TP.HCM đồng ý chuyển dự án cầu đường Bình Triệu và cầu Tân Kỳ Tân Quý từ hình thức BOT sang dùng vốn ngân sách.
Liên quan tình hình các dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, thành phố đã chấp thuận chủ trương chuyển qua dùng vốn ngân sách đối với 2 dự án BOT cầu đường Bình Triệu (quận Bình Thạnh) giai đoạn 2 và cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân).
"Đối với các dự án BOT đã triển khai mà dừng lại là chưa có tiền lệ. Hiện, việc chuyển từ vốn PPP sang ngân sách, sở Kế hoạch Đầu tư đang nghiên cứu để xử lý vì trước nay chỉ có chuyển từ đầu tư công sang tư chứ chưa chuyển từ tư sang công", ông Lâm nhận định.
TP.HCM chủ trương dừng 2 dự án BOT chuyển sang vốn ngân sách. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng |
Chủ trương của UBND TP.HCM được đưa ra từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước, cho rằng 2 dự án này không phù hợp với Nghị quyết 437 của Quốc hội, không được thực hiện dự án BOT trên đường hiện hữu.
Dự án cầu đường Bình Triệu (giai đoạn 2) được TP.HCM ký kết với Tổng công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) năm 2018 với tổng vốn gần 2.300 tỷ đồng, trong đó đền bù giải tỏa hơn 1.360 tỷ đồng.
CII đã hoàn thành thi công một nhánh cầu Ông Dầu trên quốc lộ 13 và chi một phần tiền đền bù giải tỏa đường Ung Văn Khiêm. Do đó, TP.HCM sẽ dùng ngân sách hoàn trả nhà đầu tư các khoản đã chi trong dự án khi đàm phán kết thúc hợp đồng BOT.
TP.HCM không tiếp tục làm dự án BOT nên sở GTVT TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM thanh lý 2 trạm thu phí ở 2 đầu cầu Bình Triệu 1 và Bình Triệu 2.
Đến giữa nằm 2018, công trình thi công đạt 70% khối lượng xây lắp. Do vướng giải tỏa nên dự án đã dừng thi công, sắp tới sẽ được bàn giao về thành phố.
Việc dừng thực hiện dự án trên đồng nghĩa với việc IDICO sẽ không kéo dài thêm thời gian thu phí giao thông ở trạm thu phí An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1 (quận Bình Tân).
Trong khi đó, dự án xây dựng cầu Tân Kỳ Tân Quý có tổng chiều dài 224,8 m, trong đó cầu dài 82,9 m, rộng 16 m cho 4 làn lưu thông và không hạn chế tải trọng xe và lề bộ hành rộng 1,5 m. Tổng vốn đầu tư hơn 312 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã thi công 70% khối lượng.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu các sở, ngành liên quan tham mưu đề xuất tháo gỡ vướng mắc dự án kéo dài nhiều năm như dự án cầu Bưng, cầu Long Kiểng. Giải quyết những khó khăn về Luật Đầu tư công giữa luật cũ và mới. Đặc biệt, xác định tiêu chí ưu tiên hoàn thành các dự án trọng điểm.
Đồng thời, yêu cầu sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng đơn giá bồi thường cho phù hợp với tình hình thực tế, có lợi cho người dân. Các sở ngành liên quan như sở Tài chính, sở Xây dựng, sở Quy hoạch Kiến trúc TP cùng phối hợp giải quyết những vướng mắc còn tồn tại.
Vũ Đậu (T/h)