+Aa-
    Zalo

    TP.HCM: Cảnh báo từ 3 dịch nguy hiểm đang hoành hành

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Dịch tay chân miệng, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết đang hoành hành tại nhiều địa phương trên cả nước. Tại khu vực phía Nam, dịch đã bùng phát.

    (ĐSPL) - Dịch tay chân miệng, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết đang hoành hành tại nhiều địa phương trên cả nước. Tại khu vực phía Nam, dịch đã bùng phát, các bệnh viện tuyến trên đang phải đối mặt với nguy cơ lây chéo vì quá tải.

    Con số thống kê cụ thể cho thấy tại bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, mỗi ngày có tới 2.099 ca nhập viện dẫn đến quá tải, tình trạng trên cũng xảy ra tại bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM.

    Đổ dồn về bệnh viện tuyến cuối

    Theo ghi nhận thực tế của PV báo ĐS&PL, nhiều ngày qua người bệnh tại các khu vực phía Nam đổ dồn về hai bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2. Khu vực phòng khám, khu điều trị lúc nào cũng trong tình trạng đông nghẹt người. Thực trạng này khiến cả hai bệnh viện đang phải gồng mình để tránh tình trạng lây chéo giữa các bệnh nhân. Đáng lo ngại, ngoài các ca sốt xuất huyết nhập viện thì dịch tay chân miệng, dịch đau mắt đỏ cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Mối lo 3 dịch bệnh chồng nhau đang hiện hữu.

    PV đã có cuộc khảo sát cụ thể vào chiều 7/10, số lượng bệnh nhân mắc tay chân miệng đến nhập viện ở bệnh viện Nhi đồng 1 ngày một tăng. Hơn 50m chiều dài hành lang thuộc khu khoa Nhiễm-thần kinh của bệnh viện trở nên ngột ngạt khi hàng chục gia đình chọn nơi đây làm nơi tá túc. Tâm trạng mệt mỏi, lo lắng là điều dễ nhận thấy ở các gia đình bệnh nhân này.

    Bệnh nhân và thân nhân mắc bệnh tay chân miệng tại bệnh viện Nhi Đồng 1.

    Anh Nguyễn Kiến Tường (31 tuổi, ngụ tỉnh Long An) có con gái 4 tuổi bị mắc chứng nổi đỏ ở tay, nghi là bệnh tay chân miệng. Con anh đã nhập viện ngày thứ 2 nhưng giờ vẫn xét nghiệm. Anh Tường lo lắng tâm sự: “Hằng ngày, hai vợ chồng tôi phải đi làm nên gửi con cho ông bà nội chăm sóc. Hai bữa trước khi nhập viện, con tôi có biểu hiện sốt nhưng thấy sốt nhẹ nên chúng tôi chỉ cho uống thuốc. Tuy nhiên, một ngày sau, thấy tay chân của con nổi ban đỏ và bé than đau ở miệng, thấy vậy gia đình tôi hoảng quá, chuyển thẳng lên đây luôn”.

    “Các bác sỹ chẩn đoán con tôi có thể mắc phải chứng bệnh tay chân miệng nên chuyển qua khoa Nhiễm-thần kinh. Đến đây gặp nhiều gia đình có con bị tương tự, họ cho biết bệnh này đang trong giờ cao điểm. Nghe đâu, đã có trường hợp tử vong do mắc bệnh này nên từ qua đến nay gia đình tôi lo lắng lắm. Các bác sỹ sáng nay cũng có gặp và nói con tôi chỉ mới mắc những triệu chứng ban đầu nên sẽ không sao”, anh Tường cho biết thêm.

    Tương tự, chị Hoàng Phương Mai (28 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) cho biết: “Tôi mới đi khám cho cháu tại bệnh viện Nhi đồng 1. Khám dinh dưỡng vì trước đó tôi thấy cháu biếng ăn, còi cọc, rồi sốt. Khi khám xong về được một ngày thì cháu có biểu hiện mệt, sốt có vẻ nặng hơn. Tôi đang sợ trong lúc chờ đợi khám không biết có bị lây nhiễm bệnh tay chân miệng hay sốt xuất huyết gì từ bệnh nhi khác không nữa”.

    Không những số lượng bệnh nhân nhập viện tăng lên từng ngày mà tại bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, hàng ngàn thân nhân cũng tràn về đây mỗi ngày. Bệnh viện quá tải khiến nhiều người phải mang chiếu ra hành lang để nghỉ trong tâm trạng lo lắng. Chị Nguyễn Thanh Tú (33 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) hoang mang: “Con trai tôi mới 3 tuổi mấy ngày nay nằm điều trị tại khoa Nhiễm của bệnh viện. Trước khi đến bệnh viện, con tôi có biểu hiện sốt, phát ban, người ửng đỏ rất ghê. Nhà tôi mới bàn tính thuê nguyên chiếc xe chuyển thẳng con xuống bệnh viện Nhi đồng 2 thăm khám. Tại đây thì các bác sỹ khám báo là bị sốt xuất huyết”.

    Nằm mơ màng trên chiếc chiếu trải dưới thềm bệnh viện bên ngoài khoa Nhiễm, chị Võ Thị Thanh (28 tuổi, ngụ Chợ Gạo, Tiền Giang) mệt mỏi cho biết: “Mấy ngày nay tôi chẳng ăn ngủ gì được, người cứ lo lo. Cháu nhà tôi mới có 2 tuổi, bây giờ vẫn nằm ở khoa Nhiễm, cách ly với bên ngoài. Lúc ở nhà tôi phát hiện cháu có vài chấm lở loét ở tay, rồi nóng sốt. Khi thăm khám tại trạm y tế người ta bảo nghi bị bệnh tay chân miệng. Tôi tá hỏa cùng chồng đưa con thẳng xuống bệnh viện Nhi đồng 2 luôn. Ở đây tôi thấy lại có hàng trăm trường hợp khác, ai cũng lo lắng cho các cháu, sợ chúng bị lây chéo thì khổ lắm”.

    Nỗi lo về nguy cơ lây chéo

    Nói về nguyên nhân khiến dịch bệnh ngày càng gia tăng, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng cho biết: “Nhiều khu vực vẫn còn có tới hàng trăm ngàn con loăng quăng sống trong những vật phế thải như lon bia cũ, vỏ bánh xe... Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho dịch bệnh ngày càng bùng phát. Thực tế cho thấy, các bệnh viện tuyến trên đã cho kê thêm giường ngoài hành lang để giải quyết quá tải nhưng số ca mắc bệnh vẫn không ngừng tăng lên. Chưa kể đây còn là dịp để các bệnh khác lây chéo cho bệnh nhân”.

    TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) ái ngại cho biết: “Trước tình trạng dịch bệnh ngày càng tăng cao, chúng tôi không chỉ quá tải về bệnh nhân sốt xuất huyết, mà các bệnh khác như tay chân miệng, đau mắt đỏ và bệnh về hô hấp cũng đang bị quá tải. Người bệnh nặng hay nhẹ từ các tỉnh đều đổ về điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1 gây ra tình trạng quá tải toàn hệ thống. Chưa bao giờ bệnh viện chúng tôi ghi nhận lượng bệnh nhân lên tới 2.099 ca/ngày như hiện nay”.

    Cũng đứng trước tình trạng khó khăn do dịch bệnh gia tăng, bác sỹ Trịnh Hữu Tùng, Phó giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ: “Hiện tại bệnh viện Nhi đồng 2 đang rơi vào tình trạng quá tải. Trong đó, số lượng quá tải của bệnh sốt xuất huyết là cao nhất, sau đó là bệnh tay chân miệng rồi đến đau mắt đỏ. Hiện cả bệnh viện đang dồn toàn lực cho khoa Nhiễm.

    Thông thường chỉ có 1 bác sỹ trực cấp cứu nhưng nay đã tăng thành 3 người/ca trực. Để giảm bớt tình trạng quá tải tại bệnh viện, chúng tôi không ngừng khuyên thân nhân không nên đổ dồn, đưa người bệnh về tuyến trên khi bệnh mới chuyển biến nhẹ. Tuy nhiên, tâm lý người dân không tin tưởng các tuyến cơ sở nên cứ phải vào bệnh viện tuyến trên mới chịu. Điều này càng khiến cho các y bác sỹ tại bệnh viện gặp nhiều khó khăn trước thực trạng quá tải diễn ra liên tục”.                        

    Hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới tránh quá tải

    Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc sở Y tế TP.HCM cho biết: “Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên cả nước đã vượt con số 40.000 và có hơn 30 ca tử vong. Bên cạnh đó, dịch bệnh tay chân miệng, đau mắt đỏ cũng đang diễn biến bất thường với số ca bệnh ngày càng tăng cao.

    Vì vậy, để ngăn chặn dịch bệnh ngày càng bùng phát thì cần thiết phải mở thêm các lớp tập huấn, cử bác sỹ có chuyên môn cao về các bệnh viện tuyến dưới hỗ trợ. Tránh tình trạng người dân tập trung vào bệnh viện tuyến trên gây quá tải. Bên cạnh đó, các bệnh viện cần có biện pháp để kìm hãm số ca tử vong/số ca nặng xuống thấp nhất”.

    Thơ – Đăng - Minh

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud]SCabawESAC[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tphcm-canh-bao-tu-3-dich-nguy-hiem-dang-hoanh-hanh-a114613.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.