(ĐSPL) – Do sợ phải phẫu thuật mổ lấy sỏi thận, người đàn ông này đã tìm ra một cách làm tan sỏi không giống ai.
Do không thể chịu đựng nổi những cơn đau hành hạ, người đàn ông phải đồng ý cho các bác sĩ làm phẫu thuật. |
Một người đàn ông Trung Quốc bị sỏi thận đã cố gắng - nhưng không thành công – tự chữa bệnh bằng liệu pháp uống... 10 chai bia mỗi ngày.
Doanh nhân giấu tên 38 tuổi trên đến từ Trùng Khánh, đã bị sỏi thận nhiều năm nay. Hai năm trước, các bác sĩ đã phát hiện có tới 10 viên sỏi trong thận của ông ta và yêu cầu ông ta phải làm phẫu thuật ngay.
Nghe bạn bè mình mách rằng uống các loại đồ uống có cồn sẽ giúp làm tan sỏi thận, “con sâu bia” này vui mừng chọn lựa cách chữa bệnh theo liệu pháp này.
Bình thường, ông ta uống 3-5 chai bia một ngày hoặc có đôi khi hơn vì thường xuyên tham dự các buổi tiệc chiêu đãi của giới kinh doanh.
Sau khi bắt đầu uống bia chữa bệnh, ông ta uống 5 chai buổi trưa và 5 trai buổi tối. Nếu hôm nào ban ngày phải lái xe thì sẽ “dồn” cả 10 chai cho buổi tối.
Ông ta cứ vui sướng áp dụng phương pháp này được hơn một tháng thì phải nhập viện do bị những cơn đau sỏi thận hành hạ.
Đám sỏi được lấy ra khỏi thận của người đàn ông. |
Sau vài ngày bị cơn đau đớn hành hạ đến nỗi không thể chịu nổi nữa, cuối cùng ông này buộc phải đồng ý làm phẫu thuật mổ lấy sỏi thận.
Và kết quả là các bác sĩ đã “tặng” cho ông ta một đĩa đầy sỏi sau đó. Viên sỏi lớn nhất có đường kính lên tới 2,5 cm.
Các bác sĩ cho biết liệu pháp điều trị của ông ta chính là nguyên nhân làm trầm trọng thêm chứng bệnh bởi vì chất purine có trong bia làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Điều 61 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định về thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa như sau: “1. Mọi trường hợp phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa đều phải được sự đồng ý của người bệnh hoặc đại diện của người bệnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. 2. Người bệnh thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này, trước khi phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa phải được người đại diện của người bệnh đồng ý bằng văn bản. 3. Trường hợp không thể hỏi ý kiến của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh và nếu không thực hiện phẫu thuật hoặc can thiệp ngoại khoa sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định tiến hành phẫu thuật hoặc can thiệp ngoại khoa”. * Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
MINH MINH (theo SCMP)