Việt Nam dự World Cup nữ 2023
Theo VnExpress, chiều 22/7/2023, quốc thiều Việt Nam lần đầu vang lên tại một sân chơi World Cup của bóng đá 11 người, khi các cô gái vàng cùng hát vang bài Tiến quân ca. Hình ảnh này trái ngược với nhiều cầu thủ Mỹ chỉ im lặng khi đến lượt của họ, khiến truyền thông đặc biệt chú ý ở Auckland, New Zealand hôm đó.
Vào trận, Việt Nam cũng gây ấn tượng bằng lối chơi chặt chẽ, phòng ngự kiên cường và chỉ thua đương kim vô địch Mỹ 0-3, dù nhiều chuyên gia đã lo ngại một cách biệt hai con số.
Tuy nhiên, chênh lệch thực lực quá lớn với đẳng cấp thế giới, khiến thầy trò ông Mai Đức Chung không thể tạo thêm đột biến, rời giải với ba trận toàn thua, không ghi bàn nào và thủng lưới 12 lần.
Dù bị loại sớm, đội tuyển vẫn nhận được lời khen trên trang chủ FIFA, với "lối chơi kỷ luật và có tổ chức". Mục tiêu hạn chế bàn thua của đội có thể coi là thành công, nhất là khi đối thủ cùng khu vực Thái Lan thủng lưới 20 lần trong ba trận kỳ trước. Nhưng so với thành tích của đại diện Đông Nam Á khác tại giải là Philippines, Việt Nam vẫn đứng sau, vì đối thủ này thắng được một trận trước đồng chủ nhà New Zealand.
Năm nay cũng đánh dấu 20 năm ông Chung dẫn đội tuyển nữ. Sau vài lần nghỉ rồi trở lại nắm quyền, ông nghỉ hưu cuối năm nay với tư cách HLV giàu danh hiệu nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, trong đó có sáu HC vàng SEA Games.
Thể thao Việt Nam đứng đầu SEA Games 32
Tại SEA Games 32 diễn ra vào tháng 5 ở Campuchia, đoàn thể thao Việt Nam giành đến 136 HCV, đứng đầu toàn đoàn và bỏ xa Thái Lan xếp thứ hai với 118 HCV. Đáng chú ý, Việt Nam giành đến 25% tổng số HCV của Đại hội.
Những môn mang về nhiều HCV cho Việt Nam gồm lặn, vật, judo và Vovinam. Hai kỳ thủ Tôn Nữ Hồng Ân và Phạm Thanh Phương Thảo "mở hàng" HCV ở môn cờ ốc, còn Nguyễn Hoàng giành HCV thứ 136 ở môn Kickboxing.
Điểm nhấn của Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 là cú hat-trick HCV của vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh. Chân chạy người Bắc Giang giành HCV 1.500m nữ với thành tích 4 phút 16 giây 85 và đoạt HCV 3.000m vượt chướng ngại vật với thành tích 10 phút 34 giây 37. Hai nội dung thi đấu của Nguyễn Thị Oanh chỉ cách nhau 30 phút và thành tích này khiến báo giới châu Á cảm thấy kinh ngạc.
Việt Nam thất bại tại Asiad 19
Thất bại của hai môn quan trọng kể trên như là chỉ dấu cho thấy Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn tại Asiad 19 ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, diễn ra sau SEA Games hơn bốn tháng. Đoàn rời Hàng Châu với ba HC vàng, từ bắn súng, cầu mây và karate, hoàn thành chỉ tiêu.
Cơn khát vàng của đoàn được xạ thủ Phạm Quang Huy giải quyết ngày 28/9/2023, ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Chiến tích của anh là bất ngờ, dù được cựu vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh hỗ trợ. Sau đó, đội tuyển cầu mây bốn nữ, và karate ba nữ lần lượt đem về vinh quang cho Việt Nam.
Tuy nhiên, đoàn từ vị trí số một SEA Games, rơi xuống thứ sáu Đông Nam Á ở Asiad, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. Truyền thông Đông Nam Á bất ngờ và có phần hả hê với kết quả của Việt Nam tại Asiad, trong đó CNN Indonesia có bài: "Vị vua Đông Nam Á trở thành kẻ tí hon tại châu lục".
Nhiều chuyên gia trong nước như cựu trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh cũng cho rằng kết quả kỳ này là thất bại của Việt Nam, khi đứng ngoài Top 20. Đoàn có nhiều môn có thể cạnh tranh huy chương, nhưng không đủ thực lực để lên bục cao nhất. Nếu chỉ xét số HC đồng, đoàn chỉ đứng sau Thái Lan tại Đông Nam Á. Vì thế, ưu tiên của ngành thể thao Việt Nam cho các cấp Đại hội gây ra nhiều tranh cãi.
Billiards Việt Nam lần đầu tiên vô địch thế giới
Theo Dân trí, tay cơ trẻ Bao Phương Vinh đã đi vào lịch sử billiards Việt Nam khi đánh bại Trần Quyết Chiến trong trận chung kết giải vô địch thế giới nội dung billiards carom 3 băng, diễn ra tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 10/9.
Chiến thắng này giúp cho Bao Phương Vinh đi vào lịch sử billiards Việt Nam khi trở thành vận động viên (VĐV) của thể thao Việt Nam vô địch giải đấu lớn nhất thế giới sau 75 năm tổ chức. Thành tích tốt nhất của billiards Việt Nam tại đấu trường này chính là vị trí á quân của Nguyễn Đức Anh Chiến ở giải đấu năm 2019.
Tuy nhiên ở ba giải World Cup với tư cách nhà vô địch thế giới, Phương Vinh chưa thể giành thêm danh hiệu, khi chỉ tiến xa nhất tới tứ kết. Tuy nhiên, anh sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục có thêm các danh hiệu trong năm 2024.
Đội tuyển Việt Nam khởi đầu gây tranh cãi thời Philippe Troussier
Một khía cạnh khác cũng được bàn luận nhiều với thể thao Việt Nam năm qua là ở đội tuyển bóng đá nam, khi HLV Philippe Troussier lên thay Park Hang-seo. HLV người Pháp thay đổi đáng kể lối chơi của đội, từ phòng ngự phản công sang kiểm soát bóng. Lứa cầu thủ từng giành nhiều thành tích với HLV Park cũng bị thay thế một phần đáng kể, bằng các cầu thủ trẻ.
Đỗ Duy Mạnh, Hồ Tấn Tài, Nguyễn Phong Hồng Duy, Phan Văn Đức hay Nguyễn Hoàng Đức không còn là lựa chọn số một trên tuyển. Trong các cầu thủ trẻ, vài nhân tố dần tận dụng cơ hội để đá chính như hậu vệ 22 tuổi Võ Minh Trọng, Phan Tuấn Tài, hay tiền vệ 20 tuổi Nguyễn Thái Sơn.
Việt Nam khởi đầu thời Troussier với ba trận toàn thắng Hong Kong, Syria và Palestine, không để thủng lưới. Nhưng khi giao hữu với các đội mạnh hơn như Trung Quốc, Uzbekistan hay Hàn Quốc, đội không ghi bàn nào, thủng lưới 10 lần. Đến khi vào giải chính như vòng loại thứ hai World Cup 2026, đội tuyển thắng trên sân của Philippines, trước khi thua Iraq ở phút cuối tại Mỹ Đình.
Ông Darby cho rằng đội tuyển dưới thời Park chơi thực dụng nên khó thua đậm, nhưng ít thắng lớn. Còn ở thời Troussier, đội có thể thắng đối thủ mạnh, song cũng dễ thất bại nặng nề. Các chuyên gia cũng cho rằng HLV 68 tuổi cần thêm thời gian làm việc cùng đội tuyển. Asian Cup tháng 1/2024 sẽ là bài kiểm tra quan trọng hiệu quả làm việc của ông Troussier.
Như Quỳnh (T/h)