(ĐSPL) - Vào thời điểm triều cường đạt đỉnh, TP HCM đã có hơn 50 điểm ngập sâu từ 40cm đến 1m.
Nhiều nhà dân bị triều cường tấn công (Ảnh Dân trí). |
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, lúc 19h ngày 11/10, do ảnh hưởng của kỳ triều cường rằm tháng 9 âm lịch, mực nước cao nhất ngày trên hệ thống sông, kênh rạch TP.HCM ở mức rất cao. Đỉnh triều cường tại TP HCM là 1,62 mét, cao hơn mức báo động 3 là 12 cm. Dù mực nước này thấp hơn con nước tối qua 6 cm, nhưng tình trạng ngập lụt lại nghiêm trọng hơn. Vào thời điểm triều cường đạt đỉnh, TP HCM đã có hơn 50 điểm ngập sâu từ 40cm đến 1m.
Ghi nhận của báo Tuổi trẻ, khoảng 19h15 ngày 11/10, tại đường Lương Định Của, Q.2, nước ngập sâu quá đầu gối, nhiều xe cộ chết máy. Đặc biệt, tại đoạn dưới dốc cầu Thủ Thiêm xuất hiện một hố sâu khoảng 40cm, đường kính khoảng 1m.
Nhiều khu vực ngập quá bánh xe. (Ảnh: Dân Trí) |
Theo người dân, vài ngày trước có một đơn vị đào hố tại khu vực này để thi công, sau đó đã gia cố lại. Tuy nhiên, nước ngập đã cuốn trôi phần bêtông, nhựa đường nên hố sâu xuất hiện lại. Nhiều người đi đường đã sụp hố, té ngã xuống dòng nước ngập.
Còn theo tin tức trên báo VOV, mặc dù trời không mưa nhưng một số tuyến đường ở Thành phố Long Xuyên, nước từ các cống đã làm ngập cục bộ khiến nhiều khu dân cư, khu phố bị ngập, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân.
Tại Đồng Tháp, một số cụm dân cư ở thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành bị ngập nặng do ảnh hưởng của triều cường. Nước lớn, uy hiếp gây ngập úng, đe dọa đến tài sản, hoa màu của người dân. Nhiều tuyến đường nông thôn bị ngập sâu trong nước.
Ở Cần Thơ, do ảnh hưởng của triều cường nên trong ngày 10/10 một đoạn đê bao hơn 3 mét ở khu vực Cồn Khương, phường Cái Khế bị vỡ. Trong ngày 11/10, nước tiếp tục tràn qua đoạn đê bao bị vỡ tại Cồn Khương làm nhiều nhà cửa, ao nuôi cá ngập sâu, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.