Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, yêu cầu về trình độ chuyên môn như nhau nhưng định mức số tiết dạy giữa giáo viên một số bộ môn bậc tiểu học, THCS, THPT đang có sự chênh lệch rõ rệt, dẫn đến thiệt thòi cho giáo viên.
Cụ thể, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất điều chỉnh định mức số tiết dạy bậc tiểu học, THCS đối với giáo viên các bộ môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật), tin học và công nghệ, tiếng Anh như định mức tiết dạy của giáo viên THPT.
Lý do là vì yêu cầu về trình độ chuyên môn đều từ cử nhân, song giáo viên tiểu học phải dạy 23 tiết/tuần, giáo viên THCS 19 tiết/tuần, trong khi giáo viên THPT 17 tiết/tuần.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo sở, ngành liên quan phối hợp "Xây dựng một số chế độ chính sách đối với viên chức là giáo viên cấp tiểu học các bộ môn tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật" trước yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chẳng hạn theo Sở GD&ĐT, hiện mức lương cơ bản của giáo viên ngành Tin học, tiếng Anh mới tốt nghiệp trúng tuyển viên chức giáo dục đang thấp hơn khi vào làm ở các cơ quan khác ngoài giáo dục.
Sở cũng kiến nghị UB chỉ đạo sở ngành liên quan nghiên cứu đề xuất hướng giải quyết cho chương trình giáo dục địa phương; nghiên cứu, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển quỹ đất cho giáo dục.
Liên quan đến phương án mua sách giáo khoa (SGK) cho học sinh mượn sử dụng, Sở GD&ĐT cho biết đã trình UBND TP ban hành kế hoạch trang bị SGK trong thư viện cho học sinh mượn sử dụng suốt năm học.
TP sẽ sử dụng ngân sách, kinh phí huy động từ các nguồn vận động tài trợ, xã hội hóa ưu tiên cho các đối tượng diện chính sách ở các cấp học có nhu cầu mượn sách sử dụng. Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT TP phát động phong trào, tuyên truyền, vận động học sinh giữ gìn sách để trao lại cho học sinh lớp sau. Sử dụng ngân sách để trang bị 100% đầu SGK điện tử cung cấp miễn phí cho học sinh, giáo viên.
Việt Hương (T/h)