(ĐSPL)- "Họ làm việc và hưởng lương cán bộ, công chức như vậy thì lấy đâu ra nhiều tiên thế?", nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng đặt vấn đề về việc liên tục xảy ra các vụ trộm liên quan đến khối tài sản khổng lồ của các quan chức.
Chỉ đến khi bị trộm viếng thăm, khối tài sản khủng trị giá hàng chục, hàng trăm cây vàng, hàng tỷ đồng hay vài chục nghìn USD... được giấu kín của nhiều quan chức mới bị lộ. Xung quanh vấn đề này, Báo Đời sống và Pháp luật có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
"Giàu bất chính không sung sướng gì đâu!"
Gần đây, báo chí thông tin nhiều vụ về tài sản của cán bộ, trong đó có cả cán bộ của Thanh tra Chính phủ. Ông bình luận gì về điều này?
|
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
|
Ở đây tất cả mọi người đều đặt ra câu hỏi họ làm việc và hưởng lương của cán bộ công chức như vậy thì lấy đâu ra nhiều tiên thế? Sự việc tại cơ quan Thanh tra Chính phủ đã gây rất nhiều bức xúc trong dư luận.
Tại buổi tiếp xúc cử tri TP Hà Nội ngày 1/7 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời chất vấn của cử tri về vấn đề tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Tổng bí thư khẳng định dù đã nghỉ hưu vẫn phải làm, vẫn phải kiểm điểm tại cơ quan Thanh tra. Tinh thần là không không nhân nhượng, không cho qua kể cả đã nghỉ hưu.
Tôi thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rất đúng, rất quyết liệt chống tham nhũng. Việc chống tham nhũng không nên trừ một ai cả, chính trong cơ quan thanh tra càng phải làm mạnh, khách quan, công bằng trong phòng chống tham nhũng.
Những sự việc mà gần đây báo chí nêu về tài sản “khổng lồ” của cán bộ đang gây bức xúc dư luận. Cán bộ khi đã nghỉ hưu rồi mới phát hiện ra tham nhũng, sai phạm trong quá trình công tác thì sử dụng luật hồi tố; còn khi nghỉ hưu rồi mới sai phạm thì chính quyền địa phương, tổ chức đảng ở địa phương người đó sinh hoạt hoàn toàn có thể phát hiện và lên tiếng, xem xét.
Nếu làm tốt việc này thì sẽ hạn chế tình trạng có những người đương chức hay chuẩn bị nghỉ hưu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vơ vét nhiều “của nả” rồi “hạ cánh an toàn” là điều đau lòng và đáng báo động.
|
Biệt thự của gia đình ông Trần Văn Truyên, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ được xây dựng trên diện tích hơn 16.000 m2.
|
Không ít những người có chức vụ, quyền hạn chỉ tới khi của nả “chìm, nổi” của họ đột nhiên “lòi” ra thì dư luận mới thật sự giật mình. Ông có thấy bất thường không?
Thời gian gần đây chuyện “của chìm, của nổi” của quan chức các tỉnh “lòi” ra qua tay của các tên “trộm” thì mới thấy rằng không có gì là bất thường cả. Ông cha ta đã nói rất đúng là “cháy nhà ra mặt chuột”.
Việc mới đây có vụ trộm cắp tài sản tại nhà riêng của vợ chồng ông Đặng Xuân Thọ - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum. Tổng số tài sản do nhóm trộm lấy tại nhà ông Thọ khoảng 2,7 tỷ đồng. Trong lúc tìm kiếm, trộm phát hiện dưới gầm giường một va ly, bên trong có nhiều vàng thẻ đóng gói thành dây bọc trong túi nilon cùng nhiều nhẫn vàng, bông tai, lắc vàng, dây chuyền vàng... mà báo chí đã đăng tải đang là một bộ phận nhỏ mới bị phát lộ. Trước hết, các cơ quan nơi mà các cán bộ này công tác cần kiểm tra tính hợp pháp của khối tài sản của họ. Dư luận thấy rất khó hiểu là vì sao các cơ quan kiểm tra không biết mà chỉ... trộm mới biết?
Vấn đề ở đây không phải là các cơ quan nơi mà cán bộ đó công tác không biết những người này có “của chìm, của nổi” mà cung cách sinh hoạt hiện nay của một số tổ chức, cơ quan sinh hoạt còn nể nang nhau, không dám nhìn thẳng vào sự thật. Còn bản chất của sự việc có thể nhìn thấy, cảm nhận thấy đều biết cả nhưng bản thân người có của không trung thực kê khai.
Những người giàu có không thể giấu dân được (ở đây không gọi đối tượng trộm là dân) nhưng thực tế trong con mắt của nhân dân thì họ luôn có thông tin về độ giàu có của quan chức.
Bởi thế mà cơ quan, tổ chức phải quản lý sao cho được cán bộ, đảng viên để biết được hoạt động của người đó. Quản lý đảng viên, cán bộ nhân viên về hoạt động để kịp thời ngăn chặn hành động bất chính. Nếu để cán bộ công chức làm sai rồi mới phát hiện thì thể hiện sự yếu kém.
Tôi phải khẳng định những người làm giàu bất chính thực chất không sung sướng gì đâu. Vì họ bất chính là bắt đầu tội ác. Tội ác sẽ bị đáp lại bằng tội ác, rủi ro theo quy luật “nhân-quả”. Xã hội nên cảnh báo giúp những người đang say sưa vào làm giàu bất chính để họ được tỉnh ngộ.
Cán bộ liệu có biết được tài sản của Bộ trưởng?
Ông có cho rằng, không ai dại dột đứng tên hết khối tài sản khổng lồ của họ, mà sẽ tìm nhiều cách để phân tán?
Đúng là như vậy, nhưng tôi vẫn hoàn toàn ủng hộ chủ trương kê khai tài sản.
Kê khai tài sản là một chủ trương đúng, không chỉ ở Việt Nam mà các nước tiên tiến hay các nước có chế độ xã hội khác nhau đều thực hiện, đều có sự giám sát quyền lực. Chủ trương này không có gì mới nhưng hiệu quả ở Việt Nam chưa cao.
Nước ta xuất hiện nhiều hình thức trá hình để tẩu tán tài sản như: tài sản chuyển sang con, anh chị em. Thực tế có việc tẩu tán tài sản, không đứng tên tài sản, chuyển người khác đứng tên hộ, chuyện này xảy ra nhiều nơi, nhiều chỗ.
Cần thực hiện quản lý tốt việc kê khai tài sản vì việc này là bảo vệ cán bộ; cán bộ làm ăn bất chính mà lộ ra thì gây ảnh hưởng tới người đó và gia đình, xã hội. Việc phát lộ là hoạt động kiên quyết, nhân văn, không bị sỉ nhục trước phán xét của xã hội, với những người này, họ không còn là công bộc của nhân dân.
Việc kê khai tài sản gắn liền với công tác phòng chống tham nhũng, làm không tốt việc này thì không bao giờ chống được tham nhũng. Càng có chức quyền thì càng phải công khai? Ông có đồng ý với những nhận định trên?
Tôi nghĩ tất cả cán bộ, công chức phải khai báo hết và cần có cơ quan kiểm tra. Các đồng chí lãnh đạo càng cao càng phải kê khai. Từ trên cao xuống đều phải công khai tài sản, mà phải công khai trên báo chí, cơ quan đại chúng, trên bản thông tin của cơ quan chứ không phải chỉ dừng ở hồ sơ lưu cơ quan.
Thực tế là, các cán bộ của cơ quan cấp Bộ liệu có biết tài sản của Bộ trưởng không? Có cơ quan nào đi thẩm tra xem việc khai báo thế có đúng không?
Công tác phát hiện tham ô, tham nhũng nước ta còn quá hạn chế, thực tế cả hệ thống kiểm tra, thanh tra, giám sát cả trong Đảng, trong cơ quan quản lý nhà nước, xã hội đều có nhưng có mấy khi phát hiện tham nhũng đâu.
Phải dựa vào dân, cụ thể là cán bộ, công nhân viên, người trong xã hội. Chúng ta có hệ thống chính trị. Trong hệ thống đó, các thành viên đều nói nhiều về thành tích. Nhưng các vấn đề bức xúc của xã hội thì hệ thống chính trị đã làm gì, trước là tổ chức Đảng, sau đó là cơ quan nhà nước, rồi tổ chức công đoàn, tổ chức đoàn thanh niên. Hiện nay, phát lộ nhiều vấn đề xã hội đến mức báo động, đó là điều mà khiến cơ quan nhà nước phải kiểm điểm.
Vậy theo ông, việc cần làm nhất hiện nay là gì? Công khai, minh bạch như thế nào?
Thực hiện nghiêm túc quy định về kê khai tài sản. Những người đã phát lộ thì đi vào kiểm tra, những người chưa phát lộ thì phải kê khai hoặc công khai, để giúp cho việc nhân dân giám sát. Trực tiếp giám sát là cán bộ, công nhân viên trong cơ quan đó, ở các khu dân cư, công luận.
Khi phát hiện điều gì đó thì có người lắng nghe luôn, cần nghe bằng nhiều hình thức. Ví dụ như Ban nội chính còn mua tin của dân. Điều này là trân trọng sự phát giác của dân. Có người không cần lấy tiền khi cung cấp thông tin nhưng kỳ vọng sự làm việc đến nơi đến chốn của cơ quan nhận được thông tin.
Như vậy, cần phải dựa vào dân, dân cái gì cũng biết. Nghĩa rộng là toàn dân, nghĩa hẹp là những cán bộ nhân viên công nhân ở cơ quan, những người cư trú gần anh, những người tiếp xúc với anh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mất trộm, quan tỉnh lộ 65 cây vàng dưới gầm giường TAND tỉnh Gia Lai vừa tuyên phạt tổng cộng gần 72 năm tù cho 4 bị cáo gồm: Nguyễn Mạnh Quân, Lê Đình Đạt, Nguyễn Quốc Nam, Nguyễn Ngọc Thuận cùng về tội “trộm cắp tài sản”. Cách đây hơn 1 năm, 4 đối tượng trên đã thực hiện vụ trộm cắp tại nhà riêng của vợ chồng ông Đặng Xuân Thọ - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum và bà Trần Thị Xuân Lan - Trưởng phòng Tổ chức Cục thuế tỉnh Gia Lai. Trong lúc tìm kiếm, Quân phát hiện dưới gầm giường một valy khóa số, bên trong có nhiều vàng thẻ đóng gói thành dây bọc trong túi nilon, nhiều nhẫn vàng, bông tai, lắc vàng, dây chuyền vàng... Tổng số tài sản do nhóm trộm lấy tại nhà ông Thọ khoảng 2,792 tỷ đồng. Nhà giám đốc Sở GTVT bị trộm "khoắng" hơn 1 tỷ Ngày 30/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Kạn tiến hành tạm giữ hình sự 3 đối tượng Phan Thế Anh (ở xã Lục Bình, huyện Bạch Thông), La Văn Thắng (SN 1993, huyện Chợ Mới) và Đỗ Văn Ngọc (SN 1997, ở phường Sông Cầu, thị xã Bắc Kạn) do liên quan đến vụ trộm cắp tài sản hơn 1 tỷ đồng trên địa bàn. Trước đó, ngày 10/5, bà Dương Thị Hạnh, ở phường Đức Xuân, thị xã Bắc Kạn (vợ ông Lăng Văn Hòa - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Kạn) trình báo: Ngày 7/5, gia đình bà bị kẻ gian đột nhập lấy trộm 40 000 USD, 5 cây vàng SJC, 1 lắc tay, 1 đôi nhẫn cưới và số tiền gần 100 triệu đồng. Trộm "hỏi thăm" 57 lượng vàng trong nhà cán bộ tỉnh Sáng ngày 3/7/2013, Công an TP. Vinh (Nghệ An) đã bắt ba nghi can gồm: Phan Xuân Nam (14 tuổi, trú tại thị trấn huyện Nam Đàn); Lữ Văn Sang (14 tuổi, trú xã Mậu Đức, huyện Con Cuông); Nguyễn Cao Cường (18 tuổi, trú tại phường Hồng Sơn, TP. Vinh) vì liên quan đến vụ trộm 57 lượng vàng và 50 triệu đồng tại nhà một cán bộ văn phòng UBND tỉnh. Ngày 25/6/2013, nhóm đối tượng này đã đột nhập gia đình bà Trần Thị Anh Đào (53 tuổi, trú tại P.Hưng Dũng, TP. Vinh) cạy tủ, két sắt để trộm số tài sản nêu trên. Được biết, bà Đào là cán bộ văn phòng UBND tỉnh Nghệ An (chồng bà Đào nguyên cảnh sát giao thông thuộc Công an tỉnh Nghệ An, đã về hưu). |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quan-chuc-co-vang-khoi-tien-ty-chi-trom-moi-biet-a43021.html