Hà Nội mới đưa tin, chiều 21/9, UBND TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và một số nội dung được dư luận quan tâm.
Theo đó, liên quan đến giáo dục, các khoản thu đầu năm học luôn được phụ huynh rất quan tâm. Trả lời vấn đề này, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM Hồ Tấn Minh cho biết, ngành Giáo dục đang phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức để dự thảo văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chặt chẽ các quy định về thu học phí và các khoản thu khác.
Về mức thu, tất cả các mức thu của khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục phải đảm bảo không vượt mức thu tối đa theo quy định cùng từng nhóm theo phân loại địa bàn. Trên cơ sở nội dung và khung mức thu được quy định theo phân cấp, các cơ sở giáo dục công lập căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của cha mẹ học sinh để xây dựng dự toán thu, chi cho từng nội dung thu làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể phù hợp cho năm học 2023 - 2024.
Khi xây dựng dự toán, căn cứ nội dung theo các hướng dẫn chuyên môn của ngành giáo dục về thực hiện các chương trình dạy học 2 buổi/ngày, chương trình ngoại khóa và các nội dung khác theo quy định. Tất cả các khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên; bộ phận tài vụ của nhà trường thực hiện thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn thu tiền cho từng học sinh, sinh viên, không giao cho giáo viên trực tiếp thu, đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định. Yêu cầu tất cả khoản thu phải đảm bảo thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục TP tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp quản lý, kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản thu không đúng quy định.
Ngoài ra, đối với tiền điều hòa, sửa chữa cơ sở vật chất trong phòng học năm học nào cũng triển khai thu, ông Hồ Tấn Minh cho hay việc này chiếu theo quy định tại Thông tư số 16/2018 của Bộ GD&ĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục.
Theo đó, cơ sở giáo dục vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung: Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; Cải tạo sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; Hỗ trợ các hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Đồng thời Thông tư này khuyến khích các nhà tài trợ tổ chức thực hiện việc đầu tư, xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay” mua sắm trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh để bàn giao cho cơ sở giáo dục.
Thông tư cũng quy định các văn bản hướng dẫn của Sở phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không xem huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Trên thực tế, các trường có nhu cầu vận động tài trợ đã lập kế hoạch vận động tài trợ theo quy định, trình cơ quan chủ quản phê duyệt. Phần lớn các trường vận động được nguồn kinh phí đáng kể để hỗ trợ về cơ sở vật chất và các hoạt động giáo dục cho các trường; hàng năm thực hiện các thủ tục quyết toán theo quy định.
Nhiều trường vận động tiền mua, sửa chữa điều hòa, sửa chữa cơ sở vật chất hàng năm vì nhiều lý do. Về điều hòa, mỗi năm các trường có nhu cầu trang bị điều hòa (có thỏa thuận với phụ huynh) chỉ mua hoặc sửa chữa điều hòa theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm chỉ trang bị cho một số phòng học nhất định.
Các năm học sau có thể tiếp tục mua thêm để trang bị cho các phòng học khác nên tiếp tục vận động. Trong quá trình máy hoạt động có thể bị hư hỏng nên cần kinh phí vận động để bảo trì, sửa chữa. Việc trả tiền điện riêng cho sử dụng điều hòa cũng phải vận động tài trợ, đi đôi với việc mua và sử dụng vì điều hòa là loại thiết bị tiêu hao điện năng nhiều.
Trong khi việc sử dụng điện luôn có hạn mức, sử dụng điện quá định mức sẽ áp dụng đơn giá điện cao hơn giá trong định mức. Một số điều hòa dùng lâu năm hết hạn thời gian sử dụng cũng cần phải thay thế.
Về cơ sở vật chất, nhiều trường xây dựng trong thời gian gần đây hoặc đã xây dựng lâu năm có sự xuống cấp, hư hỏng, cần có nguồn kinh phí để cải tạo, sửa chữa trong khi nguồn kinh phí nhà nước cấp còn hạn hẹp. Vì vậy, hàng năm các trường có nhu cầu cải tạo sửa chữa trường lớp, nhà vệ sinh, sân thể thao, nhà thi đấu... ngoài nguồn kinh phí nhà nước cấp, cần thêm nguồn vận động tài trợ từ xã hội hóa.
Mỗi năm, các trường chỉ làm một vài hạng mục, vận động tài trợ theo nhu cầu, có sự thỏa thuận với phụ huynh, theo Vietnamnet.
Phương Linh(T/h)