Vấn đề phát triển quá nhanh của những khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp trong khi quỹ đất ở thành phố không thay đổi kịp là nguyên nhân khiến nhiều khu nghĩa trang đang từ vùng ngoại ô “bỗng chốc” lại nằm ở giữa trung tâm thành phố, gây ra những nguy cơ ô nhiễm và nhiều hệ lụy xấu khác về nước sinh hoạt, môi trường trọng sạch ở TP HCM hiện nay. Theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường thành phố, hiện nay trên địa bàn có khoảng 700 ha đất nghĩa trang tự phát, trong đó có những ngôi mộ có tuổi thọ hàng trăm năm.
Báo động ô nhiễm nghĩa trang
Có thể dễ dàng nhận biết, so với cách đây chừng gần 20 năm, thành phố HCM đã có rất nhiều những thay đổi về cơ sở hạ tầng vật chất. Cụ thể, ở thời gian đó, khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), một trong những nghĩa trang lớn nhất thành phố còn là khu vực ngoại ô thành phố, thuộc địa bàn hành chính của huyện Bình Chánh. Được biết, từ trước năm 1975, nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã là nơi an nghỉ của nhiều người quá cố nhưng chủ yếu được an táng theo kiểu tự phát của những người dân sinh sống trong vùng. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau, khi xã hội phát triển chóng mặt, Bình Hưng Hòa, nơi yên nghỉ của khoảng 100.000 ngôi mộ bỗng chốc nằm ở nội thành của thành phố. Thế là, xung quanh nghĩa trang này, nơi những con đường Tân Kỳ Tân Quý, Bình Long…chạy qua bỗng trở lên nhộn nhịp, đông đúc. Và, hàng loạt vấn đề về ô nhiễm môi trường và vệ sinh nguồn nước đã được đặt ra mặc dù thực tế, ở Bình Hưng Hòa từ gần 10 năm nay đã không còn có đất để chôn thêm người chết nữa. Chia sẻ về chuyện này, một số hộ dân sinh sống ở đường Gò Dầu cho biết. Mặc dù khu dân cư này nằm cách nghĩa trang Bình Hưng Hòa một con đường Bình Long nhưng ở đây không ai dám sử dụng nguồn nước tự nhiên cả. Những giếng nước khoan mặc dù có đào sâu bao nhiêu thì cảm giác ở gần nghĩa trang với hàng trăm ngàn ngôi mộ cũng khiến nhiều người thấy sợ hãi. Đa phần đều phải sử dụng nước sạch đường ống của hệ thống. Tuy nhiên, do nhiều hộ dân đi ở trọ, ở nhà tạm bợ, chưa có điều kiện thì phải đi mua từng can nước sạch để sử dụng.
Ngoài ra, cũng phải nói đến một thực tế là, xung quanh khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa hiện nay có hàng trăm khu dân cư, hàng ngàn căn nhà trọ với hàng chục ngàn hộ dân sinh sống rải rác, thậm chí sống chèn lên cả những khoảng trống giữa các ngôi mộ. Và không phải tất cả 100\% số hộ dân ở đây đều có điều kiện tiếp cận với nguồn nước sạch. Rất nhiều người trong số họ, vì nhiều lý do khác nhau, phải sử dụng nguồn nước ở những giếng khoan tự đào và hậu quả là rất khó lường bởi những dịch bệnh luôn có nguy cơ rình rập. Tuy nhiên, không chỉ có nguồn nước mà ngay cả không khí ở quanh khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa cũng được đánh giá là bị ô nhiễm khi người dân nơi đây luôn phải chứng kiến cảnh lò thiêu ở đây hoạt động hết công suất suốt ngày đêm.
Ngoài nghĩa trang Bình Hưng Hòa, ở TP HCM hiện nay còn có nghĩa trang lớn như Gò Dưa (Bình Chiểu, Thủ Đức) cũng nằm trong khu dân cư đông đúc. Được biết, đây là nghĩa trang thành lập từ những năm 1966 bởi những người đồng hương quê gốc xứ Quảng Nam, Đà Nẵng. Dần dần, nơi đây là nơi an nghỉ của hàng ngàn người dân khi qua đời ở thành phố. Đặc biệt, xung quanh nghĩa trang Gò Dưa còn có hàng chục nghĩa trang nhỏ, của tư nhân thành lập lên với mục đích bán đất cho những gia đình có thân nhân mới qua đời. Mặc dù chưa có một nghiên cứu chính xác nhưng có thể khẳng định, nghĩa trang Gò Dưa cùng với những nghĩa trang tư nhân tự phát xung quanh nó đã gây ra không ít những vấn đề ô nhiễm môi trường đối với hàng chục ngàn hộ dân sinh sống xung quanh khu vực này.
Mệt mỏi với nghĩa trang tự phát
Vậy nhưng, vấn đề quan trọng gây ô nhiễm với nhiều khu dân cư ở thành phố hiện nay lại nằm ở những nghĩa trang nhỏ, không tên nằm rải rác đâu đó khắp thành phố. Đó chính là những nghĩa trang của dòng họ, của khu phố, ấp dân cư… vùng ngoại thành Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh…. Cụ thể, tại địa bàn huyện Hóc Môn, theo thống kê hiện có khoảng 180 ha đất nghĩa trang dùng để làm nơi an nghỉ cho người quá cố và hầu hết là nghĩa trang tự phát, hoặc nghĩa trang từ lâu, có tuổi thọ hàng trăm năm.
Theo những người dân sinh sống ở đây, do khu vực Hóc Môn là ngoại thành, hệ thống đường ống nước sạch chưa hoàn chỉnh nên đa phần người dân ở đây đều dùng nước giếng khoan. Nghĩa là các hộ dân sống gần nghĩa trang bắt buộc phải dùng nguồn nước ngầm có khả năng gây ô nhiễm cao. Ngoài Hóc Môn, ở các địa phương khác như quận 12 cũng có gần 100 địa điểm điểm an táng người quá cố với tổng diện tích đất lên đến hơn 50 ha. Hoặc như ở huyện Bình Chánh, hầu hết các con đường liên ấp, liên xã ở đây đều có các địa điểm an tang với những nơi lên đến hàng trăm ngôi mộ.
Vì vậy, người dân ở các địa phương này đã nhiều lần đề nghị với chính quyền di dời những nghĩa trang đó vào một địa điểm tập trung hoặc yêu cầu thân nhân của người quá cố cải tang, chôn cất ở những địa điểm thích hợp. Tuy nhiên, thực tế là nhiều gia đình vẫn có tập tục an táng người quá cố ở gần hoặc trên phần đất mình sinh sống khiến việc di dời rất khó khăn. Ngoài ra, nhiều nghĩa trang dòng họ, nghĩa trang đồng hương có tuổi thọ cả trăm năm, liên quan đến vấn đề tâm linh tín ngưỡng khiến việc di dời là vô cùng khó khăn. Thêm nữa, kinh phí để di dời tới nơi khác cũng khá tốn kém, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Sở Tài nguyên và Môi trường khiến tiến trình di dời là rất chậm. Vì vậy, rất nhiều bệnh tật, ô nhiễm và chất thải cũng như những vấn đề khác đang đe dọa những người dân sinh sống tại khu vực nghĩa trang. Và, mặc dù chưa có những thống kê chính xác, chưa có những nghiên cứu đầy đủ nhưng chắc chắn, tuổi thọ và môi trường an sinh xã hội đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những ô nhiễm từ việc an táng người chết gần khu dân cư như hiện nay.
Những giải pháp cần tiến hành
Có thể nói, giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cho các khu dân cư sinh sống gần nghĩa trang không còn cách nào khác là phải di dời những nghĩa trang này ra xa khu dân cư. Có thể đó là đất vùng ngoại thành, hoặc đơn giản hơn, là các tỉnh lân cận với những quỹ đất lớn hơn, nằm biệt lập với những khu dân cư như Long An, Tây Ninh, Đồng Nai. Cụ thể, nghĩa trang Đa Phước (xã Đa Phước, Bình Chánh) được quy hoạch hơn 10 năm gần đây với mục đích di dời những ngôi mộ ở khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa nhằm đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Được biết, nghĩa trang Đa Phước có diện tích khoảng gần 70 ha, đủ sức chứa hàng trăm ngàn ngôi mộ bên cạnh khu vực giàn hỏa thiêu hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nghĩa trang này cũng nằm cách xa khu dân cư, có nhiều kênh rạch ngăn cách và đặc biệt, có những hệ thống xử lý ô nhiễm độc lập cũng như tiêu chuẩn cây xanh đủ để đảm bảo an toàn cho môi trường. Đây được coi là địa điểm lý tưởng cho những thân nhân của gia đình người quá cố tìm tới.
Ngoài ra, một số nghĩa trang như Sơn Trang Tiên Cảnh (Tây Ninh) và An Viên Vĩnh Hằng (Đồng Nai)… nằm trong bán kính khoảng 100 cây số từ trung tâm thành phố cũng là địa chỉ được nhiều gia đình chọn lựa khi an tang người thân. Những nghĩa trang này đều đầu tư bài bản, đầy đủ và được khảo sát, tính toán rất kỹ lưỡng về vấn đề tác động của môi trường nên khá đảm bảo an toàn, có những hệ thống xử lý ô nhiễm đảm bảo.
Đoàn Đại Trí
CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H
LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM
ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tran-lan-nghia-trang-o-nhiem-a41546.html