Diện tích đất công đang bị bỏ hoang rất lớn, sử dụng sai mục đích đã và đang gây thất thoát lớn cho ngân sách.
Chiều 24/4, Đoàn giám sát HĐND TP.HCM đã làm việc với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) và Công ty Dược Sài Gòn (Sapharco) về việc quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất do Nhà nước quản lý.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đề nghị Sagri làm rõ số lượng hộ dân thật sự canh tác trên đất được khoán như hợp đồng, hay cho người khác thuê lại, khả năng thu hồi những diện tích sử dụng sai mục đích... Ngoài ra, đại biểu cũng phán ảnh có tình trạng đất công do Sagri quản lý đã để người dân chuyên đổi mục đích sử dụng đất không đúng hợp đồng; lấn chiếm, xây dựng trái phép.
Được biết, Sagri hiện quản lý 45 nhà đất, tổng diện tích hơn 62 triệu m2. Trong đó, khối Văn phòng là 38 nhà đất với tổng diện tích hơn 3 triệu m2; số còn lại do 3 công ty con quản lý (Công ty Bò Sữa và Cây trồng chiếm số lượng lớn).
Theo Tổng Giám đốc Sagri Lê Tấn Hùng, hiện diện tích đất cây trồng thực tế còn lớn nhưng đa phần khoán hết. Đất sản xuất còn rất ít, trồng cây không có giá trị cao.
Còn đối với Sapharco, đoàn giám sát yêu cầu báo cáo cụ thể hơn về công tác quản lý và sử dụng hơn 30 nhà đất công đang quản lý.
Thời gian gần đây, qua giám sát của đoàn đại biểu HĐND TP.HCM về tình trạng quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn TP cho thấy, đất công đang bị 'chảy máu', sử dụng rất lãng phí.
Diện tích đất công đang bị bỏ hoang rất lớn, sử dụng sai mục đích, cho thuê giá "bèo"... gây thất thoát lớn cho ngân sách. Ảnh: Thanh niên |
Cụ thể, mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã họp khẩn và yêu cầu Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận đàm phán với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai để hủy hợp đồng chuyển nhượng khu đất hơn 30 ha tại xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, với giá chỉ 419 tỉ đồng, tương đương 1,29 triệu đồng/m2. Lý do mức giá này được cho là thấp hơn nhiều mặt bằng thị trường và gây thiệt hại cho ngân sách khoảng 2.000 tỉ đồng.
Không chỉ trường hợp trên, các khu đất công trên địa bàn TP đang bị sử dụng rất lãng phí. Một số người dân mới đây cũng đã có đơn tố cáo gửi đến UBND TP và các cơ quan chức năng việc Tổng công ty xây dựng Sài Gòn (SGC) có hành vi vi phạm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Cụ thể, khu nhà đất ở số 104 Nguyễn Du (Q.1) có diện tích khuôn viên 560 m2 ngay góc đường Nguyễn Du - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, vị trí được xem như khu đất vàng nhưng đang bị bỏ hoang. Khu này được khai thác thông qua hợp tác với một đơn vị kinh doanh bất động sản từ năm 2012. Giữa năm 2017, SGC chấm dứt việc hợp tác và từ đó khu nhà đất này bị bỏ hoang. Một khu đất khác của SGC tại đường Nam Quốc Cang (Q.1) trước đây cho đối tác thuê mở bar hiện cũng tạm ngưng hoạt động.
Tại Q.6, khu đất công có diện tích 4.266 m2 (số 353 An Dương Vương) được cho một tư nhân thuê từ năm 2003 để làm nhà xưởng với giá thuê được tính theo bảng giá thuê từ năm 1994. Chưa kể nhiều khu cho thuê nhưng người thuê đã bỏ trốn, “quỵt” nợ.
Tại Q.9, ngôi chợ Tân Phú ở P.Tân Phú có diện tích 5.475 m2 đã không hoạt động từ gần 15 năm. Ngoài ra, hàng loạt địa chỉ nhà, đất công có diện tích khá lớn nhưng chưa được khai thác…
Ông Cao Thanh Bình - Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM cho biết, từ năm 2017 đã có nhiều nhà, đất công được UBND TP phê duyệt phương án cho bán đấu giá nhưng chưa có mặt bằng nào được thu hồi, gây lãng phí ngân sách.
Do đó, ông Bình đề nghị cần nhanh chóng đề xuất giải pháp đầu tư xây dựng hoặc bán đấu giá nhà, đất bỏ hoang. “Đây là một nguồn lực rất lớn, nếu chậm khai thác hoặc khai thác không hiệu quả sẽ gây lãng phí và tổn thất cho ngân sách nhà nước”, - ông Bình nói.
Vũ Đậu (T/h)