Theo tin tức báo Thanh Niên đăng tải, sáng 16/8, các chốt kiểm soát COVID-19 trên nhiều tuyến đường như Phan Đăng Lưu, Lê Văn Duyệt, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) và nhiều chốt tại quận Gò Vấp liên tục xảy ra tình trạng ùn ứ.
Cụ thể, tại chốt kiểm soát COVID-19 trên đường Lê Văn Duyệt (đoạn gần cầu Bông, quận Bình Thạnh), người dân xếp hàng kéo dài vài chục mét tại chốt để chờ đến lượt xuất trình giấy đi đường. Tại đây, tổ công tác yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ tùy thân cũng như giấy đi đường nhưng phải có hiệu lực trong 7 ngày.
Do có quy định mới về thời hạn sử dụng giấy đi đường, nhiều người dân tỏ ra không hài lòng vì chưa được thông tin từ trước, dẫn đến bị động. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, tổ công tác yêu cầu những trường hợp có giấy phép không hợp lệ phải quay đầu và chỉ ra đường khi có giấy tờ hợp lệ.
Tại chốt Phan Đăng Lưu - Nguyễn Công Hoan (quận Bình Thạnh) tình trạng ùn ứ tại chốt cũng xảy ra và kéo dài nhiều giờ liền. Gần trăm phương tiện xếp hàng nối dài tại chốt để chờ khai báo, xuất trình giấy tờ đi đường. Tổ công tác cũng liên tục nhắc nhở người dân việc giấy ra đường chỉ có hiệu lực trong vòng 7 ngày và không giải quyết các trường hợp quá hạn. Đối với trường hợp giấy tờ chưa hợp lệ sẽ buộc quay đầu.
Được biết, theo báo Lao Động, từ chiều ngày 15/8, Công an TPHCM đã thông tin về việc tạm dừng khai báo "di chuyển nội địa" bằng mã QR tại các chốt kiểm soát ở nội địa TP.HCM.
Theo đó, các chốt kiểm soát dịch khai báo mã QR giữa quận, huyện, Thành phố Thủ Đức trong nội địa TPHCM tạm thời không kiểm tra mã QR, mà chỉ chốt chặn để làm nhiệm vụ thực hiện Chỉ thị 16. Những trường hợp nào không đủ điều kiện thì buộc phải quay đầu xe, xử lý nghiêm vì ra đường không đúng mục đích.
Hiện TP.HCM vẫn duy trì các chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra vào thành phố, người dân vẫn phải khai báo sức khỏe theo mã QR của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) khi di chuyển giữa TP.HCM với các tỉnh giáp ranh.
Từ 0h ngày 16/8 đến hết ngày 15/9, TP.HCM thực hiện nguyên tắc 'ai ở đâu thì ở đó'
Tối 15/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký ban công văn khẩn về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố để quyết liệt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, UBND TP.HCM chỉ đạo tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 16/8 đến hết ngày 15/9 với nguyên tắc 'ai ở đâu thì ở đó'.
Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các chỉ đạo; Chỉ thị số 12 của Thành ủy, Kế hoạch số 2715 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố.
Tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân. Từ 6h đến 18h hàng ngày, kiểm soát việc di chuyển trên địa bàn thành phố của các nhóm đối tượng được phép hoạt động.
Cho phép thêm các nhóm đối tượng sau được hoạt động gồm: các cơ sở sản xuất thực phẩm (như bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu..); các tổ chức hành nghề công chứng; các công ty cung cấp dịch vụ: bảo vệ; bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư; bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng), phòng bán vé máy bay; phòng khám tư nhân và nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu gồm: đội ngũ người giao hàng (shipper) có quản lý ứng dụng công nghệ được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, TP Thủ Đức và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, giao nhận thanh toán không tiếp xúc và có các đặc điểm nhận diện; người đi giao - nhận hàng hóa của các cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm.
Đối với khung giờ từ 18h đến 6h, thành phố yêu cầu mọi người dân hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải tiếp tục tạm ngưng hoạt động, trừ trường hợp được phép như: đi tiêm vắc xin, cấp cứu, lực lượng phòng chống dịch, nhân viên siêu thị; nhân viên các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ thiết yếu, nhân viên giao thiết bị y tế; phóng viên thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thành phố…các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch.
Hoàng Yên (T/h)