Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lo ngại về các vấn đề sức khỏe mà người dân trong khu vực Thái Bình Dương phải chịu do thử nghiệm hạt nhân trong nhiều thập kỷ.
"Quan tài" hạt nhân ở Thái Bình Dương bị rò rỉ. Ảnh: Twitter |
Trao đổi với các sinh viên ở Fiji hôm 16/5, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres nhấn mạnh rằng một chiếc “quan tài” được chế tạo để chứa chất thải hạt nhân trong khu vực Thái Bình Dương bắt đầu rò rỉ, có thể mang đến những hậu quả tai hại.
Trả lời câu hỏi của một sinh viên tại Đại học Nam Thái Bình Dương, ông Guterres lưu ý: "Thái Bình Dương đã từng là nạn nhân trong quá khứ, như chúng ta đều biết", đề cập đến vụ nổ hạt nhân do Mỹ và Pháp tiến hành trong nhiều thập kỷ tại đây, bao gồm cả ở Quần đảo Marshall - nơi Mỹ buộc phải sơ tán và tái định cư toàn bộ dân số để tiến hành một trong số 67 vụ thử nghiệm. Ngoài việc bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, người dân đảo Marshall còn gặp vấn đề về sức khỏe và mất mạng.
Thậm chí, ngay cả những người lính Mỹ được gửi đến để dọn dẹp sau đó cũng chịu hậu quả nghiêm trọng, một báo cáo năm 2017 của ABC News từng tiết lộ. "Hậu quả của những sự kiện này là khá ấn tượng, liên quan đến sức khỏe và ngộ độc nước ở một số khu vực", ông Guterres cho biết.
“Quan tài” hạt nhân là Runit Dome, một cấu trúc bê tông khổng lồ được xây dựng để lưu trữ 85.000 mét khối mảnh vụn và đất bị ô nhiễm do hàng chục cuộc thử nghiệm của Mỹ trong khu vực tạo ra. Người dân trong khu vực gọi đó là "ngôi mộ". Bây giờ, họ sợ thời gian trôi qua - và biến đổi khí hậu - sẽ không để những vật chất nguy hiểm được yên nghỉ ở bên trong.
Mái vòm của “quan tài” đã bị nứt. Một báo cáo năm 2013 do Bộ Năng lượng Mỹ ủy quyền tiết lộ rằng các chất phóng xạ thực sự đã thoát ra khỏi mái vòm vào vùng đất xung quanh. Nếu nước biển dâng do biến đổi khí hậu xâm nhập vào vòm, vấn đề địa phương đó có thể trở thành một cuộc khủng hoảng hạt nhân toàn cầu, vì các dòng hải lưu sẽ phân phối chất thải độc hại ra khắp thế giới.
Tuy nhiên, cho đến nay, dường như không ai sẵn sàng nhận trách nhiệm về vấn đề. Mark Willacy của Tập đoàn Phát thanh Úc, người đã đến thăm đảo san hô để báo cáo về tình trạng của nó, nói với PRI vào năm 2018 rằng Mỹ "đã trả cho Quần đảo Marshall khoảng 150 triệu USD”, và nói thêm rằng: “Tất cả các giao dịch đã được thực hiện, bồi thường hoặc bất cứ điều gì tương tự. Vì vậy, từ quan điểm của một số người trong chính phủ Mỹ, họ không có nghĩa vụ phải quay lại và làm sạch mái vòm này hoặc sửa chữa nó. Chúng ta đang ở trong tình trạng bế tắc, và đó là vấn đề", ông nói.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Sputnik)