+Aa-
    Zalo

    TP.HCM ghi nhận 4 ca đậu mùa khỉ trong một ngày, ngành y tế tăng cường giám sát, điều trị

    (ĐS&PL) - Trong ngày 6/10, TP.HCM đã phát hiện thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 13 ca.

    Theo Sức khỏe & Đời sống, tối 8/10, Sở Y tế TP.HCM đã báo cáo tình hình mới nhất về đậu mùa khỉ cùng các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đến UBND TP.HCM.

    Theo đó, trong ngày 6/10, TP.HCM đã ghi nhận thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ mới. Trong số những ca mắc, có một ca được phát hiện tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 7/2023 và hai ca là trường hợp xâm nhập.

    Các trường hợp đậu mùa khỉ đang được giữ cách ly và điều trị theo dõi. Sở Y tế TP.HCM đã và đang tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

    tp hcm ghi nhan them 4 ca dau mua khi nang tong so mac len 131
    Bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh minh họa.

    Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B, không là "tình trạng khẩn cấp" nên sẽ không công bố từng ca riêng, chỉ báo cáo tổng số ca hàng tuần, hàng tháng cùng các bệnh dịch khác.

    Các chuyên gia cho rằng đậu mùa khỉ lây nhiễm nội địa chứng tỏ bệnh đã du nhập vào Việt Nam và lưu hành trong cộng đồng. Giải trình tự gene virus lấy từ bệnh nhân thứ ba ghi nhận chủng virus mang kiểu gene khác với hai trường hợp đầu tiên mắc bệnh nhập cảnh từ Dubai vào Việt Nam tháng 10 năm ngoái.

    Các bác sĩ cho biết không nên lo lắng quá mức bởi đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng, chỉ dễ lây trên một số nhóm nguy cơ như đồng tính nam, song giới, người có nhiều bạn tình, không bảo vệ bằng bao cao su...

    Bệnh có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ sát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc, song sẽ tự thải trừ hoàn toàn virus và nhanh khỏi nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây lo ngại trên toàn cầu, dỡ bỏ mức cảnh báo cao nhất vào ngày 11/5. Trước đó, ngày 23/7/2022, WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

    Chuyên gia vẫn khuyến cáo người dân cảnh giác chủ động phòng ngừa tích cực nếu thuộc nhóm nguy cơ cao và tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ.

    Người có triệu chứng nghi ngờ như phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu khác như sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược... Người này cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục, đồng thời liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời, theo Vnexpress.

    Ngành y tế lưu ý bệnh đậu mùa khỉ thường diễn biến qua 2 giai đoạn

    Giai đoạn sốt: Kéo dài 0-5 ngày với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, đau lưng, đau cơ, hạch lympho viêm và sưng đau, kiệt sức.

    Giai đoạn phát ban ngoài da: Thường bắt đầu từ 1-3 ngày sau khi xuất hiện sốt, gồm ban dát sẩn, cục sẩn, mụn nước, mụn mủ.

    Ban có xu hướng tập trung ở vùng mặt và ngọn chi hơn là ở vùng thân mình. Ban mọc chủ yếu ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, ngoài ra cũng hay gặp niêm mạc miệng, niêm mạc sinh dục và kết giác mạc.

    Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài đến vài ngàn nốt. Hầu hết triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng hoặc thậm chí tử vong.

    Thùy Dung (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tphcm-ghi-nhan-4-ca-dau-mua-khi-trong-mot-ngay-nganh-y-te-tang-cuong-giam-sat-dieu-tri-a594429.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan