TP.HCM đã bắt đầu xuất hiện mùa dịch sởi mới trong thời gian gần đây. Các chuyên gia y tế nhận định, do biến động về dân cư, đô thị lớn nhất phía Nam đang có nguy cơ bùng phát dịch sởi theo chu kỳ 5 năm.
Bệnh sởi có nguy cơ bùng phát tại TP.HCM vì tỷ lệ tiêm chủng bị ảnh hưởng biến động dân cư. |
Bất thường dịch bệnh sởi tại TP.HCM
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), tại khoa này lúc nào cũng có trẻ mắc sởi nhập viện, cuối tháng 6 vừa qua có gần 14 ca nội trú. Đặc biệt, số trẻ nhỏ dưới 9 tháng chiếm đến 50% (trẻ chưa đủ tuổi tiêm chủng). Theo nhiều bác sĩ, thực tế trên khá bất thường bởi trong mùa này, về lý thuyết thì đã hết bệnh sởi nhưng số ca bệnh vẫn còn đông.
Hiện tại, bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM đang rơi vào tình trạng quá tải do số người mắc sởi nhập viện tăng mạnh. Đáng nói, là đa số những ca bệnh đều không tiêm chủng hoặc tiêm vắc-xin sởi không đủ mũi. Chị Lê Thị Tình, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM băn khoăn: “Mới đầu bé sốt cao đến 400 C, ho, sổ mũi và phát ban, khi đi khám thì bác sĩ vẫn chưa kết luận. Sau khi đưa đến bệnh viện Nhiệt đới thì phát hiện cháu chuyển qua sởi. Cháu mới 8 tháng tuổi nên chưa tiêm phòng sởi được”.
Không chỉ có trẻ em, bệnh sởi còn xuất hiện ở người lớn. Chị Nguyễn Thị Lệ, 29 tuổi, quê Ninh Thuận cho biết, chồng chị đi làm về thấy nóng sốt cao, sau đó nổi ban đỏ. “Tôi phải nhờ người thân chăm đứa con 5 tháng tuổi để vào TP.HCM vì chồng phải nhập viện để điều trị bệnh sởi biến chứng nặng”, chị Lệ chia sẻ.
“Hiện tại, bệnh viện đã tiếp nhận 65 ca điều trị nội trú, chưa tính số bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Dự báo số ca nhập viện do bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại”, đại diện bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM thông tin.
Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho hay: “Bệnh nhân trong 3-4 ngày đầu phát hiện bệnh có thể điều trị ngoại trú và theo dõi cách ly tại nhà. Gia đình khi có người thân mắc sởi, cả nhà nên mang khẩu trang y tế khi tiếp xúc, rửa tay, chân sạch sẽ và bổ sung vitamin C. Bệnh nhân tuần đầu phát ban nên hạn chế đường và tiếp xúc với người ngoài để tránh lây lan và chỉ nên nhập viện điều trị khi có biến chứng”, bác sĩ Hoa nói.
“Về điều trị, tất cả các ca bệnh sởi đều được điều tra và xử lý trong 24 giờ. Bệnh nhân được cách ly, những người tiếp xúc được gián sát và chỉ định tiêm phòng. Tuy nhiên, biện pháp cách ly bệnh nhân thường chỉ thực hiện được sau khi ca bệnh được báo cáo lên hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ khi bệnh nhân đã có đầy đủ triệu chứng của sởi mới được cách ly. Trong khi đó, bệnh sởi có thể lây trước trước khi phát ban 5 ngày nên nếu chỉ cách ly bệnh nhân thì không đủ để kiểm soát lây lan bệnh sởi”, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết.
Lo ngại chu kỳ 5 năm lặp lại
Theo đại diện trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong tình hình dịch tễ trên thế giới và Việt Nam bùng phát dịch sởi, TP.HCM cũng ghi nhận nhiều ca sởi trên địa bàn trong năm 2018 - 2019. Tổng số ca bệnh sởi ghi nhận từ tháng 8/2018 đến nay là 7.184 ca (3.893 ca nội trú và 3.291 ca ngoại trú). Trong đó, 95% số bệnh nhân mắc sởi không được tiêm chủng”.
Theo khảo sát của trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, số ca sởi vụ dịch 2018 – 2019 xuất hiện lẻ tẻ, không thành chùm tại cộng đồng, đặc biệt là tại các quận huyện có nhiều dân nhập cư có số ca bệnh cao hơn so với các quận huyện khác.
“Qua điều tra ghi nhận cho thấy, phần lớn các trẻ mắc sởi là con của lao động nhập cư, cha mẹ không đưa con đi tiêm chủng. Dịch sởi xảy ra tại một địa phương là do nơi đó có nhiều người không được tiêm phòng bệnh sởi. Tại TP.HCM, tiêm phòng bệnh sởi miễn phí được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tất cả các trạm y tế phường xã và tại một số bệnh viện... Tuy nhiên với đặc điểm dân cư biến động, nhiều trẻ em theo cha mẹ là các lao động nhập cư đến thành phố, không tiếp cận được với chương trình tiêm chủng mở rộng. Có thể do cha mẹ không biết điểm tiêm hoặc do các trạm y tế không nhận được thông tin về trẻ này để mời trẻ ra tiêm chủng nên nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch”, đại diện trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM nhận định.
Đáng lưu ý, bệnh sởi ở TP.HCM không ghi nhận theo mùa hằng năm mà cứ 5 năm lại có một vụ dịch (vụ dịch trước vào năm 2014). Nguyên nhân được lý giải là do TP.HCM có đặc điểm dân cư biến động rất lớn nên cần biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách phù hợp, đặc biệt là truyền thông vận động phụ huynh ở các khu nhà trọ, người lao động nhập cư đưa con em đi tiêm ngừa.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM nhận định: “Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hằng năm của TP.HCM đạt 95%, nhưng mỗi năm vẫn còn đó khoảng 5% số trẻ (khoảng 5.000 trẻ) chưa được tiêm chủng mũi sởi đầu tiên. Như vậy, sau 5 năm thì có đến khoảng gần 20.000 trẻ chưa được tiêm chủng. Đây là lý do quan trọng làm cho bệnh sởi lây lan mạnh trong cộng đồng sau mỗi 4-5 năm tại TP.HCM, cũng như cả nước".
Dù ngành Y tế đã thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, tiêm vét vắc-xin phòng bệnh thế nhưng bệnh sởi vẫn tiếp tục bùng phát, tỷ lệ tiêm chủng sởi vẫn ở mức thấp. Bác sỹ Trương Hữu Khanh, bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, cần xem lại tính hiệu quả của các biện pháp tuyên truyền. Chỉ khi giải quyết được vấn đề miễn dịch của cộng đồng, tăng độ bao phủ tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin, mới có thể chấm dứt được bệnh sởi.
Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc sở Y tế TP HCM đánh giá: “Vấn đề tiêm chủng không chỉ của riêng ngành Y tế mà rất cần sự phối hợp của các ngành, đoàn thể có liên quan..., đặc biệt là sự hợp tác của người dân. Ngoài ra, cần có chế tài đối với các trường hợp phụ huynh không đồng ý cho trẻ đi tiêm chủng, bởi chính những đứa trẻ không được tiêm chủng đầy đủ sẽ là nguy cơ tiềm ẩn khiến dịch sởi lây lan cho cộng đồng”. |
Hà Nhân
Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 114