Luôn tự nhủ mình là “bác sĩ điều tra”, giám định viên Hồ Kim Châu khắc sâu nguyên tắc làm việc phải hết sức khách quan và bằng chính cái tâm của mình. Ẩn sau nụ cười hiền hậu của bác sĩ Châu là nỗi trăn trở khi tương lai khó tìm được thế hệ kế cận.
Nghề không dám nói
Gặp lại vị giám định viên già trong một buổi chiều mưa xuân lâm thâm, nhìn những bước chân vội vã của ông bước ra từ căn phòng làm việc nhỏ, trên tay ôm chiếc máy tính cùng nụ cười hiền hậu, không ai nghĩ bác sĩ - giám định viên Hồ Kim Châu đã bước sang tuổi 65. Hiện ông đang công tác tại viện Pháp y Quốc gia, Hà Nội.
Từng được bác sĩ Châu kể cho nghe nhiều vụ án cùng những chia sẻ về nghề “khám bệnh” cho người chết, bị cuốn hút bởi những vụ án rùng rợn bao nhiêu thì tôi lại càng thêm khâm phục trước những giám định viên có “tinh thần thép” như ông bấy nhiêu.
Bác sĩ Hồ Kim Châu – Công tác tại viện Pháp y Quốc gia. |
Nhớ hồi mới vào nghề, ông Châu cũng sợ... ma ghê lắm. Nhưng xác định rằng đây là công việc gắn với mình suốt đời nên ông nhanh chóng vượt qua nỗi sợ hãi. Ấy vậy cũng đã hơn 40 năm gắn bó với công việc của một “bác sĩ điều tra”, bác sĩ Châu luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao dù khó khăn thế nào. Ánh mắt ông luôn ánh lên niềm tự hào khi 40 năm làm nghề, ông chưa một lần phải nếm mùi thất bại, ca giám định nào cũng được các bác sĩ cho ra kết luận chuẩn xác.
Ngược dòng thời gian, 40 năm trước, khi đó bác sĩ Châu còn là một cậu sinh viên đam mê được làm bác sĩ điều trị nên rất chú trọng học về nội khoa, ngoại khoa và từng sang Nga học tập, không ai nghĩ sau này bác sĩ Châu sẽ làm giám định viên pháp y. Thế rồi “nghề chọn người” như nhiều người vẫn thường hay nói, bác sĩ Châu được phân về viện Pháp y, làm lĩnh vực hoàn toàn khác với dự định ban đầu của ông.
Nhớ lại vụ án đầu tiên mà mình tham gia là khai quật tử thi ở Hải Dương, bác sĩ Châu còn nguyên cái cảm giác của ngày mới chập chững vào nghề: “Lúc đó tôi chưa thấy sợ, nhưng về nhà rồi mới thấy ám ảnh. Có những hôm vừa dội nước tắm vừa ớn lạnh khi nhớ lại những hình ảnh của tử thi mình vừa tiếp xúc. Làm nhiều rồi cũng quen”, bác sĩ chia sẻ. Càng làm nhiều, bác sĩ Châu càng thấy mỗi vụ án mình tham gia phá án thành công đều góp phần vạch mặt kẻ thủ ác ra trước màn ánh sáng. Đây cũng chính là những động lực giúp ông thêm yêu cái nghề “không ai muốn làm” của mình.
Thế nhưng, ẩn sau những thành công của bác sĩ Châu lại là một nỗi buồn không thể tâm sự với ai. Xác định làm nghề này, bác sĩ Châu xây dựng cho mình một nguyên tắc là không bao giờ kể chuyện cơ quan để tránh cảm giác ghê rợn cho mọi người. Có lần mẹ vợ bác sĩ Châu hỏi: “Anh Châu chẳng thấy kể chuyện cơ quan bao giờ?”. Mỗi lần như vậy, bác sĩ Châu lại cười và nói: “Cơ quan con cũng chẳng có gì hay mà kể”. Khi ngồi ăn uống, nhiều lúc muốn quan tâm tới mọi người nhưng bác sĩ Châu cũng rất hạn chế vắt chanh, gắp thức ăn cho ai... để tránh cho mọi người đỡ... ghê.
Thậm chí, mỗi khi gặp mặt bạn bè, bác sĩ Châu cũng không dám khoe là mình đang làm trong ngành giám định pháp y, vì nhiều bạn bè của bác giờ đang làm bác sĩ điều trị ở khắp các bệnh viện lớn nhỏ. Ngoài ra họ còn mở thêm phòng mạch ngoài giờ. Tự an ủi mình, bác sĩ Châu nói: “Có thể các bạn nhiều tiền hơn nhưng tôi lại được đi đây đi đó, tiếp xúc được với nhiều người, tới đâu họ cũng tiếp đón rất chu đáo”. Có lẽ đây cũng là sự hãnh diện tự hào thôi thúc bác sĩ Châu làm tốt công việc của mình và dần dần đam mê công việc này lúc nào không hay.
Cần một cái tâm sáng
Chính vì trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, cũng có năm đã là ngày 30 Tết, nhưng bác sĩ Châu “chạy sô” tận 3, 4 ca giám định. Ông luôn cố gắng hoàn thành công việc của năm cũ, không để kéo dài sang năm mới, tránh những điều không may mắn hay sự vướng mắc nào từ phía gia đình các nạn nhân. Bác sĩ Châu chia sẻ: “Đến lúc về tới nhà, tắm giặt xong thì chỉ còn khoảng 10 phút nữa là tới giờ Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết”. Nhớ lại khoảng thời gian đặc biệt đó, bác sĩ Châu cảm thấy trong lòng vô cùng nhẹ nhõm và hạnh phúc vì năm qua đã hoàn mọi công việc được giao.
Tuy nhiên, vì không mấy ai mặn mà với nghề giám định pháp y nên bác sĩ Châu và lãnh đạo viện Pháp y Quốc gia hết sức lo lắng khi tương lai khó tìm được thế hệ kế cận. Ngoài công tác giám định, bác sĩ Châu cũng tham gia giảng dạy trong các trường đại học. Không chỉ truyền đạt kiến thức thông qua những ví dụ thực tiễn mà mình tham gia giám định, bác sĩ Châu còn nhấn mạnh nhiều về vấn đề đạo đức, cái tâm khi làm nghề. Bởi chỉ cần giám định viên không tập trung, kết luận không chính xác cũng có thể làm thay đổi số phận pháp lý của một con người.
Bác sĩ Châu luôn nhắn nhủ các thế hệ học sinh, sinh viên cũng như những giám định viên trẻ nên tăng cường học tập, tu dưỡng đạo đức trong lĩnh vực này để nâng cao năng lực chuyên môn bản thân cũng như bản lĩnh để có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Ông cũng đặt ra yêu cầu là giám định viên phải làm việc hết sức khách quan, làm bằng chính cái tâm của mình. Không vì tư lợi cá nhân hay thúc ép của cấp trên mà làm oan sai cho người khác. Bác sĩ Châu tin rằng có luật nhân quả, người làm điều ác thì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.
Nhìn vào mắt người giám định viên già, tôi thấy luôn ánh lên niềm hạnh phúc và tự hào về công việc mình lựa chọn. Bác sĩ Châu bảo: “Vì luôn ý thức rằng công việc của chúng tôi góp phần tìm ra sự thật trên các tử thi, làm sáng tỏ vụ án nên người làm nghề pháp y phải luôn trau rồi kiến thức ở mọi lĩnh vực, cần phải có tư duy logic, quan trọng là phải có một cái tâm sáng... để xứng đáng là “bác sĩ điều tra".