+Aa-
    Zalo

    Trả quà biếu: Nói không với tham nhũng và "nỗi sợ" cần hoá giải

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Được xã hội, dư luận hoan nghênh, đánh giá cao sau khi quyết định trả lại "quà biếu" của người dân, sáu cán bộ trở thành điểm sáng trong cuộc chiến chống tham nhũng.

    (ĐSPL)- Được xã hội, dư luận hoan nghênh, đánh giá cao sau khi quyết định trả lại "quà biếu" của người dân, sáu cán bộ trở thành điểm sáng trong cuộc chiến chống tham nhũng.
    Tuy nhiên, việc kiên quyết nói không với tham nhũng, nói không với hối lộ của những cán bộ có tâm vẫn vấp phải nhiều chuyện bi hài. Rất ít người làm việc đầy ý nghĩa trên muốn lộ diện trước công chúng, dư luận vì ngại bị người đời gắn mác "thích nổi danh", động chạm đến một số bộ phận có thói quen nhận quà và tự đánh mất các mối quan hệ tiềm năng dựa trên hai chữ: Quà biếu!
    Mới chỉ là hi hữu...
    Ông Nghiêm Xuân Hoàng, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Phú Nhuận (TP.HCM) xác nhận thông tin, sau sáu tháng đầu năm triển khai công tác phòng chống tham nhũng, toàn quận có sáu vụ nộp lại tiền tổng trị giá 8.050.000 đồng. 
    Thông tin trên đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận. Ghi nhận từ thực tế, vụ việc sáu cán bộ Nhà nước công khai trao trả, nộp lại quà tặng, biếu từ người dân được dư luận đánh giá là điểm sáng trong công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Đáng chú ý hơn, mặc dù giá trị của các phần quà được trả không lớn nhưng theo đánh giá của cơ quan chức năng Q.Phú Nhuận thì đây là vụ việc đầu tiên.
    Cụ thể, theo danh sách do ban Tuyên giáo Quận ủy quận Phú Nhuận cung cấp, sáu người quyết định trả lại quà, tiền người dân biếu đều là cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước. Theo đó, chỉ tính riêng P.14, Q. Phú Nhuận đã có ba gương sáng: Gồm Chủ tịch UBND phường 14 Trần Ngọc Phú (nộp lại 5 triệu đồng và một áo sơ mi của cơ sở trong phường tặng); Chị Trần Nguyễn Minh Trang - cán bộ hội phụ nữ phường (nộp lại 400.000 đồng), ông Bùi Văn Phúc- cán bộ phường (nộp 350.000 đồng) đều là tiền của người dân bỏ quên. Ngoài ra, quận cũng ghi nhận trường hợp bà Trương Thị Mỹ Lai - Hiệu trưởng trường Độc Lập - nộp lại 2 triệu đồng do phụ huynh tặng và chiến sỹ CSGT Phan Trung Kiên nộp lại 200.000 đồng, Phạm Khắc Kiệt nộp lại 100.000 đồng.
    Ông Nguyễn Tiến Mãnh, Chánh thanh tra quận Phú Nhuận cho biết: "Trước đây, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều trường hợp hiệu trưởng một số trường trong địa bàn quận trả lại quà tặng, quà biếu của phụ huynh. Tuy nhiên, những cá nhân với những lý do khách quan nhất định, họ không muốn nêu tên. Do đó, đây là trường hợp đầu tiên, khá hi hữu khi các cán bộ, trong đó có một hiệu trưởng đồng loạt công khai việc làm đáng hoan nghênh của mình".
    Ông Nguyễn Hoàng, một cán bộ về hưu ngụ tại Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp cho biết: "Nếu cán bộ nào cũng ý thức được việc nhận quà biếu, tiền biếu dù trong bất cứ hoàn cảnh nào là không thật sự tốt, không thật sự có lợi và tự giác trong việc không nhận quà của dân thì việc chống tham nhũng sẽ trở nên dễ dàng. Qua đó, vấn nạn, tư tưởng hối lộ, đút lót để thu lợi của một số bộ phận trong xã hội cũng sẽ bị hạn chế".
     
    Hi hữu cán bộ nói không với tham nhũng và
    Ông Trần Ngọc Phú, một trong những cán bộ gương mẫu trong việc kiên quyết không nhận quà biếu của dân.
    Cần phải hoá giải "nỗi sợ"
    Trao đổi xung quanh việc nhiều cá nhân không công khai danh tính, tên tuổi khi thực hiện các công tác không nhận, trao trả quà cáp, tiền biếu của người dân trong thời gian qua, ông Nguyễn Tiến Mãnh khẳng định: "Thời gian qua, chúng tôi cũng nhận được báo cáo nhiều trường hợp cán bộ trên địa bàn quận kiên quyết không nhận hối lộ, tiền, quà biếu của dân. Cụ thể, năm vừa qua, chúng tôi ghi nhận trường hợp Hiệu trưởng trường Châu Văn Liêm không nhận quà biếu mà chuyển số quà đó vào quỹ hoạt động của trường. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, người này không muốn được nêu tên, công khai trên báo chí. Hiện tượng cán bộ Nhà nước làm việc tốt, làm việc có ý nghĩa mà không muốn công khai cũng có nhiều lý do. Thứ nhất, họ ngại bị gắn  mác là tự làm nổi, tự khoe mẽ,... Thêm vào đó, việc công khai không nhận quà như vậy cũng dễ khiến người tặng có cảm giác chạnh lòng nên họ không muốn công khai".
    Theo ông Mãnh, việc nhận quà biếu cũng không phải là nhận hối lộ, đút lót. Do đó, hiện tượng một số cán bộ, cá nhân nhận quà sau khi hoàn tất một công việc, quà cảm ơn, quà xuất phát từ sự quý mến của người dân, bạn bè... là chuyện bình thường. Tuy nhiên, những lý do trên đôi khi lại làm nhiều cán bộ không hài lòng. Một cán bộ có tên trong danh sách trả lại quà xin giấu tên cho biết: "Nhiều người vì muốn có mối quan hệ tốt hơn nên biếu quà, hoặc họ tặng quà để làm cơ sở cho việc nhờ vả sau này, thậm chí có thể người ta gài mình, thử lòng mình. Do đó, để tránh những trường hợp không mong muốn, theo tôi, chúng ta nên kiên quyết, quán triệt tư tưởng không nhận quà ngay từ đầu".
    Cùng nhận định trên, ông Trần Ngọc Phú, Chủ tịch UBND P.14 (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), người vừa trả lại 5 triệu đồng khi được người dân biếu chia sẻ: "Cuối năm 2013, có người dân đến cơ quan biếu quà tết, tôi thấy 5 triệu đồng quá lớn nên mang trả lại. Sau đó, tôi có báo cáo sự việc lên cấp trên và được cấp trên ghi nhận. Trong quá trình làm việc, tôi có quán triệt với các cán bộ cấp dưới trong quá trình thụ lý hồ sơ, người dân biếu, cho gì cũng không được phép nhận. Nếu người dân cố tình, tìm mọi cách để đưa quà như giả vờ quên đồ thì phải tìm mọi cách để trả tiền, quà đó cho đương sự. Nhiều trường hợp trả lại quà nhận được khen thưởng đột xuất của cấp trên, số tiền thưởng đôi khi gần bằng số tiền người dân biếu. Đôi lúc công khai thông tin trả lại quà biếu, tôi rất sợ bị người ta nói mình là người thích tự làm nổi, thích tự đánh bóng, tâng bốc lẫn nhau. Vì lý do trên mà  thời gian qua mới có trường hợp trả lại quà và không công khai tên tuổi".
    Về phần mình, bà Trương Thị Mỹ Lai, Hiệu trưởng trường Độc Lập, người nộp lại 2 triệu đồng do phụ huynh tặng khẳng định: "Bản thân tôi nhận thấy việc làm trên của tôi là hết sức bình thường. Tôi nghĩ, nếu vào trường hợp như tôi, ai cũng sẽ hành động như vậy thôi". Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, không phải cá nhân, tập thể nào cũng có được suy nghĩ, niềm tin như bà Mỹ Lai. Theo đó, theo nhiều nguồn tin riêng, hiện còn rất nhiều trường hợp cán bộ, cá nhân trao trả lại quà, tiền biếu mà không công khai.
    Nhiều chuyên gia tâm lý cho biết, hiện tượng một bộ phận dư luận nghĩ chưa đúng, nhìn nhận chưa thật khách quan về việc làm mang tính nêu gương như trên sẽ khiến người ghét cái xấu, chống tiêu cực cảm thấy đơn độc. Từ cảm nhận trên, nếu không thực sự là người có quyết tâm, bền chí, rất có thể người chống tiêu cực sẽ dễ buông xuôi, dễ thỏa hiệp với tiêu cực, khiến công tác chống tiêu cực giảm đi tính hiệu quả. Do đó, dư luận, người dân khuyến cáo nên công khai, lập danh sách, lên kế hoạch khen thưởng những cá nhân, tập thể có những hành động đáng trân trọng như trên để động viên, khích lệ tinh thần chống tiêu cực, chống tham nhũng.     

    Sẽ lập danh sách để tuyên dương

    ông Nguyễn Tiến Mãnh, Chánh thanh tra quận Phú Nhuận cho biết: "Cơ quan rất hoan nghênh tinh thần và hành động đầy ý nghĩa của sáu cán bộ trên. Hiện, cơ quan đã ghi nhận để tuyên dương. Cụ thể, trong kỳ sơ kết phòng chống tham nhũng, tôi chắc chắn sẽ nêu rõ vấn đề này như một tấm gương điển hình trong công cuộc phòng chống tiêu cực, chống tham nhũng".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tra-qua-bieu-noi-khong-voi-tham-nhung-va-noi-so-can-hoa-giai-a43293.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan

    "Quan chức có vàng khối, tiền tỷ, chỉ... trộm mới biết!?"

    (ĐSPL)- "Họ hưởng lương cán bộ, công chức như vậy thì lấy đâu ra nhiều tiên thế?", nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Vũ Quốc Hùng đặt vấn đề về việc liên tục xảy ra các vụ trộm liên quan đến khối tài sản khổng lồ của các quan chức.