Ngày 7/8 (giờ địa phương), sau phiên tranh luận kéo dài 27 giờ đồng hồ, Thượng viện Mỹ đã thông qua đạo luật có tên Đạo luật Giảm lạm phát bằng trong cuộc bỏ phiếu với kết quả 51-50. Trong đó, phó Tổng thống Kamala Harris đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật. Lá phiếu của bà Harris được đánh giá là vô cùng quan trọng, đã đem về "thắng lợi" lớn và mang tính quyết định đối với dự luật trên.
Theo đó, sau khi được thông qua ở Thượng viện, dự luật sẽ được gửi tới Hạ viện để các nghị sĩ bỏ phiếu, dự kiến vào ngày 12/8. Các nghị sĩ Hạ viện cũng có kế hoạch thông qua dự luật và gửi đến Nhà Trắng để Tổng thống Biden ký ban hành. Trong một tuyên bố, ông chủ Nhà Trắng cho biết ông rất mong đợi được ký thông qua dự luật này.
Chia sẻ về "thắng lợi" trên, Lãnh đạo phe đa sỗ Thượng viện Chuck Schumer ca ngợi Thượng viện đang "làm nên lịch sử". Ông nói: "Gửi tới những người Mỹ đã mất niềm tin vào Quốc hội, dự luật này là dành cho các bạn. Dự luật này sẽ thay đổi nước Mỹ trong nhiều thập kỷ".
Theo ông Schumer, dự luật này sẽ bao gồm "kế hoạch năng lượng sạch táo bạo nhất trong lịch sử nước Mỹ" nhằm chống lại biến đổi khí hậu và giảm chi phí tiêu dùng với năng lượng và một số loại thuốc. Dự luật này có giá trị tới 430 tỷ USD.
Đảng Dân chủ hy vọng việc thông qua dự luật sẽ có ích cho các ứng viên Hạ viện và Thượng viện của đảng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8/11 sắp tới. Dự luật được thông qua vào thời điểm ông Biden đang phải nhận xếp hạng chấp thuận thấp trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
Dự luật sẽ làm giảm lượng khí thải carbon và đưa người tiêu dùng đến với năng lượng xanh, đồng thời cắt giảm chi phí thuốc kê với người cao tuổi và thắt chặt việc thực thi thuế đối với các tập đoàn và người giàu. Đảng Dân chủ cho rằng dự luật sẽ giúp giảm lạm phát, một trách nhiệm kinh tế cũng đè nặng lên hy vọng duy trì quyền kiểm soát lập pháp của họ trong thời gian sắp tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Trong khi đó, các đảng viên Đảng Cộng hòa, cho rằng dự luật sẽ không giải quyết được lạm phát. Đồng thời, họ đã lên án biện pháp này là một danh sách có thể làm giảm bớt việc làm, làm suy yếu tăng trưởng khi nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Minh Hạnh (Theo Reuters)