Theo một thống kê của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường, thời gian qua, có 30 đến 50\% các cơ mưa ở Việt Nam là mưa a xít. Tức là, trong nước mưa tự nhiên từ trên trời rơi xuống có kèm theo một lượng a xít nhất định, đủ để gây nguy hại cho sức khỏe con người và các loài động thực vật khác. Tuy nhiên, vấn đề mưa a xít lại chưa được quan tâm đúng mức bởi nhiều người cho rằng, nồng độ a xít trong nước mưa còn quá nhỏ. Thế nhưng, sự thực là cùng với sự ô nhiễm không khí đang ngày một trầm trọng hơn, nồng độ a xít trong nước mưa cũng ngày một tăng mạnh, có lúc vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.
Biết nhưng không…sợ
Theo tìm hiểu, mưa a xít có nghĩa là trong nước mưa có chứa sẵn một số hàm lượng a xít khiến nước mưa trở lên chua hơn, có thể ăn mòn bột kim loại, ảnh hưởng tới sức khỏe và vật dụng… Nguyên nhân chủ yếu của mưa a xít là do ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là do khí thải. Và, ảnh hưởng của mưa a xít tới sức khỏe và cuộc sống của con người thực tế vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhất là ở Việt Nam, bởi chưa có bất cứ công trình khoa học hay tài liệu nào xác định chính xác tác hại của nó. Nghĩa là, nhiều người vẫn chưa phân biệt được tác hại đó là do mưa hay do a xít trong mưa gây lên.
Ở Việt Nam, cách đây ít lâu có một nghiên cứu của phân Viện Khí tượng thủy văn và Môi trường phía Nam. Theo tìm hiểu, hiện nay ở nước ta có khoảng 20 trạm khí tượng thủy văn được xây dựng để đo nồng độ a xít trong mưa. Chúng được đặt rải rác ở nhiều tỉnh thành. Qua quan sát những gì mà các trạm này ghi nhận, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù mức độ ô nhiễm ở các thành phố lớn, nơi có nhiều xe cộ, nhà máy, xí nghiệp là cao hơn ở khu vực các tỉnh thành khác nhưng lượng mưa a xít ở thành phố cũng không cao hơn, thậm chí có nơi còn thấp hơn các tỉnh khác. Nguyên nhân của vấn đề này chính là do không khí ô nhiễm dễ dàng di chuyển từ vùng này qua vùng khác hay thậm chí, từ quốc gia này qua quốc gia khác dẫn đến việc những cơn mưa a xít cũng được phân bố một cách ngẫu nhiên, tùy theo những luồng khí quyển di chuyển trong không trung. Chính vì vấn đề này mà khiến cho việc ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại của mưa a xít ngày càng trở lên khó khăn. Nó cần một giải pháp đồng bộ, kết hợp của nhiều địa phương trong cả nước, trong khu vực chứ không chỉ là hành động đơn lẻ. Vì thế, những tổ chức cảnh báo mưa a xít gặp rất nhiều khó khăn trong việc cảnh báo những nguy hại của thảm họa thiên nhiên này tới người dân.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Mặc dù tác hại của mưa a xít ảnh hưởng trực tiếp đến con người và cuộc sống là khá nhỏ nhưng thực tế, mưa a xít lại ảnh hưởng gián tiếp đến các ao hồ và hệ thủy sinh vật cũng như môi trường sinh thái nơi nó trút xuống. Nó có thể rửa trôi chất dinh dưỡng trên mặt đất và mang các kim loại nặng xuống ao hồ. Gây mất cân bằng hệ sinh thái nước, làm giảm khả năng sinh sản của cá, hoặc rộng hơn là những loài động thực vật trong nước. Nói một cách ngắn gọn, mưa a xít, nếu diễn ra nhiều lần, với nồng độ cao, đang ít nhiều làm ô nhiễm môi trường nước, gây biến đổi những loài sinh vật trong nước.
Bên cạnh đó, mưa axit còn ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thực vật, nhất là hệ sinh thái rừng. Cụ thể, mưa a xít đang khiến các khu rừng trở lên cằn cỗi, trơ trọi hơn bởi vì chúng rửa trôi những vi sinh vật có lợi và toàn bộ chất dinh dưỡng có trong đất. Ở đó, một số hóa chất là a xít trong mưa đã lắng đọng trên mặt đất khi tiếp xúc với lá cây sẽ cản trở quá trình quang hợp của cây. Và, các hóa chất này cũng khiến cho cây cối trở lên chậm phát triển hơn.
Ngoài thiên nhiên, bản thân con người cũng đang gặp rất nhiều những bất lợi do mưa a xít gây ra. Cụ thể là, bản thân trong những cơn mưa a xít này luôn có rất nhiều những hóa chất độc hại, có ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe con người. Những hóa chất này có thể ngấm trực tiếp vào cơ thể người qua nguồn nước hoặc qua các loại thực phẩm độc hại. Chúng sẽ tích tụ và gây lên những căn bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa.
Có thể nói, từ những điều trên, chúng ta thấy rằng mưa axit đã trở thành một mối hiểm họa tiềm ẩn, đe dọa tới sức khỏe của con người, môi trường sống, hệ sinh thái và tất cả các loài sinh vật. Vì vậy, mỗi người cần phải có nhận thức rõ ràng về những tác hại của mưa axit để từ đó chung tay xử lý cũng như khắc phục hậu quả mà nó gây ra. Hoặc, thiết thực hơn nữa là cần có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu nguồn gốc của mưa a xít bằng cách giảm các loại khí thải và giảm ô nhiễm môi trường không khí.
CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H
LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM
ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519
EMAIL: [email protected]