Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp mặt trực tiếp tại Moscow (Nga) giữa lúc căng thẳng gia tăng liên quan tới vấn đề Ukraine. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau nhiều giờ hội đàm, ông Macron cho biết: "Cùng nhau… tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ có được một kết quả, ngay cả khi điều đó không dễ dàng".
Tổng thống Pháp nhận định những ngày tới sẽ vô cùng quan trọng, mang tính quyết định đối với tình hình ở Ukraine trong bối cảnh Nga đang triển khai quân sự gần biên giới nước này.
Trong cuộc hội đàm, ông Macron đã nói rằng ông muốn tránh các nguy cơ chiến tranh và mong muốn 2 xây dựng niềm tin. Đồng thời, Tổng thống Macron cho biết ông đang tìm kiếm một phản ứng "hữu ích", "cho phép chúng ta tránh chiến tranh và xây dựng từng viên gạch về lòng tin, sự ổn định, tầm nhìn".
Về phần mình, ông Putin cho biết Nga và Pháp đang chia sẻ "mối quan tâm chung về những gì đang diễn ra về an ninh ở châu Âu".
Ông chủ Điện Kremlin nhận định: "Tôi thấy giới lãnh đạo hiện tại của Pháp và cá nhân tổng thống, đang nỗ lực rất nhiều để giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến vấn đề an ninh bình đẳng ở châu Âu một cách nghiêm túc".
Tổng thống Macron, người được cho là sẽ tái tranh cử vào tháng 4 tới, đã tự định vị mình là một nhà hòa giải tiềm năng, trong khi quan chức Pháp bày tỏ sự hoài nghi về những dự đoán của Washington, London và các thủ đô phương Tây khác rằng một cuộc tấn công của Nga sắp xảy ra.
Chia sẻ với tờ Journal du Dimanche trước chuyến công du Nga, tổng thống Pháp nhấn mạnh: "Mục tiêu địa chính trị của Nga ngày nay rõ ràng không phải là Ukraine, mà là làm rõ các quy tắc chung sống với NATO và EU".
Ngay khi đến Nga, ông Macron cũng đã chia sẻ: "Tôi lạc quan nhưng tôi không quá tin vào những phép màu tự phát."
Tuy nhiên, theo người pháp ngôn Điện Kremlin, tình hình còn quá phức tạp để mong đợi những bước đột phá trong cuộc gặp mặt giữa 2 nhà lãnh đạo.
Thời gian qua, căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây đã gia tăng sau khi Moscow triển khai gần 100.000 binh sĩ tới khu vực biên giới tiếp giáp Ukraine. Trước những lo ngại của phương Tây, Nga đã phủ nhận kế hoạch tấn công Ukraine nhưng nói thêm rằng họ sẵn sàng thực hiện "các biện pháp quân sự-kỹ thuật" không xác định nếu các yêu cầu của mình không được đáp ứng, bao gồm việc NATO cam kết không bao giờ để Ukraine gia nhập liên minh và rút bớt quân khỏi Đông Âu.
Tuy nhiên, Mỹ đã từ chối những yêu cầu đó nhưng cho biết họ sẵn sàng nói về các bước kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin với Nga.
Mỹ và các đồng minh cho biết họ sẽ không bảo vệ Ukraine bằng lực lượng quân sự nhưng khẳng định sẽ đáp trả bất kỳ cuộc xâm lược nào bằng các biện pháp trừng phạt, vận chuyển vũ khí và tăng viện cho các nước NATO gần đó.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triển khai gần 3.000 lính Mỹ ở Ba Lan và Romania để bảo vệ tốt hơn cho sườn phía Đông của NATO. Một tướng Mỹ đã đến Ba Lan vào ngày 5/2 và phần lớn lực lượng mới đã đến vào ngày 7/2.
Trong khi đó, ngày 7/2, Đức cũng tuyên bố sẽ triển khai 350 quân đến Lithuania để tăng viện cho một nhóm chiến đấu của NATO ở đó.
Tháng trước, Đức cho biết họ sẽ gửi 5.000 mũ bảo hiểm quân sự đến Ukraine - một lời đề nghị bị thị trưởng Kyiv coi là "một trò đùa" khi Ukraine tìm kiếm vũ khí để tự vệ. Tuy nhiên, Đức cho biết họ loại trừ việc gửi vũ khí sát thương vì những lý do lịch sử bắt nguồn từ vai trò của nước này trong các cuộc chiến tranh thế giới ở thế kỷ 20.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ gặp Tổng thống Biden tại Nhà Trắng vào ngày 7/2 và sẽ có chuyến công du tới Kiyv (Ukaine) trong tuần tới.
Minh Hạnh (Theo Straits Times)