Lễ hội rước pháo làng Đồng Kỵ
Hội rước pháo làng Đồng Kỵ được tổ chức tại xã Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh. Lễ hội tổ chức với mục đích tưởng nhớ vị thành hoàng làng - ngày Thánh Thiên Cương.
Đây là nghi thức truyền thống được nhiều người dân mong đợi nhất trong suốt 3 ngày hội từ mùng 4 đến 6 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.
Tại đây, pháo rước gò bằng tôn, bên ngoài dán giấy nhiều màu sắc. Hai quả pháo có kích thước khác nhau thể hiện tượng trưng cho pháo Nhất và pháo Nhì.
Theo đó làng phải huy động đến khoảng 400 người phục vụ trong đó có tới khoảng 300 trai tịnh dưới 50 tuổi phù giá để có được lễ rước hoành tráng và đầy đủ nghi thức.
Tuy lễ hội diễn ra với quy mô nhỏ nhưng nổi tiếng khắp đất nước bởi ý nghĩa và sự đặc sắc của nó.
Lễ hội Yên Tử
Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi tín ngưỡng tâm linh của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Yên Tử chính là nơi bắt nguồn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và cũng là trung tâm Phật Giáo Việt Nam.
Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) sẽ bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm và kéo dài đến tận tháng 3 Âm lịch.
Du khách có thể tới Yên Tử để tham quan ngôi chùa bằng đồng ấn tượng nằm trên đỉnh núi, du xuân vãn cảnh, thưởng ngoạn tiết trời xuân. Nơi đây du khách cầu bình an, may mắn cho cả năm thuận buồm xuôi gió.
Yên Tử được xem như một điểm hấp dẫn du lịch tôn giáo, lịch sự, văn hóa và sinh thái. Bất kỳ ai đến với lễ hội Yên Tử, nhất là đến được chùa Ðồng đều cảm thấy choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Những giá trị tinh thần, văn hoá của tổ tiên; sự dâng hiến tinh khiết, trong hoa lá…
Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương
Lễ hội Đền Hùng là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất cả nước nhằm tưởng nhớ công ơn của các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Lễ hội được tổ chức trong vòng 6 ngày từ mùng 5 đến ngày 10 tháng 3 Âm lịch.
Đến lễ hội, du khách sẽ được chứng kiến màn rước kiệu vua và lễ dâng hương. Ngoài ra còn rất nhiều hoạt động văn hóa và trò chơi dân gian hấp dẫn như: Hát xoan, đấu vật, kéo co, bơi…
Lễ hội Chùa Hương
Lễ hội chùa Hương hay Trẩy hội chùa Hương là một lễ hội của Việt Nam. Ngày mồng 6 tháng giêng là ngày khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch.
Vào dịp lễ hàng triệu phật tử cùng du khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương.
Vào những ngày tổ chức lễ hội, thuyền bè đi lại tấp nập. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật.
Chính vì vậy, nói đến chùa Hương là nghĩ đến con đò - một dạng của văn hóa thuyền của cư dân Việt ngay từ thuở xa xưa. Và đến nay, ngày hội bơi thuyền ở chùa Hương luôn tạo cảm hứng mãnh liệt cho người đi hội.
Trẩy hội chùa Hương là hành động giải tỏa hòa hợp giữa thực và mơ, tiên và tục - thực là nền tảng, mơ là uất vọng - trên cái nền mùa xuân tươi sáng mà con người Việt Nam chất phác, nhân ái thuở xưa cảm nhận hành động và trao truyền.
Lễ hội Lim - Bắc Ninh
Hội Lim là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được tổ chức gồm hai phần phần lễ và phần hội.
Phần Lễ: Ngày 13/1 Âm lịch, ngày hội chính,. Vào 8h sáng, Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần km.
Phần hội: Có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội. Là phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng. Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ.
Hội Lim lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc ,với những hoạt động phong phú của lễ và hội đã có nội dung và tầm cỡ lễ hội văn hóa dân gian Kinh Bắc, gần như hội đủ những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của các lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh - mảnh đất được coi là vương quốc của lễ hội dân gian Việt Nam.
Phương Linh (T/h)