Lý giải của chủ đầu tư về việc đội giá hàng tỷ đồng
Như tạp chí Đời sống và Pháp luật đã phản ánh trong bài viết "Nhiều gói thầu tiết kiệm thấp cho ngân sách Nhà nước”, đã đưa ra những vấn đề như: tỉ lệ kiệm cho ngân sách sau đấu thầu chỉ loanh quanh mức 1%; nhiều gói thầu có 1 nhà thầu tham dự và trúng thầu; có nhà thầu “quen mặt”.
Nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn, PV nhận thấy, có dấu hiệu đội giá hàng trăm triệu đồng trong một số gói thầu do đơn vị này làm chủ đầu tư.
Đơn cử, theo Quyết định số 967/QĐ ngày 27/11/2020, Giám đốc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Mua sắm Trang thiết bị phòng học vi tính cấp trung học cơ sở. Đơn vị trúng thầu là công ty Cổ phần Công nghệ. Gói thầu có giá dự toán 10.768.32.000 đồng, giá trúng thầu là 9.338.497.000.
Được biết, các bước thực hiện gói thầu đều theo quy định của luật Đấu thầu năm 2013 và nghị định hướng dẫn liên quan. Tuy nhiên, khi đi sâu nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu đơn giá các mặt hàng trong gói thầu cũng như đối chiếu yêu cầu kỹ thuật tại chương V, E-HSMT, phóng viên nhận thấy có hiện tượng giá thành hàng hóa cao hơn nhiều so với giá thị trường.
Đơn cử, máy vi tính để bàn dành cho học sinh có đơn giá tại gói thầu là 10.850.000 đồng; bàn ghế vi tính 02 chỗ ngồi; hệ thống âm thanh...đều có giá cao hơn thị trường rất nhiều.
Với 6/9 mặt hàng, gói thầu đã có dấu hiệu mua đắt hơn so với giá thị trường khoảng 1.126.893.680 đồng (Bằng chữ: một tỷ, một trăm hai mươi sáu triệu, tám trăm chín mươi ba nghìn, sáu trăm tám mươi đồng).
Cần phải nói rõ thêm rằng, khi PV tiến hành tìm hiểu thực tế giá các sản phẩm trên thị trường đã căn cứ và áp dụng theo đúng yêu cầu kỹ thuật (tại Chương V, E - Hồ sơ mời thầu). Các sản phẩm, thiết bị đều được sản xuất và phân phối chính hãng, thụ hưởng đầy đủ tất cả chính sách về bảo hành, bảo dưỡng, lắp đặt của nhà sản xuất và đại lý phân phối. Chi phí hỗ trợ, ưu đãi về vận chuyển cũng đã được các đơn vị cộng đầy đủ vào báo giá (có ghi chú cụ thể).
Trao đổi với PV, đại diện chủ đầu tư lý giải, đơn vị đã thực hiện đầy đủ các quy trình theo đúng quy định hướng dẫn trong việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện dự án nêu trên. Mỗi gói thầu mua sắm thiết bị có giá khác nhau còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: Thông số kỹ thuật, xuất xứ, tính năng, niên hạn sử dụng, chế độ bảo trì, bảo hành, lắp đặt, hướng dẫn sử dụng, chuyển giao công nghệ, chi phí vận chuyển,… cho từng đơn vị thụ hưởng tại các điểm trường trên địa bàn toàn tỉnh cũng như phải chịu các loại thuế, phí khác theo luật định.
Ngoài ra, những vấn đề thắc mắc của phóng viên về công tác thẩm định giá gói thầu, năng lực của nhà thầu, tính hợp lệ trong giấy tờ chứng nhận của hãng sản xuất, nhà phân phối sản phẩm cho công ty trúng thầu,...lại không được nhắc đến.
“Cần xem xét rõ vai trò của chủ đầu tư”
Trao đổi về vấn đề này với PV, PGS.TS, ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An cho rằng, dù pháp luật đã có quy định rất rõ ràng, chặt chẽ về đấu thầu nhưng nhiều người vẫn lợi dụng kẽ hở để vi phạm. Cơ quan công an đã điều tra khởi tố nhiều vụ án đấu thầu trong một số lĩnh vực thời gian qua.
Đấu thầu phải đảm bảo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh để lựa chọn ra nhà thầu xứng đáng nhất, có đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm để triển khai các gói thầu một cách tốt nhất. Chủ đầu tư là đơn vị sử dụng ngân sách phải tiết kiệm, hiệu quả.
“Nội dung PV phản ánh trên, tôi nói thẳng ở đây chủ đầu tư phải xem xét lại. Thời 4.0 rồi, việc khảo giá thiết bị không có gì khó khăn. Cần thiết thì cử cán bộ đến trực tiếp để khảo giá, đây là những thiết bị được sử dụng rộng rãi trong đời sống, không có gì quá khó để tìm hiểu”, vị PGS.TS nhấn mạnh.
Về công tác quản lý, bà An cho rằng, ngoài chủ đầu tư thì đối với cơ quan cấp trên, cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường sự giám sát chặt chẽ với mỗi gói thầu. Như trường hợp này là UBND cấp tỉnh cũng cần kiểm tra, xác minh để thông tin đến dư luận được công khai, minh bạch.
Nguyên nhân dẫn đến sai phạm trong công tác đấu thầu, theo PGS.TS Bùi Thị An có hiện tượng một số nội dung, tiêu chí trong gói thầu không được đảm bảo công khai, minh bạch một cách chi tiết, cụ thể ngay từ đầu.
Tiếp đó, các khâu thẩm tra, chấm thầu có thực hiện công tâm, sát thực? Nhà thầu có thực sự đủ năng lực hay chỉ đạt tiêu chuẩn trên giấy tờ? Trong suốt quá trình thực hiện gói thầu có giám sát chặt chẽ không, có đúng tiến độ, đảm bảo thời gian hay không?...
Tất cả những sai phạm trong đấu thầu kéo theo hệ luỵ rất lớn cho xã hội, không chỉ ngân sách thất thoát, mà còn ảnh hưởng đến chính đời sống của nhân dân. Bởi thế, bà An nêu quan điểm: “Dù luật đã có nhưng công tác cán bộ, nhân tố con người khi thực hiện vẫn là yếu tố quyết định. Để hạn chế sai phạm trong đấu thầu thì cần quy rõ trách nhiệm với từng bộ phận tham gia trong suốt gói thầu. Nếu phát hiện sai phạm phải xử lý đến cùng mới đủ sức răn đe và chắc chắn trách nhiệm cao nhất chính là chủ đầu tư”.
Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc công ty luật Cán Cân Việt, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, nếu có căn cứ cho thấy giá hàng hoá trong hồ sơ mời thầu cao hơn giá thị trường cần phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị có liên quan, đặc biệt là đơn vị thẩm định hồ sơ mời thầu.
Trong đó, khâu thẩm định trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là rất quan trọng và bắt buộc ở hoạt động đấu thầu. Việc thẩm định giá sẽ được giao cho các đơn vị có chuyên môn thực hiện và tiến hành qua nhiều bước. Quy trình thẩm định giá, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư được pháp luật quy định rất chặt chẽ.
“Để xảy ra trường hợp “đội giá” thì rõ ràng đơn vị thẩm định đã không làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Trong trường hợp gây thiệt hại đến ngân sách Nhà nước thì phải quy kết trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị có vi phạm”, luật sư Kiên nhấn mạnh.
Vị luật sư cho biết, theo điểm 12, Điều 4, luật Đấu thầu 2013 thì “đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu cũng như hạn chế các hành vi tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã quy định thêm tội danh mới liên quan tới lĩnh vực này.
Cụ thể, Điều 222, Bộ luật này nêu rõ, người nào gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể khởi tố hình sự về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đặng Thuỷ- Ngọc Bảo