp nhận để mua cho con. Vì vậy, việc phụ huynh không tìm ra người để cho sách hoặc ngược lại, đi xin sách cũ là có thật.
Tuy nhiên, theo GS, ngoài việc một số sách in luôn bài tập cho học sinh làm trong đó khiến sách không thể học lại thì ngày nay có nhiều lý do để người dân ngại sử dụng lại SGK. Ví như, có ít con, con cách xa nhau, học sinh không có ý thức gìn giữ sách…
Cự Giải (T/h)