(ĐSPL) – Ngày 13/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định mong muốn bình thường hóa quan hệ toàn diện với Nhật Bản trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí đất nước "Mặt Trời mọc".
Trong bài phỏng vấn đăng trên nhật báo Yomiuri của Nhật Bản ngày 13/12, Tổng thống Nga Putin khẳng định việc chưa có một hiệp ước hòa bình giữa Nga và Nhật Bản là điều không bắt kịp xu thế của thời đại.
TTXVN đưa tin, ông Putin nhấn mạnh việc các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga do những căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine chính là vật cản trong các cuộc thương lượng về hiệp ước hòa bình giữa hai nước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề hội nghị Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở thành phố Vladivostok (Nga) hôm 2/9/2016. |
Tổng thống Putin cho biết Moskva sẵn sàng thảo luận về hoạt động kinh tế chung với Tokyo trên những hòn đảo tranh chấp. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tất cả hoạt động kinh tế này phải diễn ra dưới sự giám sát của Nga.
Trước đó, theo tờ Thanh Niên, hôm 12/12, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko đã loại trừ khả năng về bất kỳ thỏa thuận kinh tế nào có thể gây ảnh hưởng đến sự đồng lòng của các nước G7 đối với các lệnh trừng phạt áp lên Nga sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhưng một số nước phương Tây lo ngại Nhật Bản sẽ phá vỡ các biện pháp trừng phạt này, theo Reuters.
Theo kế hoạch, Tổng thống Nga sẽ thăm Nhật Bản trong 2 ngày 15 và 16/12 trong nỗ lực khai thông bế tắc về vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với 4 hòn đảo hiện do Nga kiểm soát và gọi là Nam Kuril, trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.
Hai nhà lãnh đạo được cho là sẽ nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán về an ninh, hiệp ước hòa bình và chương trình huấn luyện cứu hộ chung trên biển, vốn bị tạm ngừng sau khi Nga sáp nhập Crimea. Bên cạnh đó, ông Putin và ông Abe dự kiến sẽ ký một số thỏa thuận về hợp tác kinh tế.
Vấn đề tranh chấp này đã ngăn cản hai nước ký Hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới II. Phía Nga kỳ vọng chuyến thăm Nhật Bản tới đây của Tổng thống Putin sẽ tạo được động lực mới trong phát triển quan hệ giữa hai nước trên mọi lĩnh vực.
Điều 80, Hiến pháp Liên bang Nga Tổng thống là người bảo vệ Hiến pháp Liên bang Nga, quyền và tự do của cá nhân và công dân Nga . Theo những thủ tục hiến định, Tổng thống thông qua những biện pháp nhằm bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga và điều phối hoạt động giữa các cơ quan quyền lực nhà nước. Đối với Quốc hội, Tổng thống có quyền gửi thông điệp Liên bang, đưa ra hay bác bỏ các dự luật, giải tán Đuma Quốc gia (Hạ viện của Quốc hội liên bang Nga) và quyết định bầu cử Đuma trước thời hạn. Đối với Chính phủ, Tổng thống là người điều hành toàn bộ hoạt động: có quyền đề cử ứng cử viên Thủ tướng Chính phủ để Đuma Quốc gia phê chuẩn cũng như tuyên bố giải tán Chính phủ bất cứ lúc nào. Tổng thống có nhiệm vụ quyết định chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước. Trong quan hệ quốc tế, Tổng thống có quyền đám phán và ký kết các điều ước quốc tế. Chúng sẽ có hiệu lực khi hai viện của Quốc hội phê chuẩn. Tổng thống cũng là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Tổng thống có quyền tuyên bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp trên lãnh thổ Liên bang hoặc ký kết hiệp ước hòa bình với sự phê chuẩn của Quốc hội. Tổng thống cũng được quyền trao huân và huy chương, giải quyết các vấn đề về quốc tịch và có quyền ân xá và đặc xá. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
(Tổng hợp)