Báo Tuổi trẻ thông tin, theo UBND quận 1 (TP.HCM), tình hình thu phí vỉa hè tại 11 tuyến đường quận 1 giúp đảm bảo trật tự đô thị và mỹ quan đô thị hiệu quả.
Tính từ 9h ngày 9/5 đến 17h ngày 28/6, trên địa bàn quận có 290 hộ đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố, số phí dự kiến thu là hơn 1 tỉ đồng. Trong đó đã có 136 hộ thực hiện đóng phí thực tế hơn 538 triệu đồng.
Qua kết quả trên, UBND quận 1 nhận định người dân rất ủng hộ việc đóng phí, mức phí theo quy định nên số lượng đăng ký ngày càng tăng. Họ đồng thuận việc đăng ký sử dụng tạm một phần hè phố do nhu cầu sử dụng dịch vụ tại hè phố của khách du lịch trong và ngoài nước rất cao và thiết thực.
Để đảm bảo trật tự mỹ quan cho khu vực trung tâm TP.HCM, quận 1 chỉ đạo Đội quản lý trật tự đô thị quận 1 cùng UBND 10 phường thường xuyên tuần tra, cập nhật tình hình thực tế, sắp xếp lại các vị trí phù hợp với phương án bố trí hè phố đã được thông qua. Các trường hợp vi phạm chiếm dụng lòng, lề đường sai quy định cần xử phạt.
Báo Dân trí thông tin thêm rằng, theo kế hoạch, từ đầu năm nay, TP.HCM áp dụng thu phí vỉa hè trên gần 900 tuyến đường thuộc 5 khu vực trên địa bàn. Tuy nhiên, việc triển khai đến nay tại nhiều quận vẫn chưa hoàn tất.
Hiện các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung danh mục các tuyến đường có hè phố đủ điều kiện tổ chức thu phí sử dụng theo ý kiến của Ban ATGT, Sở GTVT TP.HCM. Theo thống kê, TP.HCM có 4.869 đường rộng từ 5m trở lên, trong đó 2.271 tuyến đường có vỉa hè, 929 tuyến đường vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên với chiều dài 673,3km sẽ khai thác.
Dự kiến, số tiền thu được sẽ là khoảng 1.522 tỷ đồng/năm (trong đó, thu từ vỉa hè chiếm 63,8%). Phần vỉa hè, lòng đường thu phí phải được phân định cụ thể với phần dành cho giao thông; phù hợp công năng và kết cấu chịu lực của lòng đường, hè phố; phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận.